Năm ngoái, toàn Tập đoàn đào tạo 4.182 thợ lò (không tính 779 công nhân đào tạo cho các đơn vị ở Tây nguyên), thì đồng thời, số thợ lò bỏ việc (đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc xin chấm dứt hợp đồng) gần một nửa; thậm chí, có đơn vị số thợ lò tuyển dụng mới và bỏ việc gần bằng nhau. Trước thực trạng đó, Tập đoàn và các đơn vị đã có nhiều biện pháp tích cực để “giữ chân” thợ lò. Kết quả đáng mừng là, số thợ lò bỏ việc đã giảm; nhiều thợ lò đã xin trở lại mỏ làm việc.
– Chú nghe tổ chức báo cáo lại, cháu nghỉ phép rồi “lặn” một mạch, buộc Công ty phải ra quyết định sa thải. Sao cháu lại tự ý như thế, nói chú nghe coi?
Anh thợ lò nọ gãi đầu mà rằng:
– Thú thật với chú, đúng thời điểm cháu hết phép thì… con lợn nhà cháu nó đẻ. Nhà cháu thì neo người; trời lại rét quá, nên cháu tặc lưỡi… – Thế rồi cháu nghĩ thế nào mà nay lại xin trở lại Công ty?
– Dạ, anh quản đốc gọi điện về động viên cháu xin trở lại mỏ. Anh ấy và bạn bè ngoài này gọi điện về còn nói với cháu bây giờ thu nhập cao hơn, đời sống công nhân khá hơn, nên cháu làm đơn xin trở lại…
Ông Giám đốc Công ty đánh giá, nhìn chung, đa số thợ lò trở lại đơn vị đều yên tâm công tác, chấp hành tốt kỷ luật luật lao động, ngày công và thu nhập đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Tưởng, Quản đốc Phân xưởng KT4 cho biết, Phân xưởng có anh Lý Văn Cường, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang, đã bỏ việc, nay xin trở lại đơn vị. So với trước, anh Cường tích cực hơn, ý thức tổ chức kỷ luật tốt hơn; lương bình quân hàng tháng đạt 8-9 triệu đồng. ở Phân xưởng Đào lò 1, có anh Đỗ Xuân Triều, quê ở Mạo Khê, bỏ việc, nay đã trở lại đơn vị, đưa vợ con ra mỏ. Ông Trần Xuân Sơn, Quản đốc Phân xưởng Đào lò 1 nhận xét, anh Đỗ Xuân Triều nay là thợ lò tích cực; ngày công trung bình từ 24 đến 26 công/tháng, thu nhập bình quân 8 đến 9 triệu đồng. v.v.
Nhu cầu thợ lò (công nhân khai thác, đào lò và cơ điện lò) của Tập đoàn rất lớn. Năm nay, cần đào tạo gần 7 nghìn thợ lò, sang năm đào tạo gần 9 nghìn thợ lò để duy trì sản xuất và phát triển các mỏ mới. Thế nhưng, việc tuyển sinh thợ lò hiện nay của các trường đào tạo nghề trong Tập đoàn rất khó khăn. Qua cách làm của Than Quang Hanh, có thể thấy rằng, nếu các đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động thợ lò trở lại làm việc, chúng ta sẽ thu hút lực lượng thợ lò khá lớn. Đây là những thợ lò đã quen việc lại không mất kinh phí đào tạo. Đồng thời, qua đây có thể khẳng định, nếu chúng ta quan tâm hơn tới đời sống của thợ lò, thì nghề hầm lò vẫn có sức hút với nhiều người, nhất là lực lượng thanh niên nông thôn miền Bắc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/canh-cua-luon-mo-rong-voi-tho-lo-bo-viec-569.htm” button=”Theo vinacomin”]