Được chọn là đơn vị thí điểm về thuê ngoài dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại cho người lao động, đến nay Công ty CP than Đèo Nai đã triển khai phương án này được hơn 3 tháng. Theo đánh giá của Ban Tổ chức nhân sự Tập đoàn dựa trên kết quả khảo sát thực tế, đến thời điểm hiện nay, việc chuyển giao nhiệm vụ đã diễn ra suôn sẻ trên mọi phương diện, chất lượng cung cấp dịch vụ được nâng lên, lao động không mất việc làm và tư tưởng không còn dao động, thu nhập được cải thiện… Nhóm phóng viên Tạp chí TKV mới đây đã xuống Than Đèo Nai để trực tiếp lắng nghe ý kiến từ những “người trong cuộc”.
Phó Giám đốc Nguyễn Bá Xô: Than Đèo Nai đã thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo được các mục tiêu theo chỉ đạo của Tập đoàn
Khi Công ty CP than Đèo Nai được Tập đoàn giao nhiệm vụ là đơn vị thực hiện phương án thí điểm về thuê ngoài dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại cho người lao động, lãnh đạo Công ty xác định đây là việc không hề đơn giản bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm tư của người lao động đang làm việc ổn định trong đơn vị nhưng đã là nhiệm vụ được Tập đoàn tin tưởng giao thì chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành.
Trên thực tế, Công ty đã tiến hành triển khai từng bước, xây dựng phương án trình BCH Đảng ủy, HĐQT, Công đoàn Công ty thống nhất chủ trương thực hiện. Để lựa chọn được đơn vị đáp ứng tốt nhất các mục tiêu mà Công ty đề ra, Công ty đã tổ chức chào giá cạnh tranh. Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin đã đáp ứng được các yêu cầu của Công ty đề ra và được Công ty ký hợp đồng với thời hạn 3 năm, là đơn vị cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại cho người lao động kể từ ngày 01/5/2017. Cũng theo đó, Than Đèo Nai đã chuyển giao nguyên trạng lao động Phân xưởng chế biến sang Công ty CP Du lịch và Thương mại-Vinacomin. Với số lao động thuộc phân xưởng này, Than Đèo Nai thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và chi trả trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định của Bộ luật Lao động với tổng số tiền là trên 2,7 tỷ đồng, bình quân 36,9 triệu đồng/người, người cao nhất được hỗ trợ 140,1 triệu đồng, người thấp nhất được hỗ trợ 8,4 triệu đồng (thời gian công tác dưới 9 năm).
Với bên cung cấp dịch vụ sẽ nhận lại toàn bộ số lao động, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và bố trí nguyên trạng lao động của Than Đèo Nai trong thời gian đầu tiếp nhận (tối thiểu là một năm). Sau đó bên nhận có quyền bố trí, sắp xếp lao động để đảm bảo chất lượng phục vụ cao nhất, chi phí ngày một hợp lý hơn và được quyền xử lý kỷ luật nếu người lao động không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm nội quy lao động theo quy định của pháp luật lao động. Khi thay đổi định mức, định biên lao động phải có thông báo và tham vấn ý kiến của Than Đèo Nai trước khi thực hiện. Để làm việc được thuận lợi, hai bên đã ký Quy chế phối hợp về việc cung cấp suất ăn công nghiệp và bồi dưỡng độc hại. Hàng tuần hai bên thống nhất thực đơn của các ngày trong tuần. Hàng ngày có tổ chức nghiệm thu thực phẩm trước khi chế biến theo hình thức 3 bên: đơn vị cung cấp thực phẩm, Công ty CP Du lịch và Thương mại-Vinacomin và bộ phận y tế Đèo Nai. Hàng ca có công khai tài chính tại các nhà ăn. Đồng thời Công ty có phối hợp kiểm tra đột xuất về chi phí mua sắm thực phẩm, số suất báo ăn…
Qua quá trình triển khai, chúng tôi thấy bước đầu đã thu được những kết quả như: giảm tuyệt đối được 72 lao động, xét trên tổng thể chung, khi thực hiện theo phương án này tỷ lệ lao động phục vụ, phụ trợ của Than Đèo Nai giảm được 3% và sẽ làm tăng năng suất lao động tính theo sản lượng quy đổi của Công ty lên 1%. Công tác quản lý mô hình tổ chức của Công ty cũng được gọn nhẹ hơn. Đồng thời, việc chuyển giao sang công ty mới chuyên về phục vụ sẽ có tính chuyên nghiệp cao, sẽ nâng được chất lượng bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại cho công nhân của Đèo Nai. Mặt khác, sang công ty mới thì đây sẽ là ngành nghề chính của họ do vậy sẽ được đầu tư và có các mặt quản lý tốt hơn, phục vụ tốt hơn và tiến tới giảm giá thành một suất ăn.
Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Đăng Hưng: Thành công nhờ tiến hành ổn định tư tưởng song song với lập kế hoạch triển khai
Với vai trò của tổ chức Công đoàn, khi nhận được thông tin, chúng tôi tiến hành họp BCH Công đoàn Công ty về chủ trương tái cơ cấu, phân tích các yếu tố, lý do vì sao, ưu nhược điểm là gì… Sau đó, chúng tôi làm việc với Công đoàn Phân xưởng Chế biến, cùng cán bộ công đoàn đi đến các tổ trong Phân xưởng Chế biến thăm hỏi và thông qua đó khéo léo lồng ghép vấn đề xã hội hóa để 72 anh chị em tiếp thu dần. Qua từng bước tiếp cận theo kế hoạch cụ thể, chúng tôi ghi nhận những ý kiến thắc mắc, phản hồi của anh chị em Phân xưởng để kịp thời giải đáp về các tiêu chuẩn, chế độ, về giá thành bữa ăn, tiền lương và các chế độ khác đi kèm được bảo đảm. Sau đó tổng hợp các ý kiến này và báo cáo lãnh đạo Công ty để giải đáp cho anh em. Đây là một quá trình triển khai bền bỉ mà chúng tôi thực hiện suốt từ tháng 6, tháng 7 năm 2016. Tôi cho rằng, việc tiến hành song song công tác lập kế hoạch và ổn định tư tưởng cho mọi người là bí quyết quan trọng làm nên thành công của Than Đèo Nai.
Tổ trưởng sản xuất Nguyễn Thị Hoa, Phòng dịch vụ đời sống (trước là Phân xưởng Chế biến – Than Đèo Nai): Chúng tôi hoàn toàn yên tâm
Tôi đã có hơn 14 năm gắn bó với Than Đèo Nai. Quả thực khi nghe đến việc thí điểm xã hội hoá dịch vụ nấu ăn tại đơn vị, chúng tôi sẽ phải chuyển sang đơn vị khác, không chỉ riêng tôi mà tất cả anh chị em trong tổ đều hoang mang vô cùng. Ai cũng không muốn đi, ai cũng viết đơn xin được ở lại Đèo Nai – nơi mình đã gắn bó bao nhiêu năm. Sau khi được lãnh đạo Than Đèo Nai và lãnh đạo đơn vị công tác mới tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về công việc và các chế độ chính sách, chị em chúng tôi cũng có phần yên tâm hơn nhưng thực tâm trong tháng đầu tiên chưa quen và vẫn chỉ muốn quay về Đèo Nai thôi… Đến nay sau hơn 3 tháng, tôi có thể tự tin khẳng định với bạn rằng “Chúng tôi hoàn toàn yên tâm”. Công việc giờ đây đã trôi chảy và vào guồng. Chuyển sang đơn vị mới, tôi vẫn đảm nhận vị trí tổ trưởng sản xuất, không có gì thay đổi so với trước đây, lương một tháng tương đương như ở đơn vị cũ khoảng 5 triệu đồng. Tôi được nhận trợ cấp thôi việc từ Đèo Nai là 37 triệu đồng. Hiện tại, chị em được lãnh đạo cả hai bên quan tâm, sang Công ty CP Du lịch và Thương mại, chúng tôi có nhiều điều kiện để học hỏi, nâng cao trình độ, chuyên nghiệp hơn trong cách chế biến, trình bày từng món ăn và cách phục vụ của mình.
Tổ trưởng tổ máy xúc PC 1250 số 10 Trương Công Duyệt: Bữa ăn vẫn được đảm bảo cả về định lượng và chất lượng
Là người trực tiếp được hưởng bữa ăn công nghiệp sau khi được xã hội hóa, tôi thấy chất lượng bữa ăn vẫn đảm bảo đủ định lượng, chất lượng. Trước đây, xe chở cơm cho chúng tôi là loại xe bán tải, khi nhỡ nhàng thì cơm được chuyển trên xe Kamaz thùng, địa hình khai trường gập ghềnh, hộp cơm bị xóc lung tung lên cả. Giờ, hộp cơm đến tay chúng tôi được đưa lên xe chuyên chở chuyên dụng của bên đơn vị mới cung cấp dịch vụ nên cá nhân tôi thấy chất lượng bữa cơm được đảm bảo an toàn vệ sinh hơn, các món ăn tương đối đa dạng. Chúng tôi cũng được ăn đúng giờ hơn trước do hệ thống xe chuyên đưa cơm hoạt động ba xe mỗi ca, có cả các xe dự phòng. Khi có vấn đề gì về bữa cơm công nghiệp, người thụ hưởng chúng tôi có thể phản ánh kịp thời với bên cung cấp để cải thiện chất lượng ngày càng tốt hơn.
Nhân viên Tổ gác văn phòng Phùng Mạnh Cường: Mong những bữa ăn công nghiệp sẽ chứa đựng nhiều tâm huyết của người nấu hơn nữa
Thông thường do đặc thù công việc nên bảo vệ chúng tôi phải phân công thay nhau đi ăn hoặc tự đi lấy đồ mang về phòng để cùng ngồi với nhau. Khi Công ty thực hiện phương án thuê dịch vụ nấu ăn bên ngoài, cá nhân tôi thấy về cơ bản bữa ăn công nghiệp vẫn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Các món ăn được chế biến đa dạng, phong phú, đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên bản thân tôi cảm thấy các bữa ăn chưa thật sự ngon miệng. Có thể đó chỉ là cảm giác ban đầu khi có sự thay đổi nhưng mình nghĩ, chị em cấp dưỡng là nghề “làm dâu trăm họ”, có thể hợp khẩu vị của người này nhưng không hợp đối với người khác. Điều quan trọng là chị em phải luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến góp ý của mọi người để ngày càng làm tốt công việc của mình hơn. Và mong rằng những bữa cơm công nghiệp ở Than Đèo Nai sẽ chứa đựng thêm nhiều tâm huyết của người nấu hơn nữa.
Mời độc giả đón đọc tiếp Kỳ II: NHÀ QUẢN LÝ NÓI GÌ?
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thi-diem-thue-ngoai-dich-vu-nau-an-tai-than-deo-nai-ky-i-nghe-tu-don-vi-tien-201710021531375179.htm” button=”Theo vinacomin”]