Nhân lên truyền thống 906 Anh hùng…
Từ ngày đầu mới thành lập chỉ có hơn 30 CBCNV, hay lúc cao điểm lên tới 600 CBCNV và tên gọi của đơn vị cũng qua nhiều lần thay đổi cho phù hợp với từng thời kỳ; song, có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của Xí nghiệp Địa chất Đông Triều đó chính là tinh thần đoàn kết. Các thế hệ CBCNV của XN luôn đồng tâm, đồng thuận phát huy truyền thống của giai cấp công nhân vùng Mỏ thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 50 năm làm công tác địa chất, XN đã thi công hàng trăm phương án tìm kiếm thăm dò địa chất, khoan vào trong lòng đất hơn 600.000 mét khoan; Đã hoàn thành trên 60 báo cáo địa chất các loại; Đào hàng chục vạn mét khối hào và một loạt các công trình địa chất khác…
Cách đây 55 năm, để thực hiện mở rộng công tác tìm kiếm thăm dò địa chất than trên Đảo Cái Bầu, theo đề nghị của Đoàn địa chất 9, tháng 9 năm 1965, Tổng Cục địa chất đã quyết định thành lập Đội tìm kiếm 9H Kế Bào, với nhiệm vụ thành lập chỉnh lý bản đồ địa chất 1/25.000 trên toàn bộ đảo có diện tích hơn 270km2 và tìm kiếm sơ bộ vùng Than có triển vọng trên 100km2 từ Khe Ngái đến Cái Dài.
Nói về Đội tìm kiếm 9H Kế Bào những ngày đầu thành lập, ông Ngô Đoàn Chọn – một trong những người đầu tiên có mặt ở Cái Bầu khi đó cho hay: “Thời điểm đó, Cái Bầu còn là một vùng núi rừng rậm rạp. Số lượng người dân sinh sống ít, nghề nghiệp của đồng bào chủ yếu làm ruộng, hệ thống giao thông chưa có, ra đảo chủ yếu bằng đường biển… Đội mới đầu chỉ có hơn 30 CBCNV, trong đó số có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất ít. Cơ sở vật chất hầu như không có gì, nghèo nàn thiếu thốn đủ thứ. Đóng quân tại khu vực Lán Cháy, tuy giữa trung tâm đảo, song đường đi lại rất khó khăn. Các thứ vật dụng hàng ngày đều phải đi bộ 11 – 12km đường mòn ra tận thị trấn Cái Rồng để mua bán. Quan hệ công tác, làm việc, kể cả về Liên đoàn địa chất 9 cách 40km cũng phải đi bộ là chính….
(Đoàn 906 sau khi chuyển từ đảo Cái Bầu về khu mỏ Mạo Khê)
Mặc dù phải đối mặt trước những khó khăn như vậy. Song với tinh thần vừa học vừa làm và đào tạo từ thực tế, toàn Đội đã khẩn trương ổn định tổ chức và tự xây dựng cơ sở nhà tranh tre, ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt, làm việc… sớm bắt tay triển khai nhiệm vụ được giao. Để phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn, Đội tìm kiếm 9H Kế Bào được nâng lên thành Đoàn địa chất 9H Kế Bào, sau đó chuyển sang mang tên mới Đoàn địa chất 906. Dưới sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Liên đoàn địa chất 9, cùng với sự cố gắng của tập thể lãnh đạo và lòng nhiệt tình đồng thuận của mọi CBCNV trong đơn vị; Đoàn địa chất 906 có sự chuyển biến mới, công tác tổ chức sản xuất ổn định, ý thức tổ chức kỷ luật trong công nhân được nâng cao. Cuối năm 1979 Đoàn đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ thi công và lập báo cáo tìm kiếm tỉ mỉ, mỏ than Cái Bầu, trên cơ sở đó để lập ra phương án thăm dò sơ bộ, tiếp tục triển khai thi công thăm dò than trên huyện đảo.
Đơn vị Anh hùng lao động nơi Đệ tứ chiến khu Đông Triều
Năm 1980, trước yêu cầu của nhiệm vụ thăm dò khảo sát, tìm kiếm tài nguyên than phục vụ cho các ngành kinh tế phát triển, nhất là cần có tài liệu địa chất phục vụ khai thác than, cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Phả Lại, một công trình trọng điểm hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô, có công suất lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ; Liên đoàn địa chất 9 đã điều động Đoàn địa chất 906 di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất và lực lượng hiện có từ đảo Cái Bầu về khu vực Mạo Khê, thuộc huyện Đông Triều (nơi đơn vị đóng quân ngày nay). Bằng tinh thần cách mạng và quyết tâm cao, chỉ trong vòng ít tháng Đoàn đã hoàn thành việc tổ chức di chuyển hàng trăm tấn máy móc thiết bị, cơ sở vật chất các loại và hơn 600 CBCNV cùng hàng trăm gia đình từ huyện đảo về đến cơ sở mới an toàn. Đồng thời dần ổn định đi vào sản xuất. Cũng trong năm 1980, Đoàn được tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất và hơn 200 CBCNV của Đoàn 910 từ Tràng An – Đông Triều chuyển về.
Bằng những nỗ lực cố gắng và đạt được thành tích liên tục từ các năm trước trong sản xuất, trong tổ chức đời sống cũng như trong các mặt công tác khác. Năm 1983 và 1984 Đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì. Đầu năm 1985, Đoàn vinh dự được đón đồng chí Đỗ Mười – Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thăm, động viên tinh thần CBCNV. Đặc biệt, cũng trong năm 1985, Đoàn địa chất 906 là đơn vị đầu tiên của Liên đoàn địa chất 9, cũng như của ngành Địa chất Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng lao động”. Ông Phạm Đăng Tạn – Đoàn trưởng, được công nhận là Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.
Phấn khởi, tự hào và tích cực phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng, CBCNV Đoàn địa chất 906 tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc, liên tục hoàn thành kế hoạch của Nhà nước giao cho. Đoàn đã tập trung thực hiện hoàn thành báo cáo địa chất của khu mỏ Tràng Khê theo từng giai đoạn I, II, III, phục vụ trực tiếp công tác mở rộng khai thác than mỏ Mạo Khê và phát triển thi công bổ sung các vùng mỏ lân cận như Hồng Thái, Tân Yên, Đông Tràng Bạch, Hồ Thiên, Khe Chuối…
Song song với nhiệm vụ sản xuất, ngay từ khi chuyển từ đảo Kế bào về cơ sở mới Đoàn địa chất 906 đã được lãnh đạo huyện Đông Triều quan tâm cấp cho gần 50.000m2 đất thuộc xã Yên Thọ. Đoàn đã bố trí theo quy hoạch cho gần 100 gia đình công nhân chia làm 6 tổ dân tiện sinh hoạt có đất tăng gia chăn nuôi và xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho các gia đình cải thiện nâng cao được đời sống và “an cư lạc nghiệp” ổn định lâu dài.
Đoàn còn xây dựng cả trường học từ lớp 1 đến lớp 5 cho con em công nhân trong “Làng địa chất” có chỗ học hành thuận tiện có khu vui chơi thể thao và nhà truyền thống công nhân địa chất; Xây dựng hương ước Làng công nhân địa chất 906. Năm 2000 “Làng địa chất 906” là một trong 5 đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn làng văn hóa của huyện Đông Triều cũng là Làng Văn hóa công nhân đầu tiên của ngành Than Việt nam. Đến nay gần 30 năm xây dựng, phát triển người dân làng văn hóa địa chất 906 vẫn duy trì tốt nề nếp sinh hoạt lối sống giản dị, đoàn kết giữ gìn an ninh chính trị ổn định, xứng đáng là một đơn vị hành chính điển hình tiêu biểu của xã Yên Thọ trên vùng đất Đông Triều – Đệ Tứ Chiến Khu Anh Hùng.
Khi truyền thống trở thành điểm tựa vững chắc
Qua nhiểu lần được Tập đoàn sắp xếp lại tổ chức sản xuất theo mô hình chuyên ngành và trực thuộc Công ty Địa chất Mỏ; Xí nghiệp Địa chất Đông Triều đã có bước phát triển vượt bậc trong công tác thăm dò địa chất, tìm kiếm tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn. Bên cạnh việc được đầu tư đổi mới các thiết bị và công nghệ kỹ thuật khoan tiên tiến, chất lượng đội ngũ lao động được nâng cao. Xí nghiệp thực hiện nhiều hình thức, tạo được bước ngoặt trong tiết kiệm lao động, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó CBCNV ngày càng thêm yên tâm, phấn khởi đẩy mạnh thi đua lao động tìm kiếm nhiều tài nguyên cho đất nước.
Đặc biệt, từ 1/5/2013, thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Thủ tướng chính phủ, và sự chỉ đạo của Tập đoàn CN Than – KS Việt Nam, Công ty xóa bỏ mô hình các xí nghiệp vùng Cẩm Phả, Xí nghiệp Địa chất Đông Triều được giữ lại là Chi nhánh duy nhất của Công ty. Theo Giám đốc XN Đỗ Văn Trường: “Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Tập đoàn, Lãnh đạo Công ty Địa chất mỏ đối với Xí nghiệp, giúp CBCNV ổn định được nơi ăn ở, tạo điều kiện thuận lợi cho Xí nghiệp chủ động được sản xuất đặc biệt là trong việc thi công các phương án ở các vùng lân cận như Mạo Khê, Tràng Bạch, Uông Bí, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch SXKD chung của Công ty, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ thăm dò khảo sát của Tập đoàn”.
55 năm là một chặng đường lịch sử vẻ vang, đội ngũ CBCNV của XN đã được đào tạo, rèn luyện thử thách và trưởng thành cả về trình độ cũng như năng lực quản lý kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng được điều kiện chung của xã hội. Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị của XN liên tục đạt trong sạch vững mạnh và danh hiệu Đơn vị quyết thắng và đã được Đảng nhà nước, các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, và nhiều Huân chương các loại. Nhiều cán bộ quản lý, kỹ thuật nghiệp vụ của XN đã được cấp trên tin tưởng, đề bạt giữ các cương vị chủ chốt của Công ty hoặc các đơn vị khác. Có công nhân khoan máy địa chất Nguyễn Xuân Quý được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… Đến nay XN không chỉ có các máy móc thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, mà còn có đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, nhiều kinh nghiệm đang tiếp cận làm chủ tốt các trang thiết bị, đáp ứng được các yêu cầu thực hiện thi công các phương án tìm kiếm, thăm dò địa chất. Lấy truyền thống của Đơn vị Anh hùng làm điểm tựa, CBCNV XN Địa chất Đông Triều đã và đang đặt quyết tâm cao, phấn đấu ghi thêm vào trang sử của đơn vị những thành tích mới.
Một số hình ảnh:
Tin bài: CVP
[odex-source url=”http://minegeology.vn/chi-tiet/ky-niem-55-nam-ngay-thanh-lap-xi-nghiep-%C4%91ia-chat-%C4%91ong-trieu-1965—2020-505″ button=”Theo minegeology.vn”]