Tôi đã học và đọc nhiều về lịch sử Cách mạng tháng Tám thời đánh Pháp đuổi Nhật, về chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nhưng những câu chuyện của ông vẫn ám ảnh tôi. Thời cha tôi là thanh niên, ông giác ngộ cách mạng sớm và hiểu sâu sắc rằng chỉ có cách mạng mới là con đường dẫn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Còn trẻ, ông hăng hái hoạt động theo chỉ dẫn của những người đi trước. Thời đó, Pháp đô hộ và làng tôi khó ai có thể bước ra khỏi làng trừ thời gian ra đồng cày cấy. Chưa tối, cổng làng đã đóng, lính dõng tuần tra suốt đêm. Cha tôi làm du kích, đã từng giết nhiều tên Pháp bằng mìn và chông. Ban đêm, cha tôi và ông Trù, ông Thỗn – những người bạn lại tìm cách đặt mìn, nơi những tên lính Pháp thường qua lại. Nhiều lần, nấp trong bụi tre, nghe tiếng nổ và những tiếng kêu xé màn đêm của những tên Pháp khi bị trúng mìn, các ông lại vui mừng vì một chiến công.
Lần ấy “ba ông” vừa đặt mìn xong thì trời cũng tang tảng sáng. Lẽ thường, khi lính Pháp mở cổng làng thì dân mới được đi cày cấy. Nhưng hôm đó, ma sui quỷ khiến thế nào, ông Trà, người trong làng lại đánh trâu đi cày sớm, vì khoảnh ruộng nhà ông ở ngay đầu làng. Nghe tiếng mìn nổ, “ba ông” vui mừng. Chỉ khi, các ông nghe tiếng kêu cứu của ông Trà mới biết là có chuyện chẳng lành. Ông Trà bị mìn quá mạnh, ruột lòi ra ngoài, máu lênh láng, chỉ kịp kêu thất thanh lên vài tiếng. Không thể để ông Trà như vậy được, “ba ông” lao ra với hy vọng nhanh chóng đưa ông Trà đi nhưng không kịp. “Ba ông” bị Pháp bắt. Những ngày sau đó là những trận tra tấn dã man của lính Pháp, nhưng chúng không thu được bất cứ lời khai nào về cách mạng của “ba ông”. Đi bao nhiêu trại giam, ngất đi, sống lại đến bao nhiêu lần, giờ cha tôi cũng không nhớ được nữa. Tuy nhiên ông chỉ nhớ mãi một điều, ngày ấy, khí thế cách mạng sôi sục. Ngay cả trong tù cũng vậy. Các tù nhân ai cũng một lòng tin tưởng và truyền tin nhau, nhiều vùng đã được giải phóng.
Sau năm 1954, hầu hết các tỉnh đã được giải phóng. Công cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu, cũng là lúc cha tôi xây dựng hạnh phúc cho mình. Năm 1959, người anh cả của gia đình tôi chào đời. Và lần lượt đến chúng tôi. Tuy nhiên, những ngày tận hưởng hạnh phúc với cha tôi không dài. Chiến tranh giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc lên đến đỉnh điểm, năm 1972, hai anh em sinh đôi chúng tôi ra đời. Hàng ngày, hàng chục lần máy bay B52 của Mỹ xé trời bay từ phía biển thuộc cảng Hải Phòng, qua Hải Dương quê tôi lao về Hà Nội. Mẹ tôi hai nách hai con nhỏ vài tháng tuổi chạy lao về phía hầm được đặt ngay trong nhà. Còn cha tôi bám đội du kích dương súng lên bầu trời. Cha tôi kể, mỗi khi có máy bay, tiếng nổ rền nghe từ phía Hải Phòng, sau đó đến Hải Dương, không biết bao nhiêu là đạn. Những vệt đạn sừng sững vút lên như những hàng chông. Nhiều vụ máy bay rơi ngay tại Hải Phòng khi chúng vừa đến. Một vài vụ bốc cháy và rơi tại Hải Dương. Do có quá nhiều mũi tấn công bằng pháo cũng như súng các loại nên có khi khó xác định đơn vị nào đã bắn rơi. Nhưng B52 của Mỹ quả là lợi hại. Chúng lao nhanh như tên và độc ác ném bom xuống làng mạc, trường học. Nhiều vụ quá tang thương vì trúng những hầm có nhiều phụ nữ và trẻ em. Gia đình chúng tôi may mắn vượt qua bất hạnh đó. Nhưng có một lần cha tôi bị ngất đi trong khi tiếp đạn. Chính ông và đồng đội cũng chỉ biết rằng vì một quả bom rơi quá gần.
Cha tôi ít nói. Nhưng có lẽ lòng căm thù giặc Mỹ của ông thì quá lớn. Đất nước được giải phóng, nhưng không có nghĩa là sạch bóng quân thù. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường trung học phổ thông, cha tôi và những người bạn – “ba ông” đã bàn nhau không cho anh trai cả tôi thi vào đại học. Ông khuyên con đi vào quân đội vì chiến trường biên giới Tây Nam vẫn còn đang nổ súng…
Lớn lên anh em tôi mỗi người một nghề phục vụ đất nước, trong đó có tới 3 anh em phục vụ trong ngành Than. Và sau này là nhiều cháu nữa. Chúng tôi một lòng theo Đảng. Và cứ những ngày khí thế cách mạng tháng Tám sôi sục, những ký ức của cha tôi lại ào về như nhắc nhở chúng tôi hãy gắng sức hơn nữa cho tương lai tươi sáng, xứng đáng với công lao của các thế hệ cha anh vì độc lập của dân tộc Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cha-toi-lam-cach-mang-5883.htm” button=”Theo vinacomin”]