“…Đảng bộ Than Quảng Ninh thành lập là một yêu cầu tất yếu phù hợp với thực tế phát triển của ngành Than. Nó như sự cần thiết phải may một chiếc áo mới cho vừa với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn của Ngành lúc bấy giờ…”. Đó là những trao đổi của ông Nguyễn Danh Ký, Nguyên Bí thư Đảng bộ Than Quảng Ninh khoá I về sự cần thiết phải thành lập Đảng bộ Than Quảng Ninh cách đây 20 năm trước.
PV: Thưa ông, là người chứng kiến những bước đi đầu tiên của Đảng bộ Than Quảng Ninh từ khi mới thành lập, ông có thể cho biết quá trình đó diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Danh Ký:
Trong những năm mới thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN), sau này là Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam, ngành Than luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từng bước giúp đỡ tháo gỡ khó khăn về cơ chế và giá bán. Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm cùng với các đơn vị trong ngành Than giải quyết những vấn đề môi trường, xã hội, quản lý tài nguyên. Đó là những thuận lợi cơ bản để giúp ngành Than phấn đấu đi lên. Bên cạnh đó, ngành Than lúc đó cũng có nhiều khó khăn trong nội bộ như: vấn đề huy động, tài nguyên, điều kiện sản xuất ngày càng xuống sâu; thiết bị công nghệ lạc hậu, không đồng bộ; thiếu vốn; lao động quá đông, trình độ lành nghề còn thấp. Ngoài ra, những yếu tố khách quan như thời tiết bất lợi, biến động thị trường, quản lý ranh giới tài nguyên khó khăn do nạn khai thác than trái phép hoành hành v.v. cũng ảnh hưởng nhất định đến quá trình hoạt động.
Thêm vào đó, yêu cầu về công tác lãnh chỉ đạo lại ngày càng đòi hỏi cao hơn cho phù hợp với thực tế. Do vậy, việc thành lập Đảng bộ TQN để tập trung lãnh chỉ đạo nhiệm vụ SXKD của cả Ngành lúc đó là một yêu cầu tất yếu và cần thiết. Việc thành lập Đảng bộ TQN cũng đồng nghĩa với nâng cao mô hình tổ chức trong hệ thống chính trị tương xứng với mô hình tổ chức chung của toàn Ngành. Nó như việc cần thiết phải may một chiếc áo mới cho vừa với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn của ngành Than.
PV: Ông vừa nói đến sự phát triển mạnh mẽ hơn của ngành Than khi đó. Cụ thể là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Danh Ký: Trước khi Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập, nạn khai thác, kinh doanh trái phép diễn ra tràn lan, thị trường than rối ren, đẩy các công ty than vào thế bị động, lúng túng, phải cắt giảm sản xuất; giá bán than trong nước thấp hơn giá thành, cân đối tài chính bấp bênh, thiếu vốn kinh doanh; đời sống công nhân rất khó khăn, thiếu tin tưởng vào tương lai của Ngành. Môi trường vùng Mỏ bị ô nhiễm nặng nề. Sản lượng than nguyên khai hàng năm đạt thấp. Chẳng hạn như năm 1994 chỉ khai thác có trên 7 triệu tấn mỗi năm. Các ngành phụ trợ khác như cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ vật tư, vận tải đều yếu.
Tuy nhiên, chỉ sau khi thành lập Tổng Công ty năm 1995, kết quả của công tác tổ chức các Tổng Công ty Nhà nước đã thực sự mang lại hiệu quả. Ngành Than đã lập lại trật tự trong sản xuất kinh doanh than; hình thành rõ nét cơ cấu kinh doanh mới trên nền công nghiệp than; sản lượng than và các chỉ tiêu kinh tế tăng nhanh. Bằng các giải pháp tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ v.v, TVN đã đạt được những thành tựu quan trọng như: năm 1997, sản lượng than bán ra đạt 10,7 triệu tấn, vượt mức kế hoạch Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra cho năm 2000; năm 2003, sản lượng than bán ra đạt 18,8 triệu tấn vượt mức chỉ tiêu của năm 2005 (15-16 triệu tấn) do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra cho Ngành.; sản lượng than bán ra năm 2004 đạt 24,7 triệu tấn đạt mức quy hoạch cho năm 2010. Đến năm 2005, sản lượng than thương phẩm đạt trên 31,3 triệu tấn, vượt 7 triệu tấn so với quy hoạch đề ra cho năm 2010, tăng gấp 2 lần so với chỉ tiêu than do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra cho năm 2005. Năm 2009 là năm ngành Than gặp rất nhiều khó khăn trong SXKD do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm kinh tế, nhưng toàn Tập đoàn đã đạt 43 triệu tấn than thương phẩm, tăng 74% so với năm 2004. Đến năm 2010 đã thực hiện được 46,8 triệu tấn, tăng 89% so với năm 2004. GDP bình quân mỗi năm của TVN tăng khoảng 30%; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu tăng 12%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 40%.
Ngoài ra, từ năm 1998, ngành Than đã tự sản xuất thuốc nổ ANFO chịu nước dùng cho các mỏ lộ thiên thay cho thuốc nổ nhập ngoại. Còn đến bây giờ thì các con số đã khác quá xa. Đó thực sự là những con số khẳng định sự bứt phá mạnh mẽ của ngành Than.
PV: Ông có thể nói về công tác lãnh đạo của Đảng uỷ Than Quảng Ninh với vai trò là “chiếc áo mới” khi đó?
Ông Nguyễn Danh Ký: Tại thời điểm thành lập, Đảng bộ TQN có 29 cơ sở đảng trực thuộc với gần 10 ngàn đảng viên. Cùng với sự phát triển của ngành Than, để phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất, số cơ sở đảng và đảng viên trong Đảng bộ cũng luôn có sự thay đổi.
Xác định rõ nhiệm vụ, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng bộ TQN đã chủ động lãnh đạo đơn vị tổ chức thực hiện các giải pháp trong sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hoá, đẩy mạnh sản xuất than và các ngành nghề như sản xuất cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh than; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước tạo thành khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất của cán bộ, đảng viên CNVC trong toàn Ngành. Thông qua đó, nội lực đã được phát huy tối đa góp phần làm cho năng suất lao động tăng trưởng ngày càng nhanh.
Đảng bộ TQN đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị nắm bắt cơ hội, phát huy những thế mạnh, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời các cấp uỷ đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nguồn nhân lực theo định hướng chiến lược phát triển mà Tập đoàn đã đề ra.
Đảng bộ TQN cũng xây dựng các chỉ tiêu về SXKD và cùng với lãnh đạo đơn vị có các biện pháp giám sát, đốc thúc thực hiện theo đúng kế hoạch. Vì thế, chỉ tiêu về than sản xuất và tiêu thụ đều tăng nhanh. Với kết quả SXKD ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên công nhân lao động được cải thiện. Các điều kiện phương tiện đi lại, làm việc, sinh hoạt, rèn luyện nâng cao thể lực, hưởng thụ văn hoá, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, điều dưỡng… cho công nhân ngày càng được đầu tư, xây dựng theo hướng hiện đại hơn, tiện ích hơn, chất lượng cao hơn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Hàng năm, bằng nhiều nguồn kinh phí, các đơn vị tổ chức cho hàng chục nghìn lượt CNVC đi nghỉ cuối tuần, nghỉ dưỡng sức, tham quan trong và ngoài nước.
Công tác môi trường được xác định là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của ngành Than. Đảng bộ TQN đã cùng với lãnh đạo Tập đoàn tập trung chỉ đạo việc xử lý tốt nước thải mỏ trước khi xả ra môi trường; hoàn thổ, hoàn nguyên, trồng cây ở các bãi thải; đầu tư quản lý môi trường mỏ bằng các thiết bị hiện đại, tiên tiến v.v.
PV: Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chiec-ao-moi-phu-hop-voi-su-phat-trien-nganh-than-201607061412156463.htm” button=”Theo vinacomin”]