Mặt tiền căn nhà cổ mang phong cách châu Âu. Ảnh: Hà Nguyễn
Trên đường Gò Công (quận 5, TPHCM) có căn nhà cổ hơn trăm tuổi, nằm lọt thỏm giữa khu đô thị sầm uất. Đây là nơi sinh sống của hơn 20 thành viên trong đại gia đình gốc Hoa.
Ông Dương Cơ Sở (62 tuổi, sinh sống trong nhà) cho biết, căn nhà có từ thời ông cố của mình. Ông và những người sinh sống tại đây là đời thứ 6.
Do đã quá lâu, ông không nhớ chính xác ngôi nhà được xây dựng năm nào. Cũng như ông, nhiều thành viên khác trong nhà cho rằng, nhà được xây vào những năm 1890.
Cửa trước, cửa sổ căn nhà được trang trí bằng hoa văn đắp nổi đẹp mắt. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo các thành viên đang sinh sống tại ngôi nhà, căn nhà cổ được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 500m2 với kết cấu một trệt, một lầu. Ngoài sân trước rộng khoảng 50m2, căn nhà có giếng trời nằm giữa nhà trước và nhà sau.
Mặt tiền ngôi nhà thu hút khách tham quan bởi bức tường gạch được trang trí họa tiết đắp nổi thường thấy ở các kiến trúc châu Âu.
Bên trong, ngôi nhà được dựng bằng gỗ quý, đậm nét văn hóa người Hoa. Sau cửa chính, ngăn cách tiền sảnh với phần hiên nhà là vách gỗ có hoa văn trang trí đẹp mắt.
Các bức vách gỗ trong nhà đều được chạm lộng họa tiết tinh xảo, hài hòa. Ảnh: Hà Nguyễn
Các hoa văn trên bức vách này được tạo từ nhiều con tiện cùng kích thước, hoa văn chạm lộng họa tiết tinh xảo, hài hòa vừa để trang trí vừa lấy sáng, thông gió cho căn nhà.
Tiền sảnh căn nhà là nơi gia chủ đặt bàn thờ gia tiên. Bức vách sau án thờ cũng được chạm trổ, bài trí hoa văn đẹp mắt. Trên vách có tranh thờ với những liễn bằng tiếng Hán.
Ông Sở cho biết, trước kia đây là khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình. Tiền sảnh cũng là khu vực gia đình tổ chức các sự kiện lớn như giỗ chạp, hội họp, tiếp khách.
Tại đây còn hàng cột lớn bằng gỗ quý đen bóng. Bên ngoài, hàng cột có treo những tấm liễn bằng gỗ khắc chữ Hán. Bên trên hàng cột có vách gỗ được chạm trổ, khắc hoa văn mềm mại, tinh xảo.
Tại tiền sảnh, ngôi nhà có gian thờ gia tiên và những người đã khuất. Ảnh: Hà Nguyễn
Hiện nay, tiền sảnh ngôi nhà cổ xuống cấp, được tận dụng để làm nơi giữ xe. Giữa tiền sảnh căn nhà có lối đi dài khoảng 40m. Lối đi này dẫn thẳng đến các gian nhà phía sau.
Hai bên lối đi, gia chủ sắp xếp đan xen các phòng ở, khu vực bếp và nhà vệ sinh. “Hiện nay, nhà có nhiều thành viên là con cháu họ Dương sinh sống. Mỗi gia đình ở, sinh hoạt trong các phòng nhỏ bên trong ngôi nhà lớn này”, ông Sở chia sẻ.
Nơi ở của 6 thế hệ
Trải qua trăm năm, ngôi nhà cổ từng có đến 6 thế hệ sinh sống xuống cấp trầm trọng. Vách gỗ phía trước tiền sảnh căn nhà có dấu hiệu mối mọt, xiêu đổ.
Gia chủ phải gia cố bằng cách dựng thêm các cột gỗ. Trong khi đó, một số họa tiết trang trí chạm lộng cũng vỡ, gãy và được cố định bằng dây kẽm…
Bên trên hệ thống cột gỗ còn chắc chắn, lên nước đen bóng là những bức vách chạm lộng tinh xảo. Ảnh: Hà Nguyễn
Nền nhà trước đây được lát bằng gạch tàu đỏ nay cũng lún, vỡ. Đặc biệt, phần mái nhà đã được lợp lại bằng mái tôn thay phần ngói âm dương cũ, hỏng.
Những người sinh sống tại căn nhà cho biết, trước đây, đại gia đình từng một thời giàu có. Theo truyền thống người Hoa, ông bà cố của họ mong muốn con cháu sống chung thành một đại gia đình.
Do đó, ngôi nhà được xây dựng rộng với nhiều phòng. Vào thời hoàng kim của đại gia đình, căn nhà có nhiều nội thất sang trọng.
Tuy nhiên, nhiều vách gỗ trong ngôi nhà cổ có dấu hiệu xuống cấp, gia chủ phải gia cố bằng cách chống thêm cột gỗ bên ngoài. Ảnh: Hà Nguyễn
Bàn ghế tại phòng khách đều được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ tinh xảo. Tranh, chữ viết trên các liễn treo trong nhà đều được cẩn xà cừ ngũ sắc lấp lánh, lối đi chung được trải thảm đỏ.
Vợ của ông Sở cũng là người Hoa. Bà về làm dâu tại căn nhà lớn đã nhiều năm. Dù vậy, bà cũng không nhớ, hiểu hết về ngôi nhà cũng như các thành viên từ những đời trước.
Bà chỉ biết gia đình chồng là người Hoa gốc Phúc Kiến. Sau khi đến vùng Chợ Lớn làm ăn, thành đạt họ xây dựng căn nhà lớn làm nơi ở cho tất cả thành viên gia đình.
Hiện nay, ngôi nhà vẫn là chỗ ở của hơn 20 thành viên của một đại gia đình. Ảnh: Hà Nguyễn
Bà chia sẻ: “Trước kia, nhà rất đông thành viên. Đến nay, dù một số đã mất từ rất lâu, số khác rời quê ra nước ngoài định cư nhưng căn nhà vẫn còn khoảng 20 thành viên sinh sống cùng nhau.
Những năm gần đây, ngôi nhà cổ của gia đình được nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Dù vậy, vì không biết nhiều về kiến trúc, quá trình xây dựng nên chúng tôi cũng không cung cấp được gì nhiều cho người đến tham quan”.
Bí ẩn nhà cổ đầy cỏ dại ở Sài Gòn, chủ xây xong 3 năm mới làm được cửa chính Lọt thỏm trong khuôn viên 4 bề nhiều cỏ dại, căn nhà hơn trăm tuổi của gia tộc giàu có bậc nhất làng “tăng người giàu” tại Sài Gòn xưa từng được nhận định là một trong những nhà cổ đẹp nhất TP Thủ Đức. Nhà cổ Bến Tre hút khách, chủ nhân trẻ tiết lộ điều bất ngờ Ngôi nhà đang thu hút nhiều khách tham quan, chuyên gia văn hóa, sinh viên các ngành mỹ thuật, kiến trúc… đến tìm hiểu kiến trúc, phong tục, lễ nghi cổ truyền. Về Đồng Tháp nghe thời gian lắng đọng nơi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Ngôi nhà với kiến trúc Đông – Tây kết hợp cùng cách bày trí nội thất kiểu người Hoa ở Nam Bộ xưa tỏa ra sức hút kỳ lạ, là nơi tìm đến của hàng trăm nghìn lượt du khách; đặc biệt dân từ cộng đồng Pháp ngữ.