Công ty Kho vận Đá Bạc hiện là chủ đầu tư nhiều dự án quan trọng nhằm nâng cao năng lực vận tải và tiêu thụ than cũng như đảm bảo môi trường trong quá trình vận tải tại vùng than Uông Bí. Chúng tôi đã khảo sát tiến dộ thực hiện một số dự án trong số đó và được biết những vướng mắc mà Công ty và các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu và chính quyền cùng nhân dân địa phương trong vùng dự án đang nỗ lực tháo gỡ.
Trước hết phải nói đến Dự án cải tạo, nâng công suất đướng sắt 1000 ly tuyến Vàng Danh – Điền Công. Đây là dự án thuộc nhóm B do Công ty tư vấn Thiết kế Cầu đường (TEDDI) lập và được phê duyệt vào năm 2007. Dự án nhằm nâng cao năng lực vận tải than bằng đường sắt tuyến Vàng Danh ra cảng Điền Công đáp ứng sản lượng khai thác lên tới 10 triệu tấn của các đơn vị khu Vàng Danh (Công ty than Vàng Danh, Nam Mẫu, Đồng Vông, Vietmindo…) tiến tới giám thiểu và chấm dứt vận tải than bằng ô tô trên tuyến đường này, góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường khu vực. Dự án có tổng mức đầu tư khi lập dự án năm 2007 dự kiến 367 tỷ đồng và được điều lên 481 tỷ đồng vào năm 2011. Toàn tuyến đường sắt này có chiều dài hơn 18 km với nhiều hạng mục yêu cầu đặt ra của dự án như: Cải tạo, đại tu lại toàn tuyến đường sắt 1000 ly đã có, trong đó có mở rộng của để nâng cao tốc độ. Đoạn khó khăn nhất là mở rộng hầm tuylen có diện tích 70 mét vuông, 2 đường xe.; Có 4 ga là ga Vàng Danh, ga Lán Tháp, ga Uông Bí và ga Cảng Điền Công; có 3 khu gian là khu gian Vàng Danh – Lán Tháp, khu gian Lán Tháp Uông Bí và khu gian Uông Bí – Điền Công; Xây thêm một tuyến đường sắt mới từ ga Lán Tháp đến ga Uông Bí dài gần 7 km chạy song song và liền kề với đường sắt cũ. Trên tuyến đường này có đầu tư xây dựng các cầu, cống và 1 hầm đường sắt dài 152 mét; Xây dựng một tuyến đường bộ cải dịch dài 1,52 km từ cầu Vành Lược đến cầu Lán Tháp thay thế cho đường bộ cũ để lấy làm mặt bằng lắp đặt đường sắt mới; Xây dựng mới toàn bộ hệ thống thông tin mới thay thế cho cho hệ thống cũ; Cải tạo và xây dựng kiến trúc điện, nước của 4 ga hiện có, hay thi công một số tuyến đường gom dân sinh dọc trên tuyến đường sắt và một số hạng mục khác v.v.
Dự án thứ hai là cụm cảng Bến Cân. Dự án được phê duyệt năm 2008 có tổng diện tích 939 ngàn mét vuông trong đó mặt nước 13 ngàn mét vuông và mặt bằng cảng 80 ngàn mét vuông, diện tích kho chứa 43 ngàn mét vuông, có sức chứa 97 ngàn tấn. Công suất thông qua cảng 3 triệu tấn/năm. Chiều dài mép bến 352 mét với kết cấu đá hộc kết hợp sàn công tác bê tông cốt thép tại các trụ cập đảm bảo cho tàu tự hành có tải trọng 1000 DWT cập bến và có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 2000 DWT.
Dự án thứ ba, mở rộng và hiện đại hóa cảng Điền Công. Dự án này được phê duyệt năm 2009 với tổng diện tích quy hoạch 644 ngàn mét vuông trong đó mặt nước 68 ngàn mét vuông và mặt bằng cảng, bến bãi 575 ngàn mét vuông, diện tích kho chữa 204 ngàn mét vuông, có sức chứa 217 ngàn tấn than và khoảng 17 ngàn tấn hàng hóa khác. Công suất thông qua cảng 14 triệu tấn/năm. Kết cấu bến cảng tường chịu lực, đảm bảo cho tàu tự hành có tải trọng 2000 DWT.
Dự án thứ tư, xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than từ khe Ngát ra cảng Điền Công giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.424 tỷ đồng, chiều dài băng 6.940 mét, chiều rộng băng 1,4 mét với công suất 7,6 triệu tấn/năm. Dự án chiếm diện tích mặt bằng 22,58 ha, trong đó kho Khe Ngát 13,4 ha và toàn tuyến băng 8,2 ha.
Và dự án thứ năm, xây dựng kho trung chuyển than khe Thần. Dự án có tổng mức đầu tư 171 tỷ đồng sử dụng 95 ngàn mét vuông đất. Công suất của hệ thống bốc xúc lên toa xe đường sắt 3,9 đến 4,1 triệu tấn/năm, trong đó than Nam Mẫu dự kiến 2,5 triệu tấn/năm, Đồng Vông 0,8 đến 1 triệu tấn/năm và Vietmindo 0,6 triệu tấn/năm.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai làm cho tiến độ dự án chậm lại như về giải phóng mặt bằng, về sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cũng như quy hoạch tổng thể của Tập đoàn, nhưng Công ty Kho vận Đá Bạc đã có nhiều nỗ lực, tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án. Dẫn chúng tôi đến hiện trường đang thi công tấp nập, bà Văn Thị Thu Hoài, phó Giám đốc Công ty, Ông Phạm Công Hoán, Trưởng phòng Đầu tư Xây dựng trao đổi: Khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án trên và là nguyên nhân chính dẫn đến một số hạng mục bị chậm tiến độ chủ yếu vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng. Đối với Dự án cải tạo, nâng công suất đường sắt 1000 ly tuyến Vàng Danh – Điền Công, khu vực ga Lán Tháp công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nhất. Có 16 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng không chấp nhận đơn giá đền bù. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mà trực tiếp là đồng chí Đỗ Thông, phó Chủ tịch UBND tỉnh phải xuống tận hiện trường đối thoại, giải thích cho nhân dân. Mặc dù như vậy nhưng Ban giải phóng mặt bằng vẫn phải cưỡng chế 1 hộ dân là gia đình ông Đoàn Xuân Đan, với diện tích 400 mét vuông. Tương tự, tại khu vực Bắc Sơn cũng có một hộ dân phải cưỡng chế là gia đình ông Vũ Văn Sỹ với diện tích 140 mét vuông.
Cũng theo bà Hoài và ông Hoán, để đảm bảo tiến độ không quá chậm so với yêu cầu đặt ra, một yếu tố quan trọng giúp cho các dự án được đẩy nhanh tiến độ là việc Công ty đã tổ chức đấu thầu và thẩm định chọn các nhà thầu chuẩn. Chẳng hạn như các nhà thầu Công ty Cổ phần công trình 6 (Đông Anh – Hà Nội) có 3 Xí nghiệp đang làm việc tại dự án cải tạo, nâng công suất đướng sắt 1000 ly tuyến Vàng Danh – Điền Công. Lúc cao điểm có tới trên 200 lao động làm việc trên toàn tuyến với đầy đủ máy móc thiết bị phục vụ thi công. Hay nhà thầu Công ty Cổ phần Thương mại Uông Bí thi công san nền, kè và các hạng mục nhà điều hành, phụ trợ… đều đạt tiến độ đề ra. Lãnh đạo Công ty thường xuyên bám sát cùng các nhà thầu, giao ban, theo dõi công việc để cùng giải quyết vướng mắc kịp thời. Do vậy, đến nay một số dự án đã và đang được triển khai với tiến độ khá đảm bảo.
Tiêu biểu có dự án cải tạo nâng công suất tuyến đường sắt Vàng Danh – Điền Công, đến nay nhiều hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Đường sắt mới khu Lán Tháp – Uông Bí; ga Lán Tháp; hầm tuy len; mở rộng cua một số vị trí để tăng tốc độ; đường bộ cải dịch và đường gom dân sinh; hệ thống thông tin và các nhà ga v.v. Hiện Công ty cùng các nhà thầu đang gấp rút hoàn thành và hiệu chỉnh để có thể thông toàn tuyến trong tháng 3 này. Dự án cụm cảng Bến Cân được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đã thực hiện xong phần sân bê tông kho bãi. Công ty cũng lắp đặt xong và nghiệm thu đưa vào sử dụng 4 tuyến băng tải với tổng chiều dài 577 mét, chiều ngang băng 1,0 đến 1,2 mét, vận tốc băng 2,0 m/s. Hiện hệ thống này đã đủ điều kiện và sẵn sàng đáp ứng tiếp nhận và xả dỡ than từ tuyến băng tải ống của Công ty than Mạo Khê khi hệ thống này đi vào hoạt động. Dự án nâng cấp bờ cảng Bến Cân thuộc cụm cảng Bến Cân được đơn vị lập và phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng. Các hạng mục chính gồm cải tạo và xây dựng 5 bến cảng; nạo vét luồng và cải tạo 3 tuyến băng tải hiện có phù hợp với bến cảng sau khi được cải tạo lại cũng đã được Công ty thi công xong và đưa vào hoạt động từ tháng 8/2011 đáp ứng yêu cầu sản xuất của Công ty. Dự án xây dựng kho trung chuyển than Khe Thần, dự kiến các hạng mục sân kho than, tường rào bảo vệ, hệ thống điện, hệ thống cân điện tử cùng 3 tuyến đường sắt sân ga vào hoạt động để sắn sàng tếp nhận và vận chuyển than cho Công ty than Nam Mẫu và Vietmindo sẽ hoàn thành vào 30 tháng 3 này. Các hạng mục giai đoạn hai gồm 4 tuyến đường sắt sân ga làm mới, băng tải chất than… Công ty sẽ tổ chức đấu thầu và thi công các hạng mục này phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 9/2012. Theo lãnh đạo Công ty, nếu công tác giải phóng mặt bằng xong sớm, có thể xong trong tháng 6 năm nay.
Còn lại, các dự án cải tạo, nâng công suất cảng Bến Cân giai đoạn 2 gồm xây dựng nhà điều hành sản xuất, nhà ăn, các nhà kho, đường giao thông, sân vườn, hồ môi trường với tổng mức đầu tư 62 tỷ đồng; Dự án hiện đại hóa cảng Điền Công và Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than từ khe Ngát ra cảng Điền Công giai đoạn 1, do Tập đoàn có yêu cầu tạm dừng để kiểm tra, rà soát lại quy mô, giá trị các hạng mục công trình phù hợp với quy hoạch tổng thể… nên tạm thời chưa tổ chức thi công.
Như vậy, xét về tổng thể, các dự án quan trọng của Công ty Kho vận Đá Bạc, mặc dù gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, phụ thuộc nhiều vào quy hoạch chung của Ngành và địa phương có chậm so với kế hoạch đề ra, nhưng cơ bản vẫn đáp ứng được tiến trình gia tăng sản lượng của các đơn vi trong vùng. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một vùng than Uông Bí có quy hoạch bài bản, hiện đại, thân thiện môi trường trong cả khâu khai thác lẫn kho bãi, vận chuyển, tiêu thụ trong một tương lai gần.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/kho-van-da-bac-cac-du-an-vuong-o-dau-1259.htm” button=”Theo vinacomin”]