Một ngày mưa tầm tã do ảnh hưởng của bão số 4, theo chân những người làm kinh doanh than của Công ty Kinh doanh than Hà Nội, chúng tôi có dịp đến các trạm than và cửa hàng dọc theo triền đê sông Hồng. Cứ ngỡ, bán than nơi cửa ngõ Thủ đô – Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, hẳn sẽ có nhiều thuận lợi. Thế nhưng “thực mục sở thị” mới thấy, để đưa than đến được các hộ tiêu dùng, góp phần nâng giá trị hòn than tương xứng với sức lao động của người thợ mỏ cũng thật gian nan,
Trước tiên là giữ khách hàng truyền thống
Đón chúng tôi tại Trạm Vĩnh Tuy là Trạm phó Trần Trung Hiếu. Trong căn phòng “công – ten – nơ”, lợp mái tôn rộng chừng 7-8 mét vuông, chúng tôi quan sát thấy mọi thứ được xếp đặt khá gọn gàng dù cơ sở vật chất có thể nói là “tạm bợ”. Một bộ bàn ghế nhỏ vừa là nơi tiếp khách, vừa là nơi anh em họp hành, trao đổi công việc. Một chiếc máy tính. Và một chiếc giường đơn nhỏ. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi qua ánh mắt, anh Hiếu bộc bạch “trạm mới chuyển về địa điểm này, chưa đầy hai năm, theo quy hoạch của thành phố để đảm bảo môi trường. Vì là đi thuê nên không được xây dựng trụ sở ổn định. Trước đây, Trạm “đóng” ở Phà Đen, đường sá, giao thông thuận tiện hơn. Cũng bởi vị trí mới không “đắc địa” nên khách hàng đến giao dịch gặp rất nhiều khó khăn”.
Nói về cách tổ chức quản lý sản xuất ở Trạm, anh Hiếu cho biết, Trạm Vĩnh Tuy có 3 cửa hàng, được tổ chức theo mô hình khoán, quản. Trạm cũng trực tiếp làm nhiệm vụ bán than cho các hộ lẻ song song với công việc giao than hợp đồng, mỗi tháng khoảng trên dưới 600 tấn than vì năm nay nhu cầu sử dụng than giảm.
Mô hình tổ chức ở Trạm Vĩnh Tuy chính là một ví dụ về cách tổ chức, quản lý hoạt động SXKD của Công ty kinh doanh than Hà Nội. Theo anh Nguyễn Quốc Anh, một cán bộ phòng Kinh doanh của Công ty, hiện tại, Kinh doanh Than Hà Nội có 11 trạm, cửa hàng dọc theo Sông Hồng như Trạm Cổ Loa, Trạm Thanh Trì… Các trạm này vừa làm nhiệm vụ giao than các hộ lớn theo hợp đồng đã ký kết của Công ty; vừa đồng thời thực hiện kinh doanh thương mại và không ngừng tìm kiếm mở rộng thị trường bán lẻ. Sản lượng bán than của Công ty mỗi năm vào khoảng từ 400 đến 450 tấn.
Trong bối cảnh khó khăn chung, than tiêu thụ chậm, từ đầu năm đến nay Công ty triệt để thực hiện các biện pháp điều hành Tập đoàn, mà trực tiếp là của Than Miền Bắc để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, để tiếp tục duy trì được uy tín trên thị trường cạnh trạnh ngày càng gay gắt, Kinh doanh than Hà Nội đặt mục tiêu phải giữ cho được thị trường truyền thống, nhất là các khách hàng thân thiết của Công ty.
Kinh doanh than Hà Nội đã và đang triển khai tốt công tác này từ nhiều năm nay với các hoạt động chăm sóc, quan tâm đến lợi ích của khách hàng. Chính vì thế, khi gặp khó khăn, nhiều hộ tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ và ký hợp tác lâu dài với Công ty dù rằng có khá nhiều lời mời gọi từ các nhà cung cấp khác.
Than len lỏi vào “phố”
Đứng chân trên địa bàn Thủ đô, Kinh doanh than Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những cái vướng đó là việc hạn chế vận chuyển vào phố trong các giờ cao điểm, giờ hành chính. Vì thế, anh em công nhân thường xuyên phải trực đêm để xuất than, giao than cho khách hàng. Khách hàng có thể là hộ tiêu dùng lớn, có khi chỉ là hộ lẻ với nhu cầu vài bao than, hay một chuyến xe một hai tấn nhưng đều trân trọng và phục vụ với tinh thần vui vẻ bất kể thời gian. Anh em vẫn nói vui với nhau rằng, làm kinh doanh than ở Hà Nội là phải biết “len lỏi” đưa từng xe than vào phố.
Cùng với mục tiêu giữ vững khách hàng truyền thống, Kinh doanh than Hà Nội không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ than mới. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, tuy vậy theo lãnh đạo Công ty, 6 tháng cuối năm cần tập trung nhiều hơn nữa cho công tác này. Từ Phòng kinh doanh đến các Trạm cần tăng cường rà soát lại các khách hàng trên địa bàn được phân công, bám sát nhu cầu của khách hàng và diễn biến của thị trường để xây dựng kế hoạch tiêu thụ từng tháng cho phù hợp. Công ty cũng chỉ đạo các Trạm vận dụng sáng tạo nhiều hình thức bán hàng để đưa than đến tận nơi người sử dụng.
Đồng lòng vượt khó
Hầu hết nhân viên ở các Trạm kinh doanh than của Hà Nội đều yên tâm, gắn bó với công việc dẫu điều kiện làm việc còn vất vả, thiếu thốn. Như hôm chúng tôi đến, cửa hàng mất điện, khiến căn phòng “công – ten -nơ” càng trở nên ngột ngạt, chật chội. Mỗi cửa hàng thường chỉ có biên chế 5 -7 người, do đó ai cũng phải kiêm nhiệm nhiều việc. Vừa bốc xúc giao than, vừa tranh thủ đi tìm kiếm khách hàng, vừa kiêm cả chức năng bảo vệ, luân phiên nhau trực đêm để quản lý kho bãi, tài sản. Chị em kế toán, ngoài chuyên môn còn đảm nhiệm luôn công việc văn phòng, tạp vụ, cấp dưỡng.
6 tháng đầu năm nay, tình hình tiêu thụ chậm, hầu hết các cửa hàng, các trạm của Kinh doanh than Hà Nội mới chỉ đạt hơn 40% kế hoạch năm. Sản lượng giảm, doanh thu giảm, đặc biệt là lợi nhuận giảm nên thu nhập của CBCNV Công ty bị ảnh hưởng nhiều; bình quân ở mức 4,5 -5 triệu đồng/người/tháng. Song, càng lúc khó khăn, anh chị em càng đồng lòng, bảo ban nhau làm tốt phần việc của mình. Nhất là những người đã có thâm niên gắn bó với Công ty trên 20, 30 năm như anh Trung – cửa hàng trưởng hay chị Đỗ Thị Thoái – kế toán viên của một cửa hàng ở Trạm Vĩnh Tuy.
Tiếp xúc với những người công nhân bên những kho than đã được che chắn, bảo vệ cẩn thận phòng mưa bão, thấy trong nụ cười của họ có quyết tâm vượt khó hoàn thành thắng lợi kế hoạch tiêu thụ mà Tập đoàn đã giao.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ban-than-o-thu-do-2468.htm” button=”Theo vinacomin”]