Để làm cơ sở cho việc quản trị tài nguyên khoáng sản nói chung và triển khai thực hiện các hoạt động khoáng sản nói riêng (thăm dò, khai thác) trước hết cần phải xác định cũng như phân cấp đúng đắn tài nguyên, trữ lượng khoáng sản.
Theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTNMT ngày 07/6/2006 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn, quy định như sau:
Trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn được phân loại trên cơ sở phối hợp của 3 nhóm thông tin là:
- a) Mức độ nghiên cứu địa chất được phân làm 4 mức có độ tin cậy khác nhau: chắc chắn, tin cậy, dự tính và dự báo.
- b) Mức độ nghiên cứu khả thi được phân làm 3 mức: nghiên cứu khả thi, nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khái quát.
- c) Mức độ hiệu quả kinh tế được phân làm 3 mức: có hiệu quả kinh tế, có tiềm năng hiệu quả kinh tế và chưa rõ hiệu quả kinh tế.
Cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn có tên gọi theo mã số gồm 3 chữ số. Trong đó:
- a) Chữ số đầu thể hiện mức độ hiệu quả kinh tế: số 1 có hiệu quả kinh tế; số 2 có tiềm năng hiệu quả kinh tế và số 3 chưa rõ hiệu quả kinh tế.
- b) Chữ số thứ hai thể hiện mức độ nghiên cứu khả thi: số 1 nghiên cứu khả thi; số 2 nghiên cứu tiền khả thi; số 3 nghiên cứu khái quát.
- c) Chữ số thứ ba thể hiện mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 1 chắc chắn; số 2 tin cậy; số 3 dự tính; số 4 dự báo. Đối với mức dự báo phân thành 2 phụ mức: suy đoán (ký hiệu là a) và phỏng đoán (ký hiệu là b).
Nghiên cứu khả thi là sự đánh giá chi tiết tính hợp lý về công nghệ và khả năng phát triển của dự án khai thác mỏ làm cơ sở để quyết định đầu tư. Cơ sở để lập báo cáo nghiên cứu khả thi là kết quả công tác thăm dò.
Nghiên cứu tiền khả thi là những đánh giá sơ bộ về khả năng phát triển của dự án khai thác mỏ làm cơ sở để tiếp tục xem xét dự án đầu tư trong tương lai. Cơ sở để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là kết quả khảo sát hoặc thăm dò với những thông tin cơ bản về địa chất, kỹ thuật, môi trường, pháp lý và kinh tế thu thập được tính đến thời điểm lập báo cáo.
Nghiên cứu khái quát là sự đánh giá ban đầu về khả năng phát triển dự án khai thác mỏ dựa theo kết quả khảo sát hoặc thăm dò khoáng sản trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật với các mỏ có đặc điểm cấu tạo địa chất và điều kiện kỹ thuật khai thác tương tự. Mục tiêu của nghiên cứu khái quát là xác định cơ hội đầu tư.
Trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn tính theo sự hiện hữu của khoáng sản trong lòng đất, không kể đến tổn thất do khai thác và chế biến. Thành tố và chất lượng khoáng sản rắn xác định ở trạng thái tự nhiên không tính đến nghèo hóa do quá trình khai thác.
Qua nghiên cứu các quy định trong Quyết định số 06/2006/QĐ-BTNMT nêu trên cho thấy có những bất cập như sau nhìn từ góc độ quản trị tài nguyên khoáng sản:
1) Tại khoản 4 Điều 3 quy định: “Trữ lượng khoáng sản rắn là một phần của tài nguyên khoáng sản rắn xác định đã được thăm dò và việc khai thác, chế biến chúng mang lại hiệu quả kinh tế trong những điều kiện thực tiễn tại thời điểm tính trữ lượng”.
– Vấn đề là: Tại thời điểm phê duyệt kết quả thăm dò và tính trữ lượng chưa có dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi – FS hay nghiên cứu tiền khả thi – PS) được lập và phê duyệt thì chưa có căn cứ để xác định tính hiệu quả kinh tế. Để lập FS hay PS thì phải có kết quả thăm dò đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất cấp số 1 (chắc chắn) hoặc số 2 (tin cậy) như quy định về phân loại nhóm mỏ tại khoản 2 Điều 5. Nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc lập và phê duyệt FS hay PS gắn liền với báo cáo kết quả thăm dò mỏ khoáng sản đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất cấp “số 1 – chắc chắn” và đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất cấp” số 2 – tin cậy”. Vì theo quy định hiện hành về đầu tư, dự án đầu tư (khai thác mỏ) chỉ được lập khi có nhu cầu đầu tư và theo quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt.
Như vậy, cần làm rõ sau khi thăm dò xong và có báo cáo kết quả thăm dò, để tính trữ lượng cần quy định cụ thể về lập FS hoặc PS để phục vụ cho việc tính trữ lượng (nội dung, cơ quan lập, cơ quan thẩm định và cơ quan phê duyệt, kinh phí thực hiện).
2) Tại khoản 5 Điều 3 quy định: “Có hiệu quả kinh tế là phần trữ lượng khoáng sản rắn đã được xác định chắc chắn hoặc tin cậy về khối lượng (thể tích) và chất lượng đảm bảo việc khai thác, chế biến có lợi nhuận với một số vốn đầu tư nhất định, trong một thời gian xác định”.
-Vấn đề là:
- Hiệu quả kinh tế của việc khai thác, chế biến khoáng sản được xác định trong FS hoặc PS phụ thuộc rất lớn vào giá sản phẩm khoáng sản trên thị trường, mà giá cả thị trường luôn có sự biến động tăng lên, giảm xuống (ví dụ như giá dầu và giá khoáng sản thời gian qua và hiện nay biến động theo hướng giảm rất mạnh, khiến cho hàng loạt dự án khai thác dầu mỏ, khoáng sản bị ngừng hoạt động). Khi giá giảm xuống làm cho việc khai thác, chế biến khoáng sản không còn có hiệu quả kinh tế nữa thì khi đó xử lý thế nào: có coi phần tài nguyên đã đạt cấp trữ lượng còn là trữ lượng nữa không? Nếu không hoặc có thì quy trình và thủ tục thế nào? Có buộc doanh nghiệp tiếp tục khai thác nữa không hay bỏ? và quản lý mỏ nói chung và phần tài nguyên khoáng sản còn lại chưa khai thác ra sao? Đó là những vấn đề cần quy định rõ nhằm đảm bảo quản trị chặt chẽ và khai thác tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản.
- Chưa nêu rõ căn cứ vào đâu để đánh giá là “có hiệu quả kinh tế”. Phải quy định rõ như tại khoản 6 là do Nghiên cứu khả thi hoặc nghiên cứu tiền khả thi chứng minh.
- Chưa quy định rõ về cách thức xác định “phần trữ lượng khoáng sản có hiệu quả kinh tế” trong phạm vi một mỏ từ góc độ khai thác tận thu tối đa tài nguyên. Ví dụ, trong phạm vi một mỏ, phần trữ lượng khoáng sản đã được xác định chắc chắn hoặc tin cậy về khối lượng (thể tích) và chất lượng gồm có 2 phần: phần a và phần b, trong đó phần a có hiệu quả kinh tế cao, còn phần b có hiệu quả kinh tế thấp hoặc không có hiệu quả, nhưng cộng lại cả hai phần thì vẫn đảm bảo có hiệu quả kinh tế ở mức chấp nhận được. Vậy, trong trường hợp đó chỉ tính trữ lượng là phần a hay cả 2 phần a+b? Nếu chỉ tính phần a thì sẽ dẫn đến tình trạng “dễ làm khó bỏ” hay nói cách khác “tốt thì lấy xấu thì bỏ” gây tổn thất tài nguyên, mặc dù nếu khai thác cả 2 phần vẫn có hiệu quả.
Đề nghị quy định tính trữ lượng cả a và b để bắt buộc phải khai thác tận thu tối đa tài nguyên. Tuy nhiên, trong trường hợp đó Nhà nước cần có quy định phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp điều tiết lợi nhuận của phần a bù cho phần b.
3) Tại khoản 7 Điều 3 nêu: “Chưa rõ hiệu quả kinh tế là phần tài nguyên khoáng sản rắn được xác định hoặc dự báo trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, khảo sát và thăm dò khoáng sản. Việc đánh giá tài nguyên chủ yếu dựa trên cơ sở các thông số địa chất, chưa tiến hành nghiên cứu khả thi hoặc tiền khả thi. Do chỉ luận giải kinh tế trên cơ sở các thông số kinh tế – kỹ thuật cho trước hoặc đối sánh với các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các xí nghiệp khai thác mỏ tương tự nên chưa rõ hiệu quả kinh tế”.
– Vấn đề là: tuy chưa tiến hành nghiên cứu khả thi hoặc tiền khả thi nhưng đã tiến hành nghiên cứu khái quát thì vẫn có thể đánh giá có hiệu quả kinh tế hay không vì như đã nêu tại khoản 10 Điều 3 “Mục tiêu của nghiên cứu khái quát là xác định cơ hội đầu tư”. Tức là qua nghiên cứu khái quát nếu cho thấy có hiệu quả kinh tế thì sẽ tiếp tục các bước tiếp theo, chẳng hạn như nếu tài nguyên mới chỉ có mức độ nghiên cứu địa chất là cấp số 3 hoặc số 4 thì sẽ tiến hành thăm dò nâng cấp đến cấp số 2 (tin cậy) hoặc cấp số 1 (chắc chắn), hoặc nếu đã thăm dò đến các cấp đó rồi thì triển khai lập PS hoặc FS để quyết định thực hiện cơ hội đầu tư. Còn nếu nói “Chưa rõ hiệu quả kinh tế” thì không thể thực hiện được mục tiêu của nghiên cứu khái quát là để xác định cơ hội đầu tư, khi đó căn cứ vào đâu để xác định cơ hội đầu tư. Như vậy, quy định nêu trên có 2 bất cập là: (1) Việc nêu rằng “Do chỉ luận giải kinh tế trên cơ sở các thông số kinh tế – kỹ thuật cho trước hoặc đối sánh với các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các xí nghiệp khai thác mỏ tương tự nên chưa rõ hiệu quả kinh tế” là chưa chuẩn xác mà phải quy định là “Do chỉ luận giải kinh tế trên cơ sở các thông số kinh tế – kỹ thuật cho trước hoặc đối sánh với các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các doanh nghiệp khai thác mỏ tương tự nên kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế có mức độ tin cậy còn thấp, đó chỉ là căn cứ cho việc quyết định thực hiện các bước tiếp theo”; (2) Việc sử dụng tiêu chí “Chưa rõ hiệu quả kinh tế” là không đúng và không phù hợp, lôgic với tiêu chí 1 là “Có hiệu quả kinh tế” và tiêu chí 2 là “Có tiềm năng hiệu quả kinh tế” mà phải quy định là “Chưa có hiệu quả kinh tế”. Phần tài nguyên khoáng sản rắn chưa có hiệu quả kinh tế có thể được xác định căn cứ vào NC khái quát, PS hay FS tùy theo mức độ thăm dò đã được thực hiện, chứ không chỉ căn cứ vào NC khái quát như quy định trên đây. Tuy nhiên, nếu mới chỉ thăm dò đạt cấp 3 và 4 hoặc mới chỉ lập NC khái quát thì mức độ tin cậy còn rất thấp, cần phải tiếp tục thăm dò tiếp hoặc lập PS hay FS tùy theo tình hình thực tế đặt ra.
4) Tại Điều 4 khoản 4 quy định: “Chất lượng khoáng sản rắn được xác định theo mục đích sử dụng và theo công nghệ chế biến có tính đến khả năng thu hồi và sử dụng triệt để các thành phần có ích”.
– Vấn đề là: “khả năng thu hồi và sử dụng triệt để các thành phần có ích” được hiểu thế nào? phải lấy hết tất cả khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, hay chỉ thu hồi đến mức tối đa có thể được, hay cụ thể như thế nào? Nếu không quy định rõ thì điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động khoáng sản cũng như cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động khoáng sản nói chung và tổn thất khoáng sản nói riêng. Rõ ràng, để có căn cứ quản trị tài nguyên khoáng sản và quản trị tổn thất khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến cần phải quy định rõ và cụ thể về việc “thu hồi và sử dụng triệt để các thành phần có ích”.
5) Tại Điều 5 khoản 2 quy định: “Các mỏ khoáng sản rắn được phân thành 4 nhóm mỏ thăm dò”, trong đó: a) Nhóm mỏ I gồm những mỏ “để lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải thăm dò đến cấp trữ lượng cao nhất là 121”; b) Nhóm mỏ II gồm những mỏ “để lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải thăm dò đến cấp trữ lượng cao nhất là 121”; c) Nhóm mỏ III gồm những mỏ “để lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải thăm dò đến cấp trữ lượng cao nhất là 122”; d) Nhóm mỏ IV gồm những mỏ “để lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải thăm dò đến cấp trữ lượng 122 ở phạm vi thiết kế khai thác đầu tiên”.
– Vấn đề là: để tài nguyên khoáng sản đạt cấp trữ lượng theo quy định trên đây và tại điểm a khoản 1 Điều 6 thì phải đáp ứng 3 tiêu chí: có hiệu quả kinh tế, đã lập FS hoặc PS và có mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 1 chắc chắn hoặc số 2 tin cậy. Trong khi việc thăm dò chỉ nhằm đáp ứng tiêu chí thứ 3 là nâng cao mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất đạt mức cần thiết để phục vụ cho việc lập FS hoặc PS chứ không thể thay thế việc lập FS hoặc PS và không thể phản ánh tính hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế của mỏ khoáng sản. Do vậy, việc quy định các nhóm mỏ I và II “phải thăm dò đến cấp trữ lượng cao nhất là 121” và nhóm mỏ III và IV “phải thăm dò đến cấp trữ lượng 122” là không chuẩn xác và không phù hợp với quy định về các tiêu chí phân loại trữ lượng; cần phải quy định lại là đối với nhóm mỏ I và II “để lập FS phải thăm dò đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 1 chắc chắn” và đối với nhóm mỏ III và IV “để lập FS phải thăm dò đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 2 tin cậy”.
6) Tại khoản 3 Điều 5 quy định: “Số lượng và tỷ lệ hợp lý của các cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn ở các mỏ thăm dò được xác định trong đề án thăm dò khoáng sản trên cơ sở đặc điểm địa chất của mỏ; khả năng tài chính, điều kiện kỹ thuật khai thác, công suất thiết kế khai thác mỏ”.
– Quy định trên đây đối với đề án thăm dò là không hợp lý và thiếu khả thi. Vì rằng: (1) ”điều kiện kỹ thuật khai thác, công suất thiết kế khai thác mỏ” chỉ được xác định khi lập dự án đầu tư (nghiên cứu khả thi hoặc tiền khả thi), mà dự án đầu tư chỉ có thể lập sau khi có kết quả thăm dò đạt mức quy định (tối thiểu là đạt mức độ tin cậy (số 2) như đã quy định trên đây. Như vậy, không thể có căn cứ để xác định được “số lượng và tỷ lệ hợp lý” của các cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn ở các mỏ thăm dò được xác định trong đề án thăm dò khoáng sản; (2) Hơn nữa “số lượng và tỷ lệ hợp lý” của các cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn ở các mỏ thăm dò không rõ là thế nào, trong khi lại còn phụ thuộc vào “khả năng tài chính”.
Ta biết rằng, thằm dò khoáng sản là để phục vụ khai thác đáp ứng nhu cầu của thị trường. Muốn khai thác có hiệu quả thì một trong những yếu tố quan trọng là phải đảm bảo quy mô công suất khai thác kinh tế, tức là quy mô công suất tối thiểu đảm bảo có hiệu quả kinh tế. Điều đó đòi hỏi việc thăm dò phải đạt được số lượng trữ lượng khoáng sản cần thiết nhằm đảm bảo quy mô kinh tế công suất khai thác mỏ. Chỉ khi đó mới đủ điều kiện lập và đảm bảo tính hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư khai thác mỏ từ góc độ quy mô công suất kinh tế.
Do vậy, quy định nêu trên cần phải quy định lại là “Số lượng các cấp trữ lượng khoáng sản rắn ở các mỏ thăm dò được xác định trong đề án thăm dò khoáng sản căn cứ vào nhu cầu thị trường và quy mô kinh tế công suất thiết kế khai thác mỏ”.
7) Tại Điều 6 khoản 1 quy định: “Loại trữ lượng được phân thành 3 cấp: Cấp trữ lượng 111; Cấp trữ lượng 121 và Cấp trữ lượng 122”.
– Quy định nêu trên có bất cập là:
- Quy định “Cấp trữ lượng 122” là không phù hợp với quy định về Phân chia nhóm nhỏ thăm dò khoáng sản rắn tại Điều 5, theo đó đối với nhóm mỏ I và II “để lập FS phải thăm dò đến cấp trữ lượng cao nhất là 121” (như đã phân tích ở trên, thực chất là đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 1 chắc chắn” và đối với nhóm mỏ III và IV “để lập FS phải thăm dò đến cấp trữ lượng cao nhất là 122” (như đã phân tích ở trên, thực chất là đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 2 tin cậy). Như vậy, đối với mỏ thăm dò đạt mức độ tin cậy nghiên cứu địa chất: số 2 tin cậy thì phải lập FS mới đủ điều kiện để xác định trữ lượng. Trong trường hợp Cấp trữ lượng 122 thì mới chỉ lập PS là chưa đủ điều kiện để xác định trữ lượng, vì: (1) Như đã nêu trên Nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ “ là những đánh giá sơ bộ về khả năng phát triển của dự án khai thác mỏ để tiếp tục xem xét dự án đầu tư trong tương lai”; (2) Mức độ tin cậy của Mức độ nghiên cứu địa chất (tức mức độ thăm dò) số 2 (cấp tin cậy) mới chỉ bảo đảm tối thiểu 50% (nêu tại điểm a khoản 3 và điểm a k5); (3) Về hiệu quả kinh tế, tại điều 7 khoản 1 điểm c quy định phải là: “Báo cáo kết quả khai thác mỏ hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi khẳng định việc đầu tư để khai thác và chế biến khoáng sản của mỏ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xí nghiệp và hiệu quả kinh tế quốc dân tại thời điểm đánh giá”. Như vậy, cả nghiên cứu tiền khả thi (PS), cả mức độ thăm dò có độ tin cậy còn thấp thì không thể có cấp trữ lượng 122 được, vì sai số quá lớn cả về trữ lượng và cả về hiệu quả kinh tế; hơn nữa mâu thuẫn với các quy định có liên quan khác như đã nêu trên.
- Trong khi loại tài nguyên khoáng sản đạt cấp 112 (có hiệu quả kinh tế, đã lập FS, thăm dò đạt cấp tin cậy) thì lại không được coi là trữ lượng. Điều đó là không đúng và không phù hợp với các quy định khác có liên quan. Cụ thể là tại Điều 5 khoản 2 quy định về nhóm mỏ thì đối với Nhóm III và Nhóm IV quy định để lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) phải thăm dò đến cấp trữ lượng 122 (tức là thăm dò đạt cấp 2 “tin cậy” là được).
Do vậy, cần sửa đổi “Cấp trữ lượng 122” thành “Cấp trữ lượng 112” thì đúng đắn và hợp lý hơn.
8) Tại khoản 4 điều 3 quy định: “Trữ lượng khoáng sản rắn là một phần của tài nguyên khoáng sản rắn xác định đã được thăm dò và việc khai thác, chế biến chúng mang lại hiệu quả kinh tế trong những điều kiện thực tiễn tại thời điểm tính trữ lượng”.
Nhưng tại điều 7 khoản 1 điểm c lại quy định về hiệu quả kinh tế: “Báo cáo kết quả khai thác mỏ hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi khẳng định việc đầu tư để khai thác và chế biến khoáng sản của mỏ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xí nghiệp và hiệu quả kinh tế quốc dân tại thời điểm đánh giá”.
– Quy định nêu trên có bất cập là: (1) thời điểm tính trữ lượng và thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi chưa được quy định rõ như đã nêu trên đây; (2) Không thể sau khi tiến hành khai thác mới tính trữ lượng, vì trữ lượng chưa được xác định và phê duyệt thì chưa được lập dự án đầu tư và do đó chưa thể khai thác nên chưa thể có Báo cáo kết quả khai thác mỏ.
9)Tại khoản 8 Điều 3 quy định: “Nghiên cứu khả thi là sự đánh giá chi tiết tính hợp lý về công nghệ và khả năng phát triển của dự án khai thác mỏ làm cơ sở để quyết định đầu tư. Cơ sở để lập báo cáo nghiên cứu khả thi là kết quả công tác thăm dò”.
– Quy định nêu trên có bất cập là: trong nhiều trường hợp, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để làm cơ sở để tiếp tục xem xét dự án đầu tư trong tương lai, tức để lập báo cáo nghiên cứu khả thi (như đã quy định tại khoản 9 điều 3). Do vậy, ngoài kết quả công tác thăm dò cơ sở để lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với trường hợp phải lập Báo cáo NC tiền khả thi.
10) Tại Điều 7 quy định về mức độ tin cậy đối với các cấp thăm dò: “Mức độ tin cậy của trữ lượng (số 2 cấp tin cậy) bảo đảm tối thiểu 50%” (tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 5)
– Vấn đề là với cấp thăm dò nêu trên thì mức độ tin cậy còn thấp, nhất là đối với nhóm mỏ III và IV (là các mỏ có cấu trúc địa chất phức tạp và rất phức tạp), cho nên việc xác định hiệu quả kinh tế là chưa chuẩn xác, dẫn đến sẽ gây tổn thất lớn trong quá trình đầu tư. Do vậy, phải bổ sung thêm quy định đối với nhóm mỏ III và IV là khi thăm dò đạt cấp 2 “tin cậy” thì chỉ mới được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; nếu chứng minh có hiệu quả thì tiếp tục thăm dò đạt cấp 1 “chắc chắn” để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (tức dự án đầu tư).
11) Tại Điều 9 quy định về mối quan hệ giữa trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn như sau: “Giữa trữ lượng 111, 121, 122 và tài nguyên khoáng sản rắn 211, 221, 222 có thể chuyển đổi qua lại khi có sự thay đổi về các yếu tố kinh tế, thị trường, kỹ thuật, công nghệ khai thác, tuyển khoáng, chế biến khoáng sản, môi trường và pháp luật”.
– Quy định nêu trên có bất cập là:
- Quá rườm rà nhưng không rõ ràng. Thực chất chỉ cần quy định giữa chúng có thể chuyển đổi qua lại khi có sự thay đổi về hiệu quả kinh tế (tức thay đổi chữ số thứ nhất) là đủ. Hiệu quả kinh tế thay đổi có thể do biến động trên thị trường (giá cả), tiến bộ kỹ thuật, công nghệ khai thác, tuyển khoáng, chế biến khoáng sản, thay đổi về pháp luật có liên quan.
- Chưa quy định rõ thủ tục và trình tự chuyển đổi, hoặc trong trường hợp chuyển đổi ngược, tức là đang từ trữ lượng chuyển thành tài nguyên thì xử lý thế nào đối với các vấn đề có liên quan.
Tóm lại, qua những phân tích nêu trên cho thấy quy định hiện hành về trữ lượng khoáng sản còn nhiều bất cập, đặc biệt trữ lượng khoáng sản trở thành “đại lượng” luôn biến động theo giá trị trường và khó xác định, gây khó khăn cho quản trị tài nguyên khoáng sản và tạo kẽ hở là những nguyên nhân dẫn đến gây tổn thất khoáng sản trong quá trình khai thác.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ban-ve-nhung-bat-cap-trong-quan-tri-tai-nguyen-khoang-san-201608011643384959.htm” button=”Theo vinacomin”]