Năm Đinh Dậu 2017 với những biến động phức tạp trên toàn cầu, thiên tai khốc liệt, bão lụt triền miên nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cao nhất khu vực, GDP tăng 6,81% thuộc tốp đầu châu Á. Đặc biệt kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 410 tỷ USD, tăng trên 18% là một kỳ tích. Cùng với những đổi mới thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp, bãi bỏ hàng trăm quy định lỗi thời cản trở sản xuất kinh doanh, Việt Nam đã thực sự bước vào thời kỳ chống tham nhũng quyết liệt nhất, củng cố niềm tin của toàn dân và các nhà đầu tư, tạo ra sức mạnh mới từ những nỗ lực đầy sáng tạo: Liêm chính, kiến tạo, khởi nghiệp. Trước thềm năm mới, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những nhận định và dự báo đầy lạc quan về sức tăng trưởng cao của Việt Nam trong năm Mậu Tuất – năm thứ 18 của thế kỷ 21.
Nhận diện cơ cấu tăng trưởng mới & bài toán xuất khẩu
Thế kỷ 21 đã trải qua 17 năm đầy biến động với biết bao sự kiện quan trọng diễn ra khắp thế giới. Dù khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc làm thay đổi cả những thế mạnh kinh tế, quân sự thì vẫn bất lực trước những biến đổi khí hậu và sự hung bạo của thiên tai mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất – không chỉ bão lũ còn thêm ngập mặn cả vùng Đồng bằng rộng lớn. Tuy nhiên sức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 17 năm qua liên tục được giữ vững ở mức cao của thế giới, được đánh giá xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo theo chuẩn mới và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn của mọi nhà đầu tư, du lịch. Nhận diện lại sức tăng trưởng xuất nhập khẩu (XNK) để thấy rõ hơn thành tựu của công cuộc đổi mới thể chế, đổi mới nhận thức, tư duy quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, điều chỉnh kịp thời cơ cấu tăng trưởng khi hội nhập toàn cầu.
Những năm đầu thập niên 1990, XNK nước ta chỉ ở mức 2,5 tỷ USD; bước vào thế kỷ 21 tăng lên 30 tỷ USD. Năm 2007 gia nhập WTO, XNK bắt đầu tăng nhanh, vượt qua mốc 100 tỷ USD… Năm 2011 vượt mốc 200 tỷ, năm 2015 vượt mốc 300 tỷ và năm 2017 đạt trên 410 tỷ USD – Nghĩa là trong hai năm tăng 100 tỷ; trong 17 năm tăng hơn 13 lần. Điều đáng mừng nhất là cơ cấu tăng trưởng không còn dựa nhiều vào xuất khẩu tài nguyên dầu khí, than khoáng sản… mà từ sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp, điện tử, dịch vụ, du lịch… mà sự đổi mới công nghệ hiện đại, đổi mới phương thức điều hành, phục vụ, bình đẳng, tận tình, văn hóa, văn minh trong sản xuất – kinh doanh bước đầu nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, giảm phiền hà tạo nên sự đồng thuận, đồng tâm dồn mọi năng lực cho hiệu quả tăng trưởng. Nếu năm 2017 không nhập khẩu trên 200 tỷ USD để đổi mới công nghệ, nâng cấp hạ tầng thì không thể đạt xuất khẩu 210 tỷ USD?
Cuối thế kỷ 20, khi Việt Nam XNK 2,5 tỷ USD thì cả châu Phi đã đạt 26 tỷ USD. Năm nay khi Việt Nam đạt 400 tỷ, cả châu Phi chưa vượt qua mốc 100 tỷ. Nhờ đó, vị thế Việt Nam đã tăng 26 bậc, đứng thứ 4 ASEAN và thứ 24 về XNK của thế giới. WTO nhận xét rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia xuất khẩu cao, có kết quả tăng trưởng rất ấn tượng; trong khi Mỹ, Trung Quốc tăng trưởng âm (-3 & -8%), Nhật Bản tăng 35, Đức chỉ tăng 1%. Đáng chú ý là đã có 51 mặt hàng xuất khẩu của VN đạt trên 1 tỷ USD, trong đó đáng nói nhất quả thanh long đã góp phần đưa nhóm rau củ quả xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, cao hơn cả xuất khẩu dầu thô và gạo, đưa giá trị xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản lần đầu tiên đạt 36 tỷ USD, tăng gần 20%.
Trong 30 nền kinh tế có kim ngạch nhập khẩu cao,Việt Nam và Thụy Sỹ có mức tăng trưởng nhập khẩu cao nhất, giảm tỉ lệ xuất siêu xuống 1%. Cần nhấn mạnh về sức tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 70% GDP, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước không thể tăng trưởng cao, cho dù Chính phủ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và thúc đẩy cổ phần hóa. Tuy nhiên vẫn có một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng, viễn thông, lọc hóa dầu… thực sự làm ăn có lãi lớn với sức tăng trưởng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Vinamilk, Sabeco, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã cổ phần hóa khá thành công. Kết thúc năm 2017 Sabeco đã bán được 4,8 tỷ USD với trên 53% cổ phần, tăng gần gấp đôi dự kiến. Những năm đầu thế kỷ 21, khách du lịch quốc tế đến nước ta khá thất thường, chỉ trên dưới 5 triệu người, năm 2016 chúng ta đã vượt qua mốc 10 triệu và năm 2017 đạt trên 13 triệu người, góp phần tích
cực vào tăng trưởng GDP của cả nước. Sức tăng trưởng và lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung năm 2017 lãi gần 20 tỷ USD, đã kích thích các nhà đầu tư lớn của nhiều nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với những dự án công nghệ cao, bất động sản, dịch vụ, bán lẻ, mua cổ phiếu… đưa tổng vốn FDI đăng ký lên trên 30 tỷ USD và đã thực hiện 17,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hai tập đoàn Than – Điện đang nỗ lực giải quyết những khó khăn thích nghi với những đòi hỏi lớn của đất nước và thế giới, bảo đảm đủ năng lượng cho sức tăng trưởng mới.
Rõ ràng việc đổi mới cơ cấu tăng trưởng của Chính phủ với sự kiến tạo sâu sắc cho từng ngành nghề, từng địa phương, từng vùng đất khai thác thế mạnh phù hợp, trực tiếp đối thoại, tháo gỡ từng khó khăn cản trở, xóa bỏ trên 5.000 thủ tục bất hợp lý, quy định lỗi thời… đã có tác động lớn vào phát triển sản xuất kinh doanh. Một phóng viên Việt kiều từng chứng kiến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng… trực tiếp chỉ đạo chống bão lụt, giải quyết tức thời những điểm nóng đã nhận định: Nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực sự hành động vì dân, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành tựu từ kiến tạo, khởi nghiệp và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng dân… Cùng với sự quyết liệt chống tham nhũng với hàng loạt đại án và kỷ luật nghiêm khắc nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, có thể nói Việt Nam đã bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai, mở ra những thế mạnh mới, vị thế mới như sự thừa nhận và đánh giá cao của nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017.
Chính phủ thực sự liêm chính thì dân giàu nước mạnh
Ngay từ mùa xuân đầu tiên của Chính phủ VNDCCH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra phương châm hành động cho nội các được dân bầu: Cần – Kiệm – Liêm Chính – Chí Công Vô Tư. Sau này khi phát động phong trào “Ba Xây, Ba Chống” Bác lại khẳng định: Khi Chính phủ thực sự liêm chính thì dân giàu nước mạnh.
Ngày nay, nước ta đã chấp nhận cơ chế thị trường, dù có định hướng XHCN thì vẫn phải chấp nhận một bộ phận làm giàu không chính đáng. Trước muôn vàn khó khăn, phức tạp, chọn mũi đột phá chiến lược: Xây dựng một Chính phủ Liêm chính, Kiến tạo phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp thay cho quan niệm quản lý nhà nước chung chung. Dù chưa phải tất cả các ngành, các địa phương đã chuyển biến, nhưng rõ ràng hành động mạnh mẽ của các thành viên Chính phủ trong năm qua đã có tác động lớn đến nửa triệu doanh nghiệp và hàng triệu thanh niên tự tin vươn lên trong lập nghiệp tạo thêm hàng triệu việc làm mới.
Cơ chế thị trường là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa thực dụng phát triển, tội phạm nhiều lên và sự suy đồi đạo đức len lỏi vào mọi ngõ ngang xóm chợ, vào tận bệnh viện, trường học và tất nhiên mọi gia đình. Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã chọn điểm xuất phát mới: Chấn hưng đạo đức từ văn hóa, văn nghệ, giáo dục, truyền thông đến xây dựng nếp sống có trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với xã hội. Phong trào cứu trợ đồng bào bão lụt, phong trào làm sạch môi trường, phủ xanh đồi trọc với rất nhiều quỹ từ thiện khắp đất nước khơi dậy lối sống cao đẹp biết vì nhau. Đến mạng xã hội cũng tỏ ra hào hứng tham gia khen việc làm tốt đẹp, lên án những hành vi xấu, chia sẻ những nỗi đau… tuy có lúc quá đà nhưng thái độ bênh vực việc nhân nghĩa cũng lay động được lòng người.
Từ bao cấp và hệ lụy chiến tranh, nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường hơn 30 năm, nhưng vẫn chưa đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ điều hành quản lý giỏi phù hợp với hội nhập toàn cầu. Chủ trương cho nghỉ hưu sớm hàng vạn cán bộ công chức đang được TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương triển khai với những khoản kinh phí khá lớn là cách làm cần thiết không chỉ giảm biên chế mà còn mở ra cho nhiều tài năng trẻ những cơ hội cống hiến. Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm những giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo thêm việc làm cho số lao động đơn giản, thời vụ.
Trong các phát biểu đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt kỳ vọng vào sức vươn lên sáng tạo của các doanh nghiệp, kỳ vọng vào sắc diện lập nghiệp của lực lượng thanh niên, kỳ vọng vào những nhà nông đưa xuất khẩu nhanh chóng đạt xuất khẩu trên 50 tỷ USD, đưa xuất khẩu rau củ quả lên 5 tỷ USD. Thủ tướng cũng kỳ vọng những công trình mới của các nhà khoa học, những tác phẩm lớn của văn nghệ sĩ và kỳ vọng sự thông minh sáng tạo của giới trí thức sẽ tác động mạnh mẽ vào thời kỳ công nghiệp thứ tư (4.0), bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh lương thực, an ninh năng lượng lâu dài. Nhân dân cả nước đang kỳ vọng mùa xuân Kỷ cương – Liêm chính – Kiến tạo – Hành động quyết liệt của Chính phủ sẽ làm cho dân giàu nước mạnh, thực sự công bằng, văn minh.
Hà Nội, Xuân 2018
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ky-vong-mua-xuan-ky-cuong-liem-chinh-kien-tao-201802131554520663.htm” button=”Theo vinacomin”]