Đã hai năm trôi quá kể từ khi 3 đơn vị khai thác lộ thiên lớn của Tập đoàn chung tay nhấn nút triển khai phương án trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn (gọi tắt là phương án 3 mỏ). Là phương án tối ưu được lựa chọn sau nhiều cuộc hội thảo, sau 2 năm triển khai (2016 – 2017), hiệu quả kinh tế mà phương án 3 mỏ đã đem lại lên tới 371,9 tỷ đồng.
Những cung đường trên mỏ Cao Sơn
Trước khi Phương án 3 mỏ ra đời, các mỏ Cọc Sáu – Đèo Nai – Cao Sơn vận hành theo các quy định của các dự án đã được phê duyệt, các giấy phép khai thác đã cấp cho phương án khai thác, đổ thải của từng mỏ riêng biệt. Quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều lo ngại: Ranh giới và tài nguyên 3 mỏ chồng lấn, các thông số của hệ thống khai thác không đồng bộ với dây chuyền thiết bị có công suất lớn hiện có; tiến độ và trình tự đổ thải chưa hợp lý. Hệ thống đường vận chuyển và thoát nước dùng chung chưa được kết nối hoàn chỉnh; các công trình hạ tầng dùng chung còn nhiều bất cập… Với mục tiêu nhằm tối ưu trình tự khai thác, đổ thải và thoát nước chung cho cả 3 mỏ với các thông số của hệ thống khai thác hợp lý, phù hợp cho từng mỏ, nâng cao năng suất thiết bị và hiệu quả sản xuất, công tác đổ thải và giảm thiểu các tác động đến môi trường, “Phương án 3 mỏ” đã ra đời.
Moong than Đèo Nai
Không nằm ngoài kỳ vọng, “Phương án 3 mỏ” đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, với mỏ Đèo Nai, hiệu quả kinh tế đem lại qua các năm 2016, 2017 so với năm 2015 là 159,1 tỷ đồng. Các thông số hệ thống kỹ thuật (HTKT) được cải thiện rất nhiều so với thời điểm tháng 6/2015. Các thông số của bãi thải Đông Khe Sim – Nam Khe Tam và trong Lộ Trí không còn hiện tượng chập tầng, không để xảy ra sạt lở bãi thải, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với sân công nghiệp Cẩm Thành.
Ở mỏ Cao Sơn, các thông số HTKT cũng được cải thiện đáng kể so với thời điểm tháng 6/2015. Do tận dụng được nhân lực, thiết bị dư thừa của mỏ Đèo Nai để bốc xúc khu Nam Cao Sơn, giảm khối lượng thuê ngoài TKV nên Cao Sơn đã tạo được việc làm cho người lao động, đồng thời rút ngắn cung độ, tăng hiệu quả kinh tế. Khu vực giáp ranh Đèo Nai – Cao Sơn có sự phối hợp hài hòa trong cải thiện hệ thống khai thác, giảm chiều cao đẩy của hệ thống bơm nước từ Cao Sơn sang Đèo Nai. Do đó, Công ty đã đạt được hiệu quả kinh tế tương đối lớn: Tổng 2 năm thực hiện phương án làm tăng hiệu quả kinh tế 203,1 tỷ đồng so với năm 2015.
Bốc xúc than tại mỏ Cọc Sáu
Đối với Than Cọc Sáu, tuy vẫn còn những khó khăn trong quá trình khai thác tại lòng moong, song, các thông số của bãi thải Đông Cao Sơn đã được cải thiện rất lớn, các công trình bảo vệ bãi thải cũng đã được xây dựng hoàn chỉnh. Do đó, mỏ Cọc Sáu đã giữ được ổn định bãi thải này, qua 2 mùa mưa không để xảy ra hiện tượng trôi lấp ảnh hưởng đến khu vực hạ lưu lân cận. Dẫu không được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, song Cọc Sáu đã rất tích cực trong việc di chuyển các công trình để bàn giao cho mỏ Đèo Nai mở rộng khai trường, phục vụ thoát nước chung cho cả 3 mỏ, góp phần mang lại hiệu quả lớn cho cả mỏ Đèo Nai và Cao Sơn.
Phương án 3 mỏ khi được triển khai thực hiện đã đem lại nhiều lợi ích đáng kể. Qua đây, các mỏ đã xây dựng được quy chế phối hợp tổ chức điều hành, sản xuất, quản lý kỹ thuật – an toàn nên người lao động cả 3 mỏ đều nhận thức vì lợi ích của “mái nhà chung”. Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ kỹ thuật các mỏ lộ thiên đã nâng cao trình độ quản lý kỹ thuật và nắm bắt được hiệu quả kinh tế, thể hiện ở việc xây dựng và lựa chọn phương án kinh tế hợp lý nhưng vẫn đề xuất được phương án kỹ thuật tối ưu và ngược lại. HTKT của các mỏ được cải thiện hơn, làm tăng năng suất thiết bị của mỗi mỏ. Diện đổ thải của các mỏ lộ thiên cũng đã được mở rộng, ổn định cho khai thác đổ thải đến năm 2020. Hầu hết các mỏ cũng đã áp dụng hệ thống giám sát, quản lý bằng công nghệ GPS, góp phần nâng cao năng suất thiết bị, giảm thất thoát nhiên liệu.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải trao thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, điều hành “Phương án 3 mỏ”
Tuy là thành công bước đầu, song những kết quả trên có thể coi là “đòn bẩy” để “Phương án 3 mỏ” tiếp tục được triển khai. Những thách thức vẫn đang ở phía trước khi các mỏ ngày càng xuống sâu, khối lượng đổ thải nhiều, hệ số bóc trung bình cao, các loại thuế phí tăng xấp xỉ 16% giá thành sản xuất, hay “bài toán” cung độ vận chuyển cũng cần có những lời giải… Nhưng, khi “Ba cây chụm lại” sẽ “nên hòn núi cao” – Thành công sẽ đến với những người nỗ lực và xứng đáng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khi-ba-cay-chum-lai-201808052309322519.htm” button=”Theo vinacomin”]