Ông là người được kết nạp Đảng và tham gia chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng mỏ Cẩm Phả, trực tiếp vận động công nhân đấu tranh với chủ mỏ, gia nhập quân đội, xây dựng lực lượng nòng cốt trong đấu tranh và trực tiếp tham gia Giải phóng khu mỏ ngày 22- 25/4/1955. Ông là Hoàng Bách (tức Phạm Khắc Hựu) -nguyên Bí thư Đảng ủy mỏ than Đèo Nai, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã (nay là TP Cẩm Phả), cựu chiến binh “Ngọn cờ hồng trên vùng than Cẩm Phả ngày ấy.
Năm 1925 Phạm Khắc Hựu (Hoàng Bách) sinh ra ở trên đỉnh Núi trọc (Công trường Đèo Nai – Cẩm Phả) cả gia đình đều làm phu mỏ, trọn tuổi thơ cậu bé Hựu đi mòn chân với những người thợ đến các gương tầng làm than ở vùng Cẩm Phả. Một điều may mắn là khi lên 10 tuổi, Phạm Khắc Hựu được ông chú đưa về quê cho đi học trong 6 năm. Đây là vốn chữ nghĩa rất quý báu để giúp ông trưởng thành trong quá trình tham gia cách mạng. Năm 1941, lúc đó đã 16 tuổi ông lại ra khu mỏ làm than, làm nhau.
Ngày ấy, trẻ con từ 12 – 16 tuổi lên tầng làm nhau đông lắm, công việc không cố định “Nhau móc các xe goòng vào với nhau”: “Nhau ghi chuyến xe goòng than”, “Nhau cờ” là nhau chuyên làm việc cảnh giới đá lăn từ trên tầng cao xuống để công nhân làm ở những tầng dưới chạy tránh đá. Đi làm, phải đi bộ từ phố lên Núi Trọc. Tiền công làm do bọn chủ mỏ trả rất thấp: Đàn ông chống cuốc, đào than, xúc lên xe goòng chính được 40 xu/ngày, đàn bà đẩy goòng được 30 xu/ngày, còn các loại nhau chỉ được 20 xu/ngày. Tiền lương thì thấp nhưng mức khoán lại giao cao ngất ngưởng. Cả 3 loại lao động trên phải liên kết, mỗi ngày phải khai, xúc, đẩy được 21 chuyến xe goòng than đầy có ngọn trên đoạn đường ray dài hơn 1 cây số từ tầng ra gần đầu trục. Ngày làm 12 tiếng từ sáng đến tối mịt mới về, nên mới có câu “Con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ nhà”. Phu mỏ bị bọn thực dân bóc lột kiệt sức lao động mỗi ngày…
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, tổ chức quần chúng ra đời, Phạm Khắc Hựu mới 20 tuổi đã được cử làm phụ trách công đoàn tầng Lộ Trí – Đèo Nai. Cả vùng mỏ lại dấy lên truyền thống miền mỏ bất khuất năm 1936 đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm xuống 8 giờ/ ngày, chống cúp phạt vô lý, nấu nước vối thay cho nước lã, ngày chỉ làm 10-15 chuyến xe goòng than… Một lần, anh Hựu đối mặt trực tiếp với hai tên giám thị, cai thợ đã xúc phạm, đánh anh công nhân Lục Văn Liên, buộc chúng phải xin lỗi, nếu không cả tầng than sẽ nghỉ việc, khiến bọn chúng phải chịu thua…
Phạm Khắc Hựu được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản Đông Dương (tháng 9/1946) và tham gia thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Vùng Mỏ Cẩm Phả do chị Minh Hà khu uỷ viên khu Hồng Quảng trực tiếp làm Bí thư Chi bộ. Giặc Pháp tái chiếm vùng mỏ Phạm Khắc Hựu cùng đồng đội rút về căn cứ Sơn Dương (huyện Hoành Bồ) cùng với lực lượng chiến khu Đông Triều thành lập Đại Đội Hồ Chí Minh, tham gia đánh đồn Hà Lầm, tiêu diệt 22 tên sĩ quan, binh lính Pháp thu 01 súng trung liên PM, bao vây đồn lính Khố xanh Cẩm Phả (lô cốt gần Ban chỉ huy Quân sự TP Cẩm Phả bây giờ)
Tháng 9/1947 khi thấy bị lộ, khu uỷ Hồng Quảng đã điều động Phạm Khắc Hựu từ Cẩm Phả ra Cửa Ông đổi tên thành Hoàng Bách. Hoạt động bí mật công tác Đảng trong vùng địch hậu ngày càng hiệu quả: vận động công nhân phá hoại kinh tế của bọn chủ mỏ thực dân Pháp như: đánh sập lò khai thác than, phá hoại các thiết bị sàng tuyển, cầu Poóc tích rót than, đường sắt vận tải than, nhặt đá lẫn trong than để sót lại; vận động hàng trăm thanh niên công nhân ra chiến khu vào quân đội, làm thợ ở các xưởng quân giới ở chiến khu Việt Bắc.
Khi nhận được chỉ thị của tổ chức, khu ủy Hồng Quảng chuẩn bị giải phóng khu mỏ, đồng chí Hoàng Bách đã trực tiếp chỉ đạo các cơ sở Đảng, các tổ chức công đoàn vận động công nhân chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, dựng cổng chào, băng zôn màu đỏ mang dòng chữ vàng “Nhiệt liệt chào mừng bộ đội về giải phóng khu mỏ”. Lúc này, ông còn tuyên truyền vận động công nhân đấu tranh bảo vệ giữ lại các máy móc, xe ô tô mà bọn thực dân Pháp định mang xuống tàu chở về nước, vận động công nhân và nhân dân đấu tranh với bọn tay sai, cai thợ, giám thị tiếp tay cho Pháp phá hoại sản xuất, chuẩn bị lực lượng công nhân và nhân dân chờ đón bộ đội ta về tiếp quản khu Mỏ. Và ngày 22 -25/4/1955, Đoàn quân tiếp quản từ Móng Cái về Tiên Yên và Cẩm Phả do đồng chí Trịnh Nguyên (sau này là giám đốc công ty than Hồng Gai giai đoạn 1956-1965) dẫn đầu, đã tiến về giải phóng khu mỏ giữa sự hân hoan chào đón của hàng nghìn công nhân và nhân dân khu mỏ Cẩm Phả.
Từ năm 1956 – 1961 ông Hoàng Bách được khu ủy Hồng Quảng, Công ty than Hồng Gai điều động giữ các chức vụ quan trọng. Từ năm 1962 – 1966 làm Bí thư Đảng uỷ Mỏ than Đèo Nai. Từ năm 1967 – 1976 làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả). Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lúc chia tay, đồng chí Hoàng Bách tiễn tôi ra tận cổng bằng những bước chân chậm rãi nhưng chắc chắn. Giữa rừng cờ hoa, băng zôn chào mừng ngày Giải phóng khu mỏ khắp đường phố mỏ bình yên hôm nay, không thể không nhớ đến những công lao đóng góp của những lão thành cách mạng, những người đảng viên, cán bộ, người lính cụ Hồ đã từng tham gia đấu tranh giải phóng khu mỏ ngày ấy để có được một thành phố Cẩm Phả hôm nay và ngày mai.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ky-uc-ngay-giai-phong-khu-mo-10271.htm” button=”Theo vinacomin”]