Nghề mỏ là một trong những ngành nghề vô cùng vất vả, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm – một nghề đáng được xã hội tôn vinh. Có lẽ, cũng vì lý do đó mà thợ lò đã trở thành một mảng đề tài không vơi cạn cho các thế hệ nhạc sỹ Việt Nam. Khi nhắc tới hình ảnh người thợ lò, hẳn ai yêu nhạc sẽ không thể nào quên bài ca đi cùng năm tháng của Nhạc sỹ Hoàng Vân – “Tôi là người thợ lò”.
Bài hát ra đời năm 1964, sau chuyến đi thực tế tại vùng mỏ Quảng Ninh, nhạc sĩ Hoàng Vân tận mắt chứng kiến những người thợ lò sống và làm việc trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Lúc ấy chiến tranh khốc liệt. Lần đầu tiên Mỹ thả bom đánh phá ác liệt thị xã Hòn Gai và Vịnh Hạ Long. Nhưng những người thợ lò không chùn bước. Họ vẫn hiên ngang vững bước vào lò lao động sản xuất với tinh thần hăng say, yêu nghề và trên hết là một lòng hướng về Tổ quốc theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”.
Người đầu tiên thực hiện thành công ca khúc này là NSND Trần Khánh, tiếp theo là NSND Quang Thọ và sau nữa là các học trò của NSND Quang Thọ như Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Đăng Dương, Tuấn Anh v.v, trong đó Hoàng Tùng từng đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình (Sao Mai trên đất mỏ) dòng nhạc thính phòng với ca khúc này.
Xuyên suốt cả bài hát, những động từ mạnh được lặp lại nhiều lần đã thể hiện được phần nào tâm thế vào lò hào sảng, kiêu hãnh và đầy tự tin của anh em đất mỏ.
“Tôi là người thợ lò/Sinh ra trên đất mỏ/Trong những ngày cờ đỏ/Bay trên núi Bài Thơ…”. Câu từ tuy ngắn nhưng đã truyền tải đầy đủ thông tin về nhân vật trung tâm “Người thợ lò” sinh ra tại đất mỏ. Trong thời điểm đất nước đang sôi sục cuộc kháng chiến chống Mỹ với hình ảnh lá cờ đỏ tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ – một trong những biểu tượng của vùng Than Quảng Ninh. Vùng than hiên ngang quật khởi như hình ảnh núi Bài Thơ “sừng sững hiên ngang đứng giữa trời”. Người thợ đi vào lò nhưng mang tâm thế kiêu hãnh của đoàn thợ mỏ tiến quân. “Tiếng máy reo hay tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân?/Kìa, tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận/Kìa! Nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn”.
Công việc gian khó, nguy hiểm là thế, nhưng thợ lò chưa bao giờ lùi bước, họ vẫn kiên cường bám trụ trước mỗi gương than, đường lò. Vì họ hiểu rằng “Càng gian khổ càng nhiều vinh quang”. Và cũng bởi, thợ lò luôn lạc quan vào cuộc sống. Dưới môi trường làm việc hầm lò với bộn bề tiếng máy, tiếng khoan, họ vẫn nghe rõ những âm thanh tươi đẹp của cuộc sống: “Dưới hầm lò mà nghe rõ làm sao/Tiếng chim hót trên cánh đồng lúa chín/Tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường làng/Tiếng còi tàu sớm mai rộn ràng như tiếng máy đòi ăn than …”
Phần kết của ca khúc mang đến một thông điệp nhẹ nhàng, sâu lắng tới những người trẻ: “Vùng mỏ ngày nay lớn lên/Bạn trẻ ta ơi chớ quên/Bước đường đấu tranh đang còn lâu dài/Càng gian khổ càng nhiều vinh quang…”
Họ là những người “anh hùng đi mở cõi”. Câu kết “Ta đi tới!” với tiết tấu nhạc cao trào đỉnh điểm đã tạo ra một điểm nhấn kết thúc, một hình tượng những người thợ lò luôn sát cánh bên nhau, ngẩng cao đầu, cầm chắc choòng quốc trong tay không quản gian khổ tiến thẳng về mục tiêu phía trước, như những chiến sỹ hiên ngang, sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc.
Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng ca khúc “Tôi là người thợ lò” vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các thế hệ khán giả yêu nhạc. Bài hát luôn được vang lên trong các hội diễn văn nghệ quần chúng của ngành Than, trong các chương trình truyền thanh của các công ty mỏ, trên sân khấu ca nhạc của các đoàn văn công chuyên nghiệp… Sức sống của bài hát đã được khẳng định qua thời gian, và các thế hệ thợ mỏ hôm nay với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hun đúc qua gần một thế kỷ vẫn miệt mài lao động sáng tạo, viết tiếp những giai điệu tự hào.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/am-vang-mai-giai-dieu-tu-hao-toi-la-nguoi-tho-lo-201611092334501441.htm” button=”Theo vinacomin”]