Dự án khai thác than phần dưới mức -50m Công ty CP than Hà Lầm làm lễ động thổ vào ngày 3-2-2009. Các hạng mục trọng yếu của dự án phải đào 3 giếng đứng: giếng chính được đặt tên 3/2 (ngày thành lập Đảng), giếng phụ 12/11 (ngày Truyền thống công nhân mỏ) và giếng thông gió 1/8 (ngày thành lập Công ty than Hà Lầm) lần lượt được khởi công vào các ngày 19/5, 1/6 và 1/7 trong năm 2009. Giếng chính 3/2, đường kính 5m, đào sâu đến mức -345m, chiều dài toàn giếng 425m. Giếng phụ 12/11, đường kính 6,5m,
Sau gần 2 năm các giếng đã được đào xong và bắt đầu từ tháng 5/2012, các công nhân của Than Hà Lầm bắt đầu mở các đường lò ở mức -300m. Hiện tại đang có 2 công trường Kiến thiết cơ bản 1 và 5 tham gia. Họ đang đào các đường lò để nối thông 3 giếng với nhau và làm các sân ga, hầm trạm. Công trường KTCB1 có 107 CNCB, đào từ phía giếng thông gió sang giếng phụ. Họ đang đào 2 đường lò: lò xuyên vỉa -300I thông sang giếng phụ, có tổng chiều dài 1255m và lò xuyên vỉa đặt đường ray -300, có chiều dài 232m. Các đường lò có tiết diện 23,6m2. Hôm tôi đến (1/10), đường lò -300I đã đào được 187,9m; -300 đã đào được 182,3m. Tốc độ đào đạt 40m/tháng. Tức là, với 107 người, tiến hành đào đồng thời 2 lò, mỗi tháng họ đào được 80m. Công trường KTCB5 có 124 CNCB cũng đang đào 2 đường lò, từ giếng phụ, bắt đầu từ 3/9; một thông sang giếng thông gió, đã đào được 80m (hôm tôi đến) và một thông sang giếng chính, đã đào được 16m. Hôm 1/10, Công ty đã tổ chức lễ phát động với Công trường này, đào tiếp một đường lò sân ga đáy giếng dài 450m, có tiết diện từ 38m2, sau nhỏ xuống 32m2, yêu cầu phải hoàn thành vào 20/1/2013. Công ty treo thưởng nếu hoàn thành đúng tiến độ, Công trường sẽ được 100 triệu đồng và Phân xưởng vận tải có liên quan được 50 triệu.

Hôm 1/10 ấy, tôi đã xuống chỗ Công trường KTCB5 đang làm việc. Từ trên mặt đất, chui vào cũi, tời thả rất nhanh theo lòng giếng. Anh bạn đi cùng bấm thử đồng hồ, chưa đầy 2 phút đã xuống đến nơi, với 300m chiều dài giếng. Một công nhân của Phân xưởng vận tải đi cùng cho biết, tốc độ chở người lên xuống giếng là 5m/giây, còn tốc độ chở tải là 7m/giây. Nếu thế, chúng tôi lên xuống hôm đó tời đang còn thả chậm, nếu thả chuẩn, đoạn đường 300m giếng ấy chỉ đi hết có 1 phút. Đứng trong cũi khá ẩm ướt, như đang đi trong mưa được che ô. Không ít những dòng nước lọt vào cũi, phải đứng né. Dọi đèn vào thành giếng thấy nước chảy thành làn mấp mấp, tôi chợt nghĩ, công tác hút nước phải thật tốt, nếu không, ngừng, chẳng mấy chốc giếng đầy nước.
Dưới chỗ làm việc mức -300, có thể do các đường lò chưa tiến xa và thông gió tốt nên nhiệt độ chỉ có 290C, chỉ cảm thấy hơi hơi nóng. Không biết sau này lò vào sâu, xa, nhiệt độ có còn được như vậy không. Bởi mới chỉ 290, các công nhân đang làm việc nơi đây, người, quần áo đã thấm đẫm mồ hôi.

Thật may cho nghề của tôi. Hôm đó hai mũi đào lò đang dùng các biện pháp thi công khác nhau. Quá tốt cho sự so sánh. Mũi đào sang giếng thông gió đang thi công cơ giới: khoan nổ mìn bằng máy khoan Tamroc, bốc xúc đất đá bằng máy đổ hông, làm thủ công chỉ có công nhân đẩy goòng và kéo cáp. Lúc tôi có mặt ở đó, máy đổ hông đang bóc xúc đất đá. Làm máy này có 2 người, 1 người lái, 1 người kéo cáp điện di chuyển theo máy và khoảng 3-4 người đẩy goòng. Thế mới vỡ lẽ các Quản đốc của 2 Công trường kia, anh Bùi Thanh Đoàn và Nguyễn Văn Bắc bảo một ca làm việc chỉ bố trí khoảng 7 đến 8 công nhân làm việc, tôi chưa hình dung được sao lại ít người như vậy. Làm bằng máy móc thật là nhanh. Đống đá to ngồn ngộn thế mà vơi đi trông thấy ngay trước mắt. Máy đổ hông, loại goòng 1 tấn chỉ đổ chưa đến 2 gàu là đầy. Liên tục, liên tục, goòng vào ra, gần cuối ca, máy khoan đã có thể tiếp cận gương để bắt đầu công việc của mình. Ngược lại, bên mũi đào sang giếng chính đang làm thủ công. Khoan nổ mìn bằng khoan tay. Bốc xúc đá lên goòng bằng xẻng. Khá đông người làm. Mới thấy vất vả làm sao! Người thợ nào quần áo cũng ướt sũng mồ hôi. Hình ảnh tôi nhớ nhất: cứ 2 người một cặp, người A đặt cái bồ cào lên đống đá, người B dận ủng lên đốc bồ cào, người A gò lưng kéo – Họ đang kéo cho đá tơi ra thì người xúc mới hòng xúc lên goòng được. Bạn đọc hãy tưởng tượng, cào đất đã khó, cào đá còn khó đến mức nào. Mỗi lần cào chỉ được một ít. Nhìn đống đá ngồn ngộn, khá nhiều hòn to, ướt nhẫy, thấy mà ớn, làm thế này biết bao lâu mới xong. Rất may là mũi này chỉ hết ca 1 hôm ấy phải bốc đất đá thủ công; sang ca 2 đã có máy đổ hông, máy mới toanh, do Công ty CP chế tạo máy-Vinacomin mới sản xuất đâu được 2-3 chiếc, 2 chiếc trước có 2 đơn vị đã lấy, còn chiếc này Hà Lầm biết tin, đến “ẵm” luôn. Tôi được biết chiếc máy này đã có đơn vị khác đăng ký, nhưng Hà Lầm cần gấp nên nhanh tay. Kể cũng thú vị, làm hàng ra mà có người tranh cướp mua, thì mừng cho CP chế tạo máy-Vinacomin.
Và thấy máy làm năng suất, người làm thủ công không năng suất, mới thấm thía câu mình đã học từ lâu: Công cụ sản xuất quyết định năng suất lao động.

Quản đốc Đoàn cho biết số thợ trực tiếp làm lò (88 người) của Công trường anh, các công nhân đào lò có 4 người thợ bậc 6/6, 17 người bậc 5, 58 người bậc 4, chỉ có 3 người bậc 3; các công nhân phục vụ có 1 người bậc 6/7, 1 người bậc 5, 2 người bậc 4 và 2 người bậc 3. Tôi hỏi chuyên môn của các thợ như thế là đảm bảo đảm đương tốt công việc? “Vâng!”. Đoàn cho biết thêm, Công trường của anh là công trường “gốc” của Hà Lầm, ra đời quãng những năm 80-81 của thế kỷ trước. Khá nhiều lãnh đạo của các công trường khác đều trưởng thành từ Công trường này. Và Công trường này đã có các huân chương lao động hạng ba, hạng nhì. “Thế thì sau cú đào ở dưới -300, hoàn thành thắng lợi, thành tích đi để đoạt lấy huân chương hạng nhất nhé” – tôi bảo Đoàn. “Vâng!” – Đoàn trả lời.

Còn Công trường của Quản đốc Bắc thành lập mới cách đây 2 năm (23/10/2010), trước khi đào ở -300 ở giếng thì đã đào ở -300 ở khu 2 vỉa 14, cũng là các thợ đào lò đã quen làm ở mức sâu. Bậc thợ trực tiếp làm lò (103 người), đào lò có 6 thợ bậc 6/6, 18 thợ bậc 5, 62 thợ bậc 4, không có thợ bậc 3; thợ phục vụ, các bậc 4, 5, 6/7 mỗi bậc có 1 người, 8 người bậc 3, còn có 5 người bậc 5 của bậc thợ tột cùng là 6 và 1 người bậc 4/6. Bắc cho biết chất lượng thợ như thế cũng đang đảm đương tốt công việc. Và cái đích của Công trường anh đang hướng tới là đào xong đường lò sân ga đáy giếng dài 450m của lễ phát động thi đua, đảm bảo theo yêu cầu, đúng tiến độ, an toàn để giành phần thưởng. “Khó khăn đấy. Phần thưởng là một chuyện. Chả dễ đâu. Song Công trường sẽ cố gắng. Vì đó là mệnh lệnh. Nhưng cũng là danh dự của người thợ” – Bắc nói.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/menh-lenh-va-danh-du-nguoi-tho-3354.htm” button=”Theo vinacomin”]