Chỉ hai năm trước, hàng trăm lao động Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng đã viết đơn xin nghỉ việc, bởi không thể cầm cự với đồng lương quá ít ỏi trong suốt thời gian dài. Thế nhưng kể từ khi Nhà máy khai thác, sản xuất alumin bước vào sản xuất chính thức, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng, khá cao so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp khác trên địa bàn, là phần thưởng xứng đáng cho những con người biết kiên nhẫn, chờ đợi, dám đối diện với khó khăn.

Dây chuyền sản xuất tinh quặng alumin tại Nhà máy bauxite – nhôm Lâm Đồng (Ảnh Trọng Đạt/TTXVN)
Chủ tịch Công đoàn Phạm Thị Thanh Hòa cho biết: “Hiện nay, Công ty có hơn 1,7 nghìn lượt lao động, trong đó có hơn 1,5 nghìn lao động trực tiếp, mức thu nhập bình quân xấp xỉ 7,5 triệu đồng. Trong giai đoạn xây dựng, chuyển giao công nghệ Nhà máy, đời sống người lao động (NLĐ) gặp nhiều khó khăn. Với mức lương xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng, lại nghe phong thanh dư luận xì xầm Nhà máy không thể đi vào sản xuất, nhiều công nhân đã viết đơn xin nghỉ việc, tìm kiếm công việc khác. Là tổ chức đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, chứng kiến tình cảnh đó, chúng tôi buồn và bất lực. Thế nhưng, gần hai năm trở lại đây, Nhà máy đi vào hoạt động có hiệu quả, NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định, tư tưởng an tâm, gắn bó. Rất nhiều người viết đơn xin quay trở lại nhưng không được, do biên chế Nhà máy đã ổn định”.

Chúng tôi gặp công nhân Trần Võ Cao Anh tại Phân xưởng Lắng rửa bùn đỏ, anh cho biết đã làm việc, gắn bó với Nhà máy kể từ khi bắt đầu khởi công dự án. Những ngày đầu, lương không đủ sống cũng đã có lúc anh nản lòng, bàn với vợ là chị Hoàng Thị Yến, cùng Phân xưởng, làm đơn để một người xin nghỉ việc, mong tìm kế sinh nhai. Bàn đi tính lại, hai vợ chồng đồng tâm, nhất trí cùng bám trụ. Giờ đây, hai vợ chồng trẻ đã rời khu nhà ở công nhân do Công ty xây, ra ở riêng, xây một ngôi nhà nhỏ, sống đầm ấm với đứa con trai hai tuổi. Với khoản thu nhập của cả hai vợ chồng gần 15 triệu đồng/tháng, gia đình anh có cuộc sống khấm khá hơn so với nhiều NLĐ khác ở địa phương. Trần Võ Cao Anh khẳng định: “Giờ thì không phải lo lắng điều gì nữa rồi, vợ chồng tôi yên tâm cống hiến, vì Công ty trả lương, đóng BHXH, bảo đảm các chế độ, chính sách đối với NLĐ đầy đủ. Công đoàn Công ty tích cực tham gia giải quyết các chế độ, chính sách trợ cấp với NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Những công nhân xa nhà không có điều kiện về quê ăn Tết, được Công ty, Công đoàn tổ chức cho chúng tôi đón Tết tại khu nhà ở công nhân, được khám sức khỏe định kỳ, đi nghỉ dưỡng, tham quan nghỉ mát”.

Chúng tôi cùng Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đi thăm Nhà máy, khu nhà ở công nhân, bếp ăn tập thể. Mắt ông lấp lánh niềm vui khi nghe Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng Lê Việt Quang phấn khởi thông báo, điều đáng mừng hơn cả là tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã cơ bản làm chủ công nghệ, nâng dần công suất Nhà máy từ 60% đạt công suất khai thác 100% công suất thiết kế. Sản xuất alumin đến đâu tiêu thụ hết đến đó, gần như không có tồn kho. Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải đánh giá rất cao những kết quả Công ty đạt được, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, NLĐ đã làm chủ một công nghệ. Đồng thời khẳng định, từ Nhà máy này, đã ra đời đội ngũ kỹ sư đủ năng lực tiếp cận vận hành tốt các thiết bị khoa học, hiện đại, một lực lượng lao động mới, trên một lĩnh vực mới, công nghệ mới, là niềm tự hào của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng thời đề nghị lãnh đạo Công ty, Công đoàn phải hết sức quan tâm đến công tác an toàn lao động do đây là công nghệ hiện đại, phức tạp, sử dụng cả hơi, nhiệt, hóa chất. Đẩy mạnh phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động, làm sao để sáng kiến trở thành một phần trong cuộc sống của NLĐ. Cải tiến kỹ thuật, sáng tạo, sáng kiến là vì Công ty, cũng là vì lợi ích của chính mình.
Hiệu quả về an sinh – xã hội
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng Lê Việt Quang cho biết: Sau khi được các chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ, sau hai năm vận hành thương mại, đến nay có thể khẳng định chủ trương phát triển ngành công nghiệp bauxite – nhôm của Đảng và Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Trong năm 2014, Công ty sản xuất được 480 nghìn tấn alumin. 9 tháng đầu năm 2015 sản xuất được 540 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch năm, xuất khẩu sang các nước: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với giá bình quân cả năm đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn tính toán ban đầu của dự án.
Giải thích về một số dư luận xung quanh công tác bảo vệ môi trường, nhất là hồ bùn đỏ, ông Lê Việt Quang khẳng định: Các hồ chứa bùn đỏ luôn được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngoài hệ thống đo kiểm của Công ty thực hiện quan trắc môi trường định kỳ bốn lần/năm theo đúng quy định, còn có hệ thống quan trắc độc lập của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng. Mọi biến động liên quan đến hồ bùn đỏ đều được báo cáo tự động bằng máy móc hiện đại. Kết quả cho thấy các thông số môi trường của dự án đều được bảo đảm theo tiêu chuẩn cho phép.
Dẫn chúng tôi tham quan công trình hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác mỏ bauxite Tân Rai, lãnh đạo Công ty cho biết: Công ty luôn thực hiện nghiêm túc công tác hoàn thổ ngay trong quá trình khai thác, hoàn nguyên ngay sau khi kết thúc khai thác theo hình thức cuốn chiếu, khai thác xong đến đâu tiến hành hoàn thổ, hoàn nguyên đến đấy. Trên diện tích đất hoàn thổ sau khai thác rộng 18,25 ha, hàng nghìn cây keo lá chàm cao 50 cm đến quá đầu người xanh tươi mơn mởn trên vùng đất đỏ. Phía xa xa là nhà máy, công xưởng hiện đại đang rộn ràng sản xuất. Một mầu xanh đã hiện hữu, thể hiện sức sống của một ngành công nghiệp mới góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Nếu như trước đây huyện Bảo Lâm có mức sống chỉ bằng gần một phần hai so với TP Bảo Lộc thì giờ đây đã vươn lên với mức sống khá so với mặt bằng các huyện.
Tới thăm khu tái định cư tại tổ 18, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm do Tập đoàn TKV xây dựng năm 2009. Dọc con đường nhựa trải rộng là 41 nếp nhà khang trang, sạch sẽ. Chị Ca Quyn, dân tộc Châu Mạ, phấn khởi khoe: “Đây là nhà bauxite cho không đấy, trị giá 80 triệu đồng. Trước đây ở chỗ cũ cũng rộng rãi, buôn bán vặt, nuôi lợn, gà nhưng giờ chuyển ra đây, dân cư đông đúc, mình mở cửa hàng tạp hóa, thu nhập cao hơn. Lũ con mình cũng được đi học gần hơn, trường đẹp lắm, hai tầng cơ đấy. Bà con giờ sống ở đây quen rồi, gần nhau, tình làng nghĩa xóm quây quần, mừng lắm”.
Thời gian tới, Công ty tiếp tục củng cố, cải tiến hoàn thiện toàn bộ dây chuyền, bảo đảm duy trì sản xuất, phấn đấu năm 2016 đạt công suất thiết kế 600 nghìn tấn alumin. Ngoài chính sách đầu tư của địa phương thì sự quan tâm của Tập đoàn TKV, Nhà máy nhôm Lâm Đồng về an sinh – xã hội đã và đang góp phần tạo nên một sức hút Bảo Lâm, không chỉ với người dân địa phương mà còn với rất nhiều người lao động đến từ mọi miền Tổ quốc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/noi-niem-tin-duoc-khang-dinh-201512111506016551.htm” button=”Theo vinacomin”]