Cách đây đúng 864 năm vào mùa xuân năm Tỵ (1149), vua Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn – đánh dấu sự ra đời của thương cảng sớm nhất lịch sử Việt Nam.
Đứng ở địa đầu, cửa ngõ vùng Đông Bắc, Vân Đồn giữ vị trí quan trọng trong cả giao thương lẫn quân sự. Ngay ngày lập cảng, Vân Đồn đã hết sức sầm uất, thuyền bè vào ra tấp nập; nhiều hơn cả là thuyền buôn Trung Quốc đến giao dịch, buôn bán với Việt Nam. Đến thời Trần, Vân Đồn vẫn giữ là một thương cảng quan trọng đón thuyền bè Trung Quốc, Gia Va và thuyền một số nước ở vùng Nam Dương, Ấn Độ tới buôn bán.

Theo dòng chảy thời gian và những tác động của lịch sử, thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13-16, sang thế kỷ 17, 18 thì giảm dần vai trò sau khi các điểm giao thương chuyển sâu vào nội địa. Việc bố trí khoa học và rộng lớn trên một chiều dài hàng chục km ở nhiều đảo khác nhau đã chứng tỏ được trình độ tổ chức, quản lý, chính sách giao thương rộng rãi của cha ông ta từ thời Lý, Trần. Điều đó đã giúp cho Vân Đồn trở thành một thương cảng sầm uất và là điểm quan trọng của “con đường tơ lụa trên biển” vang danh một thời! Hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó, chủ yếu là hương liệu, ngà voi, sừng tê, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu và đồ gốm sứ.
Ngày nay, với diện tích hơn 2000km2, Vân Đồn là khu kinh tế ven biển khác biệt với 14 khu kinh tế ven biển khác của cả nước. Đây là vùng nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa ASEAN-Trung Quốc. Khu cũng nằm gọn trong Vịnh Bái Tử Long, gắn kết với kỳ quan thiên nhiên thế giới-Vịnh Hạ Long. Những yếu tố đó cho thấy Vân Đồn là địa bàn có đầy tiềm năng, sự khác biệt với các địa bàn khác, cần có cơ chế để “đánh thức” tiềm năng của Vân Đồn.

Làm thế nào để làm sống dậy lợi thế của thương cảng nổi tiếng này, phục vụ đắc lực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề được cán bộ, đảng viên và người dân Quảng Ninh hết sức coi trọng. Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, khảo sát vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa – giao thương này. Trong buổi làm việc của Tổng Bí thư với cán bộ, nhân dân huyện đảo Vân Đồn, đồng chí Đoàn Văn Chỉnh, Bí thư Huyện ủy đã báo cáo với Tổng Bí thư nhiều căn cứ quan trọng để phấn đấu xây dựng huyện nhà thành Khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, Vân Đồn có điều kiện thuận lợi để xây dựng sân bay quốc tế; có tiềm năng xây dựng cảng nước sâu, lại nằm trong cụm cảng quốc tế Hải Phòng-Quảng Ninh-Phòng Thành (Trung Quốc). Tuy là huyện đảo biệt lập nhưng Vân Đồn có khả năng kết nối với khu vực Đồng bằng sông Hồng (Quốc lộ 10, Quốc lộ 18), với Tây Bắc qua Lạng Sơn, với phía Nam Trung Quốc. Đây là một vị thế đặc biệt mà các chuyên gia quốc tế cho rằng đủ điều kiện để xây dựng một khu kinh tế nhiều sức bật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phát triển Vân Đồn trở thành một trong những hạt nhân kinh tế của vùng nam sông Hồng là vấn đề đã được Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định. Hiện tại, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị đề án xây dựng Vân Đồn và một số khu vực khác thành khu vực kinh tế đặc biệt nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và tái cơ cấu kinh tế, tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển kinh tế cho khu vực và cả nước. Và ngay cả khi chưa có cơ chế đặc biệt, Vân Đồn vẫn phải quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, trở thành khu vực có tính cạnh tranh cao, tương xứng với lợi thế mà thiên nhiên và lịch sử truyền thống đã tạo dựng cho Vân Đồn – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thuong-cang-van-don-5907.htm” button=”Theo vinacomin”]