Những ngày qua, Nguyễn Đức Hậu là cái tên mà thầy và trò Khoa nghệ thuật Trường ĐH Hạ Long nhắc tới nhiều nhất. Không chỉ bởi vừa đạt giải Nhì trong “Triển lãm mỹ thuật học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc” lần thứ nhất, em còn được mọi người yêu mến với tinh thần đam mê của một cậu học trò nghèo yêu nghệ thuật.
Hậu là anh cả trong một gia đình có hai anh em trai. Bố làm bảo vệ, mẹ làm nội trợ tại nhà. Bản thân em đã yêu thích và theo học lớp năng khiếu mỹ thuật của ĐH Hạ Long từ năm học lớp 9. Điều kiện gia đình khá khó khăn, nhưng bằng chính nghị lực và tình yêu hội họa, suốt 5 năm qua, chàng trai trẻ luôn sắp xếp việc học văn hóa và học năng khiếu một cách hợp lý, tự mình đến các lớp học vào những buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần. Sau khi tốt nghiệp THPT, bố mẹ kiên quyết bắt em bỏ mỹ thuật để theo học ngành y. Hiện tại, em đang học song song hai ngành y học và hội họa. Nói về đam mê nghệ thuật của mình, ánh mắt em bỗng trở nên đầy cương nghị. Em so sánh việc bị buộc thôi học vẽ giống như một ngọn lửa bị vùi lấp nhưng vẫn âm ỉ cháy, sẽ đến lúc ngọn lửa ấy bùng cháy một cách mạnh mẽ. Và khoa Nghệ thuật ĐH Hạ Long chính là nơi khởi đầu cho sự bùng cháy ấy.
Nói về “Tuyển than Cửa Ông”, đây là tác phẩm sơn dầu mà em đã dành tâm huyết dưới sự chỉ đạo tận tình của thầy giáo Lê Minh Đức – Giảng viên khoa Nghệ thuật – một họa sĩ sơn dầu, sơn mài đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và khu vực. Dưới sự dìu dắt của thầy, trong 3 tháng miệt mài, từ việc lên ý tưởng, thiết kế bố cục, lựa chọn màu sắc, chất liệu đều được em dày công chăm chút. Hậu tâm sự: “Em thực ra chưa có điều kiện được quan sát thực tế ở cảng Cửa Ông mà chỉ qua ảnh trên internet. Do điều kiện kinh tế và cũng do lịch học của em nữa. Em chọn chất liệu sơn dầu cũng bởi nó rẻ nhất so với các chất liệu khác”. Chính vì chưa được đi thực tế, có những khi vẽ sai, em lại phải cạo tranh vẽ lại từ đầu. “Tuyển than Cửa Ông” là tác phẩm bao quát trọn vẹn hoạt động khai thác, sàng tuyển, vận chuyển và tiêu thụ than. Điều đặc biệt là, trong số những tranh của nhà trường gửi đi dự thi, chỉ có tranh của Hậu là có chủ đề về ngành Than. Say mê với đề tài đất nước và con người, mặc cho chủ đề về Than được đánh giá là khó vẽ, khó treo, Hậu vẫn quyết tâm đem hồn than vào tranh. Chính sự quyết tâm ấy đã khiến Hội đồng nghệ thuật càng đánh giá cao tác phẩm của em.
Thầy Lê Minh Đức không giấu được niềm tự hào đối với cậu học trò cưng: “Hậu là trường hợp mà chúng tôi hết sức tạo điều kiện. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân em từ những ngày đầu học năng khiếu đã rất chuyên cần. Em say nghề, lại luôn luôn đổi mới, có ý tưởng sáng tạo. Vì thế nên các thầy cô và Nhà trường luôn tạo điều kiện cho em linh động về thời gian lên lớp”. Trong thời gian tới, trường sẽ sớm mở thêm mã ngành Đại học về ngành Mỹ thuật, trở thành một địa chỉ vàng đáng tin cậy trong lĩnh vực đào tạo những năng khiếu trẻ về hội họa như Đức Hậu cho tỉnh nhà.
Các bạn cùng khoa đã quen với bóng dáng cậu bạn mảnh khảnh, quần áo chân tay lấm lem những màu xanh đỏ, dù mưa hay nắng vẫn chăm chỉ đến lớp các buổi tối hàng tuần. Nhìn cậu bé nghèo với cây cọ vẽ, những tuýp màu cũng là của các thầy cô mang tới cho em, tôi lại nhớ đến câu chuyện về cậu bé Mã Lương hồi còn học phổ thông. Nếu cây bút thần của Mã Lương vẽ gì đều thành hiện thực thì với Đức Hậu, em đã đưa cái tinh, cái chất của cuộc sống vào tranh của mình. “Em mơ ước sau khi ra trường sẽ được hoạt động nghệ thuật tại phòng thi đua của một đơn vị khai thác than của TKV. Từ đây, em có thể vừa tham gia các hoạt động đoàn thể, tình nguyện, lại vừa có điều kiện được trực tiếp bám mỏ để vẽ nên những tác phẩm thật đẹp về vùng mỏ, về người công nhân, đem hình ảnh của thợ mỏ Quảng Ninh đi khắp mọi nơi”. Chúc cho ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực, chúc em sẽ có thêm nhiều những tác phẩm đẹp hơn nữa, đóng góp cho đời những gam màu tươi sáng về cuộc sống lao động vùng than quê hương.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dam-me-201701091941556167.htm” button=”Theo vinacomin”]