Trong thực hiện tái cơ cấu ở các đơn vị, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản lao động quản lý, phụ trợ là vấn đề rất khó khăn. Ở Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin (VMIC), dù tình trạng lao động đông, bộ máy cồng kềnh như nhiều đơn vị khác, song Công ty đã thực hiện tái cơ cấu lao động một cách triệt để, mang lại hiệu quả, góp phần tích cực phát triển SXKD của Công ty.
Nhận thấy thực trạng với bộ máy cồng kềnh, lao động đông, nhất là lao động quản lý, phụ trợ cùng với những bất cập trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, thiết bị công nghệ… làm năng suất lao động thấp, giá thành sản xuất cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hiệu quả SXKD và thu nhập của người lao động Công ty. Từ những năm trước đây, VMIC đã từng bước thực hiện việc giảm biên chế, đến năm 2012, khi được Tập đoàn điều động về Công ty CP Công nghiệp Ôtô, Giám đốc Phạm Xuân Phi đã cùng với Ban lãnh đạo Công ty tiếp tục giải quyết “bài toán” về lao động. Đảng ủy, HĐQT, Ban giám đốc, Công đoàn, Đoàn TN Công ty cũng đã họp thống nhất về phương hướng phát triển Công ty giai đoạn 2012-2017; trong đó tiếp tục sắp xếp lại bộ máy quản lý, tinh giản biên chế, đề ra mục tiêu cụ thể hàng năm để giải quyết lao động, phấn đấu giảm số CNVC-LĐ từ 638 người năm 2012, đến năm 2017 sẽ còn dưới 450 người, giảm 30,3%.
Từ chủ trương được thống nhất trong lãnh đạo, Công ty đã triển khai, tuyên truyền, quán triệt đến CNVC-LĐ các phòng ban, phân xưởng, phân tích để người lao động nhận thức được tính tất yếu phải thay đổi tư duy, cách làm và phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao từ lãnh đạo đến người lao động. Công ty đã xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị phòng ban, định biên số người phù hợp với nhiệm vụ và giao khoán tiền lương, từ đó giao quyền cho trưởng phòng chọn người và số lượng người để đáp ứng với công việc, nếu như ít người mà công việc vẫn hoàn thành thì thu nhập sẽ cao hơn và người lao động sẽ có trách nhiệm hơn với công việc.
Một góc dây chuyền chế tạo phụ kiện hệ thống monoray
Đối với phân xưởng sản xuất, Công ty định biên bộ máy quản lý gồm 1 Quản đốc, 1 Phó Quản đốc, 1 nhân viên kỹ thuật, 1 nhân viên kinh tế và giao khoán tiền lương của lao động quản lý phân xưởng với doanh thu; giao quyền, trách nhiệm cho Quản đốc bố trí lao động với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất, biên chế lao động ít nhất; nếu doanh thu cao, lao động hợp lý, sản xuất hiệu quả thì lương của Quản đốc, Phó Quản đốc có thể cao hơn cả lương Giám đốc (không khống chế lương).
Đặc biệt, với người lao động, Công ty khuyến khích những lao động giỏi, có trách nhiệm với công việc và trả lương xứng đáng với công sức và hiệu quả làm việc, không “cào bằng” như trước đây. Hàng năm, các tổ sản xuất tự bình xét chất lượng lao động một cách dân chủ, công khai theo “tiêu chí tín nhiệm chất lượng lao động” của Công ty gồm 3 tiêu chí: trình độ tay nghề giỏi, khả năng xử lý làm việc độc lập; có uy tín với tập thể, được tập thể suy tôn. Từ đó, đơn vị và Công ty đánh giá được đúng chất lượng lao động để bố trí việc làm cho những lao động giỏi, trách nhiệm cao, ý thức tốt, còn lao động chất lượng thấp sẽ phải phấn đấu, nâng cao tay nghề và ý thức trách nhiệm với công việc nếu như muốn tồn tại. Năm 2015, có những người thợ cơ khí của Công ty lương trên 12 triệu đồng/tháng. Đơn cử như Tổ Năng lượng và môi trường, trước đây 12 người nay còn 8 người, đảm nhận nhiều việc như vận hành bơm nước, khí nén, sửa chữa điện, vệ sinh môi trường…, nhưng vẫn hoàn thành tốt; tổ trưởng Vũ Thị Thúy cho biết, so với trước đây bản thân đảm nhận nhiều việc hơn và làm việc theo mức khoán, do vậy phải bố trí công việc khoa học, làm thêm ca thêm giờ để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng bù lại được Công ty ghi nhận và trả lương xứng đáng. Được biết, lương của chị Thúy hiện là 9 triệu đồng/tháng. Và điều quan hơn nữa là chất lượng công việc tốt hơn, hiệu quả cao hơn do được gắn quyền lợi, trách nhiệm của người lao động với công việc.
Hiệu quả và hơn thế
Đến VMIC bây giờ, ai cũng sẽ nhận thấy vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp sạch đẹp, gọn gàng, ngăn nắp từ khu văn phòng đến nhà xưởng, môi trường làm việc văn minh, thân thiện mà không phải đơn vị nào cũng làm được. Để có được như vậy là cả một quá trình thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động cùng với các quy chế, quy định, tăng cường kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của người lao động đối với công việc bằng các cơ chế chính sách đổi mới của Công ty.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty Phạm Xuân Phi phấn khởi cho biết: “Do có chủ trương đúng, sự thống nhất xuyên suốt từ Công ty đến các phòng ban, phân xưởng và người lao động cùng với triển khai quyết liệt thực hiện tái cơ cấu lao động nên hiệu quả SXKD được nâng lên, doanh thu các năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng cao so với năm trước nhưng số lao động lại giảm. Hiện, số phòng ban từ 16 xuống còn 8 phòng, như Phòng Tổ chức, hành chính – Ytế (TCHC-Ytế) được sáp nhập từ các phòng TCLĐ, Văn phòng, Y tế, đời sống; từ 7 phân xưởng còn 6; lao động quản lý từ 183 người còn 67 người (giảm 116 người). Nếu như năm 2012, số CNVC là 638 người, doanh thu 265 tỷ đồng thì năm 2014 số CNVC là 531 người, doanh thu đạt 384 tỷ đồng; năm 2015 số CNVC là 486 người, Công ty phấn đấu doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng, do đó, thu nhập và đời sống của người lao động cũng ngày càng được nâng cao”.
Lắp ráp, sản xuất xe tải SCANIA tại Công ty CP Công nghiệp Ô tô
Cùng với đó, Công ty tăng cường đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất tạo ra năng suất cao, giảm lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân như các máy gia công cơ khí CNC, máy hàn rôbốt, lò nung phôi cao tần, dây chuyền sản xuất nước làm mát động cơ, dây chuyền sản xuất con lăn băng tải, dây chuyền chế tạo phụ kiện hệ thống monoray và ống thủy lực mềm cao áp…, đảm bảo chất lượng và tiến độ sửa chữa cũng như sản phẩm chế tạo mới tại Công ty và thực hiện tốt chế độ bảo hành, phục vụ sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn, mở rộng thị trường ngoài Ngành. Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân các nghề cơ khí, kể cả việc đào tạo theo “cha truyền con nối” đối với một số nghề cơ khí do hiện nay không được đào tạo như nghề rèn, nghề mài và một số nghề khác, trả lương cao đối với thợ giỏi, lành nghề và không ngừng chăm lo đời sống người lao động. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng bữa ăn công nghiệp, Công ty đang lắp đặt hệ thống dây chuyền thiết bị giặt hiện đại để từ tháng 10 sẽ tổ chức giặt quần áo bảo hộ cho công nhân sau giờ làm việc. Đây là việc làm thiết thực thể hiện sự quan tâm chăm lo cho công nhân ngày càng tốt hơn của lãnh đạo Công ty.
Với các chủ trương, giải pháp tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó thực hiện việc tái cơ cấu lao động, sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ, làm việc hiệu quả, nâng cao chất lượng công việc, năng suất lao động cùng với không ngừng chăm lo cải thiện điều kiện làm việc và đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin đang hướng tới môi trường làm việc văn minh, hiện đại, xây dựng Công ty ngày càng phát triển bền vững.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hieu-qua-tu-chu-truong-dung-201510131611160659.htm” button=”Theo vinacomin”]