Nhìn người phụ nữ dáng vẻ nhỏ nhắn, nụ cười hồn hậu và luôn đặt sự tỉ mỉ, khéo léo của mình vào những bữa ăn của thợ mỏ Mông Dương, ít ai biết được duyên nghề lại đến với chị vào thời điểm khó khăn như thế…
Bước ngoặt khó khăn và khởi đầu mới
Chị Nguyễn Thị Nhàn, sinh năm 1973, quê gốc ở Đông Hưng, Thái Bình nhưng gia đình sớm chuyển ra vùng mỏ Quảng Ninh định cư. Năm 1994, chị kết hôn nhưng chưa có công việc ổn định nên ở nhà chăm lo việc nội trợ. Chồng chị là thợ mỏ của Công ty Than Mông Dương, lúc đó là lao động chính trong gia đình. Mất mát ập đến vào năm 1999 khi chồng chị không qua khỏi sau một tai nạn lao động. Gánh nặng gia đình đè lên vai người phụ nữ chưa có công ăn việc làm. Khó khăn hơn, hai con chị mất cha khi còn quá nhỏ. Cháu lớn mới lên 5 còn cháu nhỏ vừa tròn 8 tháng.
Với nỗi đau quá lớn ấy, bất kỳ người phụ nữ nào như chị cũng phải đối mặt với những áp lực cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng cũng từ đây, chị Nhàn nhận được cơ hội cải thiện cuộc sống và chăm lo tốt hơn cho các con. Đầu năm 2000, Công ty CP Than Mông Dương tạo điều kiện cho chị vào làm ở Phân xưởng Phục vụ đời sống theo diện hỗ trợ gia đình chính sách. Chị Nhàn được chị em công nhân ở Phân xưởng hết lòng chia sẻ và giúp đỡ. Chính tình cảm đồng nghiệp đã trở thành động lực giúp chị thêm quyết tâm trau dồi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và gắn bó lâu dài với công việc.
Năm 2011, Công ty tổ chức Hội thi Thợ giỏi các phân xưởng, chị Nhàn tham gia và đạt thành tích tốt. Thời gian sau đó, chị nhanh chóng được phân công làm Tổ trưởng tổ sản xuất kiêm phụ trách Tiểu ban nữ công hơn 100 CBCNV.
Thời điểm hiện tại, với vai trò Tổ trưởng, chị Nhàn luôn hướng dẫn các bạn trẻ mới vào nghề một cách tỉ mỉ, đôn đốc chị em trong ca làm việc hiệu quả và thực hiện đúng quy trình tiêu chuẩn về VSATTP. Hàng ngày, đến Phân xưởng từ lúc 5h sáng, lên thực đơn và tiến hành lựa chọn nguyên liệu, chị luôn chú trọng khâu kiểm định chất lượng, bao gồm thời gian bảo quản, tiêu chuẩn vệ sinh và hàm lượng dinh dưỡng của từng nhóm nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc tổ chức bữa ăn theo hình thức tự chọn đòi hỏi thực đơn phải có sự đa dạng, chị Nhàn lại khuyến khích chị em tìm hiểu, sáng tạo để phù hợp với nhiều khẩu vị.
Chị Nhàn chia sẻ: “Muốn tạo ra những bữa cơm hợp vệ sinh và ngon miệng cho anh em thợ mỏ đòi hỏi tổ phục vụ phải làm việc cẩn trọng, tuân thủ quy trình. Tôi hay dành thời gian để đọc thêm, học thêm giúp mình nắm được các kiến thức về chế độ dinh dưỡng, hỗ trợ cho công việc”. Bởi vậy, nhiều năm qua, chị cùng PX luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình, không ngừng hoàn thiện chất lượng bữa ăn thợ mỏ qua từng ngày.
Người phụ nữ luôn được yêu mến
Sau cuộc trò chuyện, PV rất bất ngờ khi được nghe chị Nhàn hát một đoạn dân ca truyền thống. Ngoài việc vững chuyên môn, khéo tay nghề, chị còn tích cực tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ của Công ty. Làm công tác nữ công nhiều năm, với những chương trình mang tính khích lệ tinh thần người lao động, chị Nhàn có thể tham gia với vai trò ca sĩ, diễn viên kịch nói hoặc phụ trách bày trí không gian. Chị vui tính, hoạt bát và nhiều sáng kiến hay nên được rất nhiều chị em công nhân yêu mến và nêu gương học hỏi.
Năm 2013, gia đình chị được Công ty hỗ trợ xây dựng nhà tình thương. Có cơ sở ổn định, ngoài thời gian làm việc ở Phân xưởng, chị Nhàn mở một cửa hàng kinh doanh hoa tươi tại nhà. Đôi bàn tay khéo léo, gu thẩm mỹ tinh tế giúp thành phẩm của cửa hàng luôn thu hút rất nhiều người yêu hoa tìm đến. Dù chỉ là công việc làm thêm, cửa hàng cũng mang đến cho chị một nguồn thu đáng kể, cải thiện và hỗ trợ nhiều hơn cho cuộc sống sinh hoạt của 3 mẹ con.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chi-nuoi-yeu-nghe-201609281608066435.htm” button=”Theo vinacomin”]