Hằng năm, từ những ngày đầu tháng Giêng, du khách thập phương lại tấp nập về Hội xuân Yên Tử lễ Phật, du xuân “cầu may vạn phúc!”. Trong tiết xuân ấm áp và ngập tràn không khí của lễ hội, từng dòng người nối dài, thành kính dâng hương từ lễ trường khai hội, qua tất cả các điểm chùa trên đường lên núi cho tới chùa Đồng tọa lạc tại điểm cao 1.068m, nơi cao nhất của non thiêng Yên Tử.
Tương truyền rằng, vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên có An Kỳ Sinh tới núi Đầu Voi và tu tiên đắc đạo tại đây. Từ đó núi Đầu Voi được mang tên An Tử Sơn. Đến thời hậu Lê, Chúa Trịnh Cương được phong An Đô vương nên An Tử Sơn được gọi là Yên Tử. Trải qua hàng nghìn năm, đến mùa xuân năm 1236, Vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử cầu làm phật rồi sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm. Từ đó Yên Tử trở thành ngọn núi thiêng, là trung tâm Phật giáo của cả nước ta và rất hưng thịnh vào thời Trần.

Du khách cũng có thể tự mình vượt qua quãng đường cheo leo, hiểm trở, để lên với Đức Phật. Chặng đường từ chùa Giải Oan lên tới chùa Đồng tràn ngập cảnh sắc thiên nhiên, như chốn tiên cảnh phật. Du khách sẽ phải len lỏi qua bạt ngàn rừng trúc, rừng thông, vượt qua suối Giải Oan. Truyền thuyết kể rằng, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu hành, có rất nhiều cung tần mỹ nữ khuyên can ngài trở về cung nhưng không được, nên họ đã trầm mình xuống suối tự vẫn. Với tấm lòng nhân hậu và thương cảm cho thân phận của các cung nữ, Vua Trần Nhân Tông đã cho lập một ngôi chùa siêu độ bên cạnh dòng suối, nên suối có tên là Giải Oan.
Tiếp tục hành trình, du khách phải vượt qua “đường Tùng”, dốc Lò Rèn, rồi tới khu mộ tháp Tổ. Tháp Tổ (Huệ Quang Kim tháp) nằm trong Lăng Quy Đức cao 6 tầng, bên trong tháp thờ tượng Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch ngồi thiền. Cả tháp và tượng đều được xác định có niên đại thời Trần, được dựng sau khi vua Trần Nhân Tông qua đời (thế kỷ XIV) và được các đời sau tu bổ.
Bên ngoài khu Tháp Tổ có những cây đại cổ thụ, tuổi đời lên đến 700 năm, tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên núi tu hành. Trong khu vực Tháp Tổ, hai bên tháp có hai giếng nước tự nhiên được coi là “mắt rồng” linh thiêng. Theo một nhánh rẽ, đi một quãng đường ngắn là đến thác Ngự Dội, vào mùa mưa nước tuôn trắng xóa, tạo nên cảnh tượng độc đáo. Ngoài ra còn có 97 ngọn tháp là những tháp mộ của các nhà sư tu hành và qua đời tại Yên Tử.

Dọc đường lên chùa Đồng, du khách tiếp tục có dịp thắp hương, làm lễ tại các di tích như chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, tượng đá An Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên… Chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 2006, do công đức của Quý khách, Phật tử thập phương, chùa được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều dài 4.6m, chiều rộng 3.6m, chiều cao 3.85m, và nặng trên 85 tấn. Chùa như một đài sen và thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoi-xuan-yen-tu-4245.htm” button=”Theo vinacomin”]