Một năm sau bài viết “Chuyện tái cơ cấu ở Tuyển than Hòn Gai – Tiếng lòng người trong cuộc”, tôi quay trở lại nơi đây và đã thực sự bất ngờ trước những thành quả mà họ đã làm được trong thời gian vừa qua. Nếu những ngày này một năm trước, những cán bộ, công nhân Công ty Tuyển than Hòn Gai – Vinacomin còn đang thấp thỏm, lo lắng về chính vị trí làm việc của mình khi hạn di dời nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng cận kề. Nhưng ngày hôm nay, khi trở lại nơi này, những hồi hộp, lo lắng đã tan biến, chỉ còn lại những sự chuyên tâm, hăng say và những nụ cười đón những tấn than nguyên khai đến từ lòng đất.
“Ngôi nhà mới”
Nếu như lần trước, tôi được đưa đến vị trí nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng thì lần này, điểm đến của tôi là Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai nằm tại phường Hà Khánh. Từ những mái tôn màu xanh lá mát mắt trên triền đồi thấp, trước mắt dần hiện ra dây chuyền sàng tuyển và kho than mới của Tuyển than Hòn Gai. Đây là “Ngôi nhà mới” của các anh chị em phân xưởng Sàng tuyển Tuyển than Hòn Gai, thay thế cho vị trí làm việc ở khu vực Nam Cầu Trắng trước đây. Tiếng ầm ào mỗi lúc một lớn dần.
Quản đốc Nguyễn Văn Hạnh giới thiệu về sơ đồ tuyến băng và kho than nguyên khai tại phòng điều khiển trung tâm
Ngay kế bên trạm sàng công suất 2,5 triệu tấn than/năm, chúng tôi được Quản đốc Phân xưởng Sàng tuyển Nguyễn Văn Hạnh giới thiệu sơ bộ về sơ đồ tuyến băng và kho than nguyên khai trên màn hình điều khiển tại phòng điểu khiển trung tâm. Trên đó hiển thị rõ lộ trình của dòng than từ mỏ Hà Lầm, mỏ Suối Lại được chuyển vào kho như thế nào, đi đến hàm nghiền ra sao… từng khâu đều được tự động và giám sát bởi các công nhân vận hành qua hệ thống camera. “Với 2,7 km băng từ mỏ Hà Lầm và 800m băng từ mỏ Suối Lại, mỗi giờ, năng suất của Trạm sàng đạt 550 đến 600 tấn. Công suất định mức mỗi ngày của trạm từ 8000-8500 tấn, nhưng hiện tại, chúng tôi đã cho chạy vượt định mức lên con số 9000 tấn”. – Quản đốc Hạnh hồ hởi cho biết. Tiếp quản nhà máy từ ngày 01/01/2019, anh chị em Phân xưởng đã nhanh chóng làm chủ công nghệ, bắt tay vào công việc với một tâm thế hứng khởi. Từ 10 nghìn, rồi 72 nghìn tấn than đầu tiên trong những tháng đầu năm, thì đến nay, sản lượng tháng 9/2019 đã đạt tới con số 205 nghìn tấn than, nâng tổng sản lượng than nguyên khai 9 tháng đầu năm của đơn vị vượt 108% kế hoạch.
Thích nghi và bứt phá
Quản đốc Nguyễn Văn Hạnh gọi cuộc di dời của Phân xưởng bằng cụm từ “chuyển nhà” – Có những điều thuận lợi và có không ít những khó khăn. Anh kể lại: Những ngày đầu mới vào đây cũng là những ngày mưa phùn gió bấc, vị trí làm việc rồi môi trường cũng thay đổi đột ngột. Có những người ngày trước đi làm chỉ phải đi có 200m, mà bây giờ phải đi hàng cây số. Đó chưa phải là cái khó duy nhất
“Trong quý đầu tiên, đến tận 26/3 chúng tôi mới kí nghiệm thu. Cái khó nhất trong lúc đó là làm sao vừa phải chạy sàng phục vụ sản xuất, vừa phải chuyển giao công nghệ, vừa phải điều chỉnh, vừa thi công”. Anh em chúng tôi đi làm lúc 6h sáng mà tới 20h mới về tới nhà. Nữa là, có tới 63 trên tổng số 148 công nhân Phân xưởng là chị em phụ nữ trong độ tuổi nuôi con nhỏ, làm thế nào để nắm bắt nhu cầu, ý kiến để gỡ khó cho họ cũng là điều mà lãnh đạo Công ty và phân xưởng rất quan tâm”.
Nhưng chúng tôi, đơn vị thí điểm của Tập đoàn, đã có những thuận lợi vô cùng lớn. Đó là sự ủng hộ, hỗ trợ của Tập đoàn, của Tỉnh Quảng Ninh và của chính Công ty. Có những ngày, khi sàng bắt đầu chạy, chính Tổng Giám đốc Tập đoàn, các Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc Công ty đã xuống tận nơi và chỉ đạo quyết liệt. Chúng tôi giao ban ngay tại đây, để có vướng mắc ở đâu thì cùng lãnh đạo tháo gỡ. Và chính sự xác định tính cấp bách của Dự án mà nhà thầu là Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam COLAVI đã làm việc liên tục trong 3 ca để hoàn thiện công trình trong vỏn vẹn 60 ngày. Khi lãnh đạo các cấp và cả nhà thầu cùng vào cuộc, anh chị em chúng tôi cũng nhanh chóng nắm bắt tinh thần để vào guồng. Trong những ngày chuyển giao công nghệ, Công ty đặc biệt quan tâm đến bộ phận chúng tôi, nhất là trong cơ chế trả lương. Do đó, chúng tôi toàn tâm toàn ý cố gắng hoàn thành và có kết quả vượt mức như ngày hôm nay.
“Cầu vồng sau cơn mưa”
Nếu giờ này năm trước còn đang thấp thỏm, lo lắng không biết ngày mai sẽ ra sao thì cho đến thời điểm hiện tại, mỗi người đã vững vàng, chuyên tâm vào công việc. “Chúng tôi may mắn khi có một “thế hệ công nhân vàng” trong độ tuổi 30-45, được đào tạo bài bản, có chiều sâu. Những ngày đầu chuyển giao công nghệ, đi học hỏi ở mô hình tương tự của COLAVI, các bạn ấy được nhà thầu đánh giá là tiếp thu nhanh so với một số đơn vị bạn. Và áp dụng về Phân xưởng cũng rất nhanh. Chúng tôi còn có những người thợ với gần 40 năm kinh nghiệm, sẵn sàng truyền lại cho thế hệ trẻ nhiệt huyết và những bài học về nghề”. – Quản đốc Hạnh tự hào cho biết.
Là công nhân vận hành đã 12 năm nay, trước khi thực hiện di dời và tái cơ cấu, chị Nguyễn Thị Minh Khuê cũng rất lo lắng, không biết vào nơi làm mới, công việc có nhiều thay đổi không? Máy móc có được tự động không? Và nhất là đồng lương có còn ổn định hay không?. “Giờ thì không chỉ mình và mọi người ở đây đều rất mãn nguyện” – Chị Khuê tươi cười: “Trong này, trước mắt bọn mình chỉ làm 2 chủng loại than là cám 5b và 6b, thiết bị hiện tại ở đây cũng chỉ có sàng khô chứ không làm sàng ướt và vận hành tuyển nổi như trước. Những người công nhân như mình không mong gì khác, chỉ mong sao than luôn ra đều, thiết bị máy móc ổn định và đồng lương cũng ổn định theo. Vậy là yên tâm rồi”.
Nắng thu vẫn trải vàng lên những mái lợp Trạm sàng còn tươi màu xanh mới. Và với những con người tuyển than nơi đây, đi qua cơn mưa, giờ đã đến lúc họ thấy ánh cầu vồng của chính mình.
(Ghi ở Trạm sàng Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai, t9/2019).
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cau-vong-sau-con-mua-201911111730171829.htm” button=”Theo vinacomin”]