Tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng như sự phát triển kinh tế xã hội nước ta dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ trong năm 2012 này. Do đó, việc đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập, giữ mức tiền lương tương đương thực hiện năm 2011 đang là bài toán đặt ra cho nhiều doanh nghiệp, không loại trừ các đơn vị thành viên của Vinacomin.
Thực tế, qua các số liệu thống kê về năng suất lao động cho thấy, năng suất lao động của người lao động trong Tập đoàn qua các năm tăng chậm, tăng chưa cao. Đây cũng là vấn đề mà Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn liên tục đặt ra trong các cuộc họp gần đây. Thống kê cũng cho thấy, nếu tính theo giá trị, năm 2011 năng suất lao động toàn Tập đoàn đạt 666 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,6% so với năm trước; tính theo sản lượng than nguyên khai là 525,4 tấn/người/năm, còn tính theo khối lượng mỏ thì tăng 104,2% so với 2010. Muốn tăng năng suất lao động thì phải có các giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, các giải pháp này cần phải có thời gian. Do đó, đề xuất của Ban Lao động tiền lương Tập đoàn về việc nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức lao động hiện tại và các giải pháp tái cơ cấu lực lượng lao động đang được xem là có tính khả thi cao và là giải pháp cấp bách trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp mang tính kế thừa như không ngừng cải thiện điệu kiện làm việc, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tiến tới nâng cao thể lực của người lao động; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng lao động; tiếp tục tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực từ các trường đào tạo đại học, cao đẳng trong cả nước; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thu hút và giữ chân lao động có trình độ, có tay nghề cao đặc biệt là thợ lò và kỹ sư luyện kim, cán bộ quản lý giỏi…. năm nay, Tập đoàn chỉ đạo tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá.
Trước hết, trong tái cơ cấu lại lực lượng lao động, cần tổ chức lao động theo hình thức chuyên môn hóa từng công đoạn, từng lĩnh vực sản xuất. Tập đoàn đang triển khai chuyên môn hóa trong các lĩnh vực như đào lò xây dựng cơ bản, vận chuyển công nhân, cung ứng xăng dầu, xử lý nước thải hầm lò…. Đánh giá hiệu quả đến thời điểm hiện tại là khá thành công. Vì thế, nên tiếp tục nghiên cứu và triển khai áp dụng các mô hình chuyên môn hóa lực lượng lao động.
Cụ thể, đối với nhóm cung lao động nhỏ hơn mức cầu lao động, nhất là lao động làm việc hầm lò, cán bộ kỹ thuật ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, đơn vị sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, cần sớm ban hành mới các chế độ đãi ngộ. Chẳng hạn, xây dựng mới hệ thống thang lương, bảng lương ngành Than – Khoáng sản VN để xóa bỏ bất cập, đồng thời ban hành các chế độ khuyến khích thỏa đáng như hệ số thu hút ngành nghề, chế độ thâm niên.
Một cách nữa trong sắp xếp, đổi mới cơ cấu lực lượng lao động là tiến hành tổ chức lao động theo hình thức xã hội hóa với nhóm đối tượng lao động phục vụ, phụ trợ, lao động quản lý có mức cung lớn hơn cầu. Lấy ví dụ như hình thức đấu thầu trong các bếp ăn, vệ sinh môi trường, bảo vệ khu chung cư, tập thể… Mô hình này đã được áp dụng tại Công ty cổ phần Than Vàng Danh.
Giải pháp mang tính đột phá thứ hai là xây dựng cơ chế tiền lương gắn liền với 3 yếu tố thiết yếu của sản xuất. Đó là an toàn lao động, bảo vệ, thân thiện với môi trường và hệ số thu hồi tài nguyên nhằm tận thu tối đa tài nguyên; tiếp tục điều chỉnh mức tiền lương và hệ số giãn cách theo quyết định 1933/QĐ – Vinacomin.
Và thứ ba là giải pháp tìm hiểu, nghiên cứu để triển khai các mô hình tổ chức lao động hợp lý nhằm tăng tốc độ gia tăng sản lượng, tăng năng suất lao động dựa trên nội lực hiện tại ở các đơn vị.
Hiện tại, những giải pháp này đã và đang được các đơn vị thành viên trong Tập đoàn lựa chọn áp dụng, phù hợp với điều kiện lao động của từng nơi. Có thể kể tới như mô hình tổ đào lò nhanh ở Công ty XD mỏ Hầm Lò 2 hay như cách tổ chức lao động theo 3 ca, 4 tổ; cách sắp xếp lại lao động nhằm quyết liệt điều chỉnh tỷ lệ lao động trực tiếp/gián tiếp ở Công ty Than Hòn Gai; mô hình xã hội hoá lao động ở Than Vàng Danh… Bước đầu, các giải pháp này đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số ít hạn chế nhất định cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để phát huy hiệu quả cao nhất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chon-2012-la-nam-cai-cach-co-che-quan-ly-lao-dong-tien-luong-va-tang-nang-suat-lao-dong-2317.htm” button=”Theo vinacomin”]