Ngày bước chân vào sân bay quốc tế Nội Bài học việc, Nguyễn Việt Hoàng vẫn chưa thể tin được mình đã chính thức trở thành nhân viên của môi trường chuyên nghiệp này. Cách đó vài tháng, Hoàng vẫn còn là tài xế xe ôm công nghệ, người giao hàng (shipper) và nhân viên bán thời gian cho nhà hàng.
Sau hơn 1 năm nỗ lực học tiếng Anh và trau dồi các kỹ năng, Hoàng đã vượt qua kỳ thi tuyển để trở thành tiếp viên mặt đất ở sân bay quốc tế Nội Bài vào tháng 12/2024.
Sinh năm 2001, sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Thái Bình, Hoàng nhập ngũ và được tuyển chọn vào đoàn nghi lễ của lực lượng Công an nhân dân. Ngoài những giờ tập luyện như các lính nghĩa vụ khác, Hoàng được huấn luyện để tham gia các nghi lễ cấp cao.
Sau gần 2 năm rưỡi trong quân ngũ, Hoàng ra quân mà chưa có định hướng gì cho công việc trong tương lai.
Thời gian trong quân ngũ, Việt Hoàng được tuyển chọn vào đoàn nghi lễ
Trong khi đi tìm việc, anh thấy một nhà hàng ở Hà Nội đang tuyển nhân viên. Những ngày đầu tiên, anh được giao việc làm bảo vệ, sắp xếp xe cộ cho khách. Được vài hôm, chủ nhà hàng thấy anh nhanh nhẹn, ngoại hình khá nên giao cho việc mới là phục vụ bàn.
Những lúc rảnh, trong khi các nhân viên khác ngồi lướt điện thoại thì Hoàng ngồi quan sát nhân viên thu ngân làm việc. Thấy Hoàng có ý muốn học, nhân viên thu ngân dạy cho cậu cách làm.
Một thời gian sau, Hoàng lại chuyển sang vị trí thu ngân. Với thái độ cầu thị, ham học hỏi, anh làm cả công việc phụ bếp, sau đó được tin tưởng giao cho vị trí trợ lý quản lý nhà hàng.
Việc làm mang lại thu nhập ổn định, không phải mất tiền ăn và chỗ ở nhưng Hoàng vẫn mong muốn có một công việc có nhiều cơ hội phát triển năng lực bản thân hơn.
Một lần, tình cờ anh đọc được thông báo tuyển tiếp viên hàng không và tiếp viên mặt đất trên mạng xã hội. Anh thấy các tiêu chí không yêu cầu bằng đại học, mà chỉ yêu cầu kỹ năng tiếng Anh, giọng nói…
“Về ngoại hình, tôi khá tự tin vì hồi trong quân ngũ, yêu cầu về ngoại hình để vào đoàn nghi lễ còn chặt chẽ hơn rất nhiều. Nhưng tôi thiếu hoàn toàn kỹ năng tiếng Anh. Kỹ năng giao tiếp cũng chưa thực sự tốt” – Hoàng kể.
Quyết tâm thay đổi, Hoàng gom góp hết tiền tiết kiệm để đăng ký học tiếng Anh. Song song với đó, anh vẫn làm bán thời gian ở nhà hàng để có tiền ăn học.
“Hồi phổ thông, tiếng Anh của tôi gần như là con số 0. Những ngày ở quân ngũ, tôi cũng được đơn vị tạo điều kiện cho đi học tiếng Anh, cũng có tiến bộ nhưng chưa đủ để thi tuyển tiếp viên”.
Hoàng dành hơn 1 năm cho việc học tiếng Anh để thi tuyển vị trí tiếp viên mặt đất ở sân bay
Từ đó, Hoàng lao vào học. Những ngày đầu, việc học vô cùng gian nan. Những kiến thức mới tinh rất khó để vào đầu.
Cùng học với anh có nhiều người chung mục tiêu thi tiếp viên hàng không. “Người giỏi thì người ta học vượt, thi trước, đỗ trước. Còn người kém hơn mình thì người ta nản chí, bỏ cuộc. Cuối cùng, còn mỗi mình tôi”.
Hoàng vẫn kiên trì mỗi ngày, hi vọng “kiến tha lâu đầy tổ”. “Cô giáo dạy tiếng Anh cũng biết mục tiêu của tôi nên rất nhiệt tình hỗ trợ và động viên”.
6 tháng sau, Hoàng đăng ký thi TOEIC nhưng đạt điểm thấp, không được như kỳ vọng. Kết quả khiến Hoàng thất vọng nhưng anh vẫn không chấp nhận bỏ cuộc. Hoàng tiếp tục học ngày học đêm, luyện thi với toàn bộ sự tập trung. “Thời gian đó, tôi học đến nỗi bạc cả tóc”.
Chỉ khoảng 2-3 tháng sau, anh thi lại và kết quả đã tăng lên đáng kể, đủ để nộp đơn dự tuyển vị trí tiếp viên mặt đất.
Ngày dự thi, anh cảm thấy choáng ngợp khi các ứng viên đi thi cùng mình toàn người giỏi. Điểm số tiếng Anh của anh chỉ ở mức trung bình so với nhiều ứng viên.
“Tiếng Anh họ nói như gió, kỹ năng giao tiếp cũng tự tin, trôi chảy… Tôi vào phòng phỏng vấn mà ‘tim đập chân run’. Ban giám khảo nói tiếng Anh, tôi gần như không hiểu gì, chỉ biết đứng cười”.
Lần ấy Hoàng trượt. Anh thầm nghĩ “thi tiếp viên khó thế này sao” nhưng Hoàng không cho phép mình bỏ cuộc. Anh tiếp tục cùng cô giáo luyện giao tiếp tiếng Anh, rèn kỹ năng ứng xử, trau dồi thêm các kiến thức về ngành.
“Ngoài tiếng Anh, cái khó nhất với tôi lúc ấy là sửa giọng địa phương. Có một số âm tôi phát âm chưa chuẩn và chưa hay”.
Lúc ấy, Hoàng vẫn làm việc bán thời gian cho nhà hàng. Những lúc rảnh, anh còn chạy xe ôm công nghệ, nhận giao hàng. Có những ngày anh kiếm được gần 1 triệu đồng – một mức thu nhập rất khá. Nhưng Hoàng vẫn kiên định với mục tiêu, không vì thu nhập trước mắt mà bỏ mục tiêu lâu dài.
Anh đi thi lần 2 với tâm thế thoải mái, tự tin, không phải vì chắc chắn mình sẽ đỗ, mà xác định mình có thể tiếp tục trượt nên “không có gì để mất”. Nhưng chính sự tự tin, thoải mái ấy lại giúp Hoàng vượt qua các vòng thi và trúng tuyển.
Hoàng đang trong giai đoạn học việc ở sân bay quốc tế Nội Bài
Ngày nhận được email thông báo kết quả, Hoàng vẫn đang túi bụi phục vụ khách của nhà hàng. “Thực ra, tôi cũng không quá kì vọng nên lúc đó còn chưa vội kiểm tra email ngay. Khi xong việc, tôi mới mở email ra thì bất ngờ vô cùng khi nhận được thông báo trúng tuyển”.
Người đầu tiên Hoàng thông báo tin vui là mẹ – người đã luôn động viên, ủng hộ anh trong suốt thời gian ôn luyện.
Chàng trai 24 tuổi chia sẻ, có lẽ bí quyết duy nhất để anh đạt được thành tựu này là sự kiên trì, bền bỉ với mục tiêu của mình.
Anh nói rằng, dù đã trúng tuyển nhưng hiện tại anh vẫn đang tiếp tục cải thiện các kỹ năng tiếng Anh, giao tiếp, ứng xử để hoàn thành công việc ở mức tốt nhất có thể.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô gái Đắk Lắk đặt trà sữa không ngờ gặp shipper là bố mình Chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt trên mạng xã hội, cô gái Đắk Lắk nhận nhiều ý kiến trái chiều. ‘Thánh giao hàng’ đột quỵ trên xe, hé lộ áp lực khủng khiếp của shipper TRUNG QUỐC – Tại thị trường giao đồ ăn lớn nhất thế giới, nghề làm nhân viên giao hàng (shipper) đang rơi vào khủng hoảng. Cái chết của “thánh giao hàng” phơi bày sự cạnh tranh tàn khốc trong công việc này. Shipper làm việc quần quật tới nửa đêm, tháng thu nhập hơn 123 triệu đồng HÀN QUỐC – Nam shipper trên hòn đảo Ulleung trở nên nổi tiếng sau khi video ghi lại quá trình làm việc vất vả của anh lan truyền khắp mạng xã hội.