LTS: Trong Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam, có lẽ không ít người biết tới Đại tá Trần Thanh Toàn – GĐ Công ty CP than Sông Hồng (Tổng Công ty Đông Bắc), nhưng ít ai biết rằng, ông đã từng là chiến sỹ trinh sát trong đội hình mũi thọc sâu của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tham gia đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống nội các Sài Gòn Dương Văn Minh sang Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng và đã được chứng kiến những giây phút lịch sử trọng đại trong ngày 30/4/1975. Chúng tôi x
Ông kể, sáng 30/4/1975, mũi thọc sâu của Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 có sự phối thuộc của lữ đoàn xe tăng 203 theo xa lộ Biên Hòa tiến vào thành phố. Trận chiến đấu diễn ra vô cùng gay go quyết liệt. Địch dùng xe tải, xe bọc thép, thùng phuy, dựng chướng ngại vật, bịt chặt lối dẫn lên cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè…; điều động bộ binh, xe tăng, và cả pháo từ các tàu chiến trên sông Sài Gòn chống trả điên cuồng. Nhưng với khí thế “ Thần tốc – Táo bạo – Quyết thắng”, lực lượng thọc sâu của ta vừa tiến quân vừa tổ chức đánh tan quân địch ngoan cố chốt chặn trên đường vào nội đô. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống trên đường phố Sài gòn ngay trước giây phút toàn thắng.
Là lực lượng trinh sát của Trung đoàn, nhiệm vụ của chúng tôi là luôn có mặt ở phía trước để bám, nắm tình hình bố trí binh, hỏa lực và ý đồ của địch làm cơ sở cho chỉ huy trung đoàn ra những quyết định tác chiến kịp thời, chính xác để tránh tổn thất, thương vong, giành chiến thắng.
Khoảng 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, khi cánh cổng Dinh Độc lập bị xe tăng của lữ đoàn 203 đè nát, theo sát xe chỉ huy của đồng chí Đại úy, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ, (Sau này là Trung tướng, Anh hùng LLVT, Tư lệnh Quân khu I) xe chúng tôi lao vào Dinh trong tư thế sẵn sàng nổ súng chiến đấu. Rất nhanh chóng, lực lượng cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 66 do Đồng chí Thệ chỉ huy đã tiến lên phòng họp lớn bắt giữ Nội các chính quyền Sài Gòn. Tôi nhận nhiệm vụ của tác chiến Trung đoàn triển khai lực lượng chốt giữ, bảo vệ cửa chính của phòng họp lớn – nơi đang diễn ra sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc: Đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của địch, bắt sống tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền sài gòn kết thúc cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Sau đó tôi được lệnh tham gia áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để đọc tuyên bố đầu hàng.
Tại đài phát thanh, tiểu đoàn 8 của trung đoàn 66 đã đánh chiếm và làm chủ. Khi Dương Văn Minh vào trong đài, lực lượng trinh sát chúng tôi do đồng chí Trần Viết Cả chỉ huy được lệnh chốt chặt, tăng cường quan sát, bảo vệ mục tiêu. Vào thời điểm đó, nhân viên và kỹ thuật đài đã rời bỏ nhiệm sở không còn một ai. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là phải nhanh chóng tìm bằng được nhân viên vận hành đài. Rất may có một nhà báo đã giúp đỡ, dẫn đường. Tôi và đồng chí Trần Viết Cả đã phải đến cư xá Thanh Đa tìm và đưa được một nhân viên kỹ thuật của đài về vận hành phát sóng.
Khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ Trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam” (Tuyên bố của Dương Văn Minh).
Cảm xúc mà tôi nhớ mãi là niềm hân hoan, tự hào trào dâng bởi đó là giờ phút được trông chờ sau nhiều năm tháng trường kỳ chiến đấu gian khổ, ác liệt. Quá nhiều đồng bào, đồng chí, đồng đội của chúng ta đã anh dũng hy sinh để làm nên chiến thắng này.
Vào thời điểm đó, tại Đài phát thanh, ngoài quân giải phóng, còn có khá nhiều nhà báo và anh em sinh viên. Đâu đó, vẳng lên ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Tiếng hát cứ to dần, vang xa… Không có đàn trống, tất cả gõ nhịp lên bàn cùng nhau hát vang:
Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
“May mắn được trở về sau chiến tranh, sau này, khi lập gia đình riêng, tôi đã “đơn phương” ấn định lấy ngày 30/4 là ngày cưới của mình để nhớ mãi kỷ niệm được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc” – ông chậm rãi cho biết.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gap-nhan-chung-cua-thoi-khac-lich-su-4885.htm” button=”Theo vinacomin”]