Hãy cùng tham khảo việc ứng dụng công nghệ GNSS trong công tác trắc địa và quản lý của Công ty CP than Cọc Sáu – Vinacomin.
Công nghệ GNSS là gì?
Công nghệ GNSS là tên gọi chung cho hệ thống định vị toàn cầu sử dụng định vị vệ tinh. Hiện nay trên thế giới có các hệ thống vệ tinh dẫn đường chính là GPS và GLONASS, GALILEO. Hệ thống định vị toàn cầu được cấu tạo thành ba phần (phần không gian -space segment, phần điều khiển – controlsegment và phần người sử dụng – user segment). Về thiết bị máy thu được phân chia: Theo tần số có máy 1 tần và máy 2 tần; máy thu 1 tần số là loại máy thu chỉ thu được tín hiệu trên 1 tần số; máy thu 2 tần số là loại máy thu đầy đủ tín hiệu trên 2 tần số. Theo độ chính xác có thể chia thành 3 loại: độ chính xác cao là loại máy thu 2 tần số; độ chính xác trung bình là loại máy thu 1 tần số và độ chính xác thấp thường là máy thu cầm tay. Trên thực tế, công nghệ GNSS ngày nay được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống.
Ứng dụng trong hai mảng việc chính
Để phù hợp với điều kiện đặc thù của mình, hiện nay, Công ty CP than Cọc Sáu đã và đang ứng dụng công nghệ GNSS trong hai mảng công việc chính là công tác trắc địa mỏ và giám sát hành trình các xe vận chuyển than, đất đá.
Trong công tác trắc địa mỏ, Công ty đã xây dựng lưới khống chế. So với công nghệ đo truyền thống thì công nghệ GNSS đã thể hiện ưu thế vượt trội do không phụ thuộc vào không gian, thời gian và khoảng cách đo đạc. Do đó đã giảm thiểu nguồn sai số trong đo đạc, tăng năng suất lao động. Cùng với đó, Công ty đã thực hiện đo vẽ chi tiết bằng phương pháp đo động. Công ty đã phối hợp cùng với Bộ môn Trắc địa mỏ – Công trình trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội triển khai đo kiểm chứng các điểm đồng thời bằng máy toàn đạc điện tử và bằng phương pháp đo động. Qua đối chiếu, so sánh kết quả thấy rằng, về mặt bằng sai số vị trí điểm đảm bảo quy định nhưng về độ cao của các điểm còn có sự chênh lệch lớn và không theo một quy luật nhất định, do đó bước đầu Công ty chỉ sử dụng để đo vẽ chi tiết khu vực bãi thải. Tuy vậy, bên cạnh các ưu điểm, công nghệ này cũng đã bộc lộ một số nhược điểm cần phải khắc phục và nâng cấp như: khi địa hình mỏ khai thác xuống sâu, việc đo đạc bằng công nghệ GNSS trở lên khó khăn do “góc ngưỡng” bị tăng lên, làm cho số lượng vệ tinh thu được ít đi ảnh hưởng đến độ chính xác, độ cao của các điểm còn có sự chênh lệch lớn.
Về áp dụng công nghệ GNSS trong giám sát hành trình các xe vận chuyển than, đất đá, với hệ thống GPS được lắp đặt trên các thiết bị vận tải sẽ giúp trung tâm điều hành giám sát toàn bộ quá trình hoạt động của các thiết bị như: vị trí hoạt động, thời gian hoạt động, thời gian ngừng, các thiết bị vận tải hoạt động không đúng vị trí, chạy không đúng tuyến, dừng đỗ không đúng vị trí và thời gian quy định, dỡ tải không đúng vị trí, việc bố trí chưa hợp lý dây chuyền sản xuất… Từ đó các nhà quản lý có thể kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận thực hiện, kịp thời điều chỉnh việc bố trí các dây chuyền sản xuất… Tuy nhiên để tăng cường các mặt quản lý khác như giám sát mô hình chất tải, mức tiêu thụ nhiên liệu, bên cạnh việc lắp thiết bị GPS trên các thiết bị vận chuyển cần phải kết hợp với các camera giám sát trên các máy xúc, cảm biến nhiên liệu, cảm biến đổ tải…
Đánh giá của Than Cọc Sáu
Qua thực tế áp dụng vào sản xuất cho thấy, công nghệ GNSS có thể đáp ứng một số khâu trong hoạt động sản xuất của mỏ. Mặc dù công nghệ này còn bộc lộ một số nhược điểm cần phải khắc phục và nâng cấp, nhưng với sự phát triển không ngừng của công nghệ kỹ thuật mới, đặc biệt với việc xây dựng và đưa hệ thống các trạm tham chiếu liên tục (CORS) vào sử dụng sẽ được hoàn tất trong tương lai không xa, hy vọng sẽ cải thiện được độ chính xác về độ cao của các điểm. Khi đó chỉ cần với một máy thu GNSS, việc xác định chính xác được tọa độ, độ cao của các điểm trong khai trường mỏ trở lên đơn giản hơn rất nhiều miễn là khu vực đó có sóng 3-4G. Tuy nhiên việc đem công nghệ này vào sử dụng trong đo đạc bản đồ trong khai thác mỏ lộ thiên cần phải tổ chức nghiên cứu thử nghiệm để khẳng định độ chính xác, tính ưu việt của công nghệ, từ đó mới đề xuất đầu tư áp dụng vào thực tế sản xuất.
Như vậy, thông qua việc ứng dụng công nghệ GNSS trong công tác trắc địa và quản lý tại Than Cọc Sáu, có thể thấy đây cũng là một công nghệ có thể xem xét nhân rộng và các đơn vị trong TKV tham khảo áp dụng tuỳ thuộc vào đặc thù của đơn vị, từ đó góp phần giúp việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung vào sản xuất ngày càng rộng rãi theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cong-nghe-gnss-co-the-nhan-rong-201901181439452714.htm” button=”Theo vinacomin”]