Trước những dư luận về việc xem xét lại hiệu quả đầu tư của 2 dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), Phóng viên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Liêm (Trưởng Ban Khoáng sản Hoá chất) – người đã theo Dự án từ những ngày còn “phôi thai” – xung quanh vấn đề trên.
Ông Nguyễn Thanh Liêm (N.T.L): Dự án Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm và công suất bảo đảm vận hành là 630.000 tấn alumin/năm. Dự án gồm 3 phần: Khai thác mỏ bauxite, Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy alumin. Đến nay, công tác XDCB mỏ do Chủ đầu tư (Vinacomin) thực hiện đã hoàn thành, hiện đã khai thác được trên 1.600.000 tấn quặng bauxite nguyên khai.
Sau nhiều bước chạy thử không tải, có tải theo quy trình công nghệ của nhà máy tuyển và theo hợp đồng EPC, từ ngày 19/12/2012 ÷ 22/12/2012, Nhà máy tuyển quặng bauxite đã tiến hành chạy có tải để xác định các chỉ tiêu cam kết theo hợp đồng. Kết quả xác định cho thấy, Nhà máy đã đạt 100% công suất thiết kế, chất lượng sản phẩm quặng tinh bauxite cơ bản đảm bảo theo thiết kế. Tính đến nay đã sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxite.
Về Nhà máy alumin, sau khi hoàn thành các bước chạy thử theo quy trình công nghệ, ngày 26/11/2012 bắt đầu chạy thử có tải bằng quặng tinh bauxite. Ngày 09/12/2012 đã ra sản phẩm trung gian hydroxit nhôm (đưa qua lò nung sẽ ra alumin), ngày 25/12/2012 đã có sản phẩm alumin đầu tiên. Tính đến tháng 4/2013, đã sản xuất được 28.600 tấn alumin và lượng hydroxit nhôm còn lại (chuẩn bị đưa vào nung) là 16.700 tấn. Chất lượng sản phẩm alumin đã cơ bản đạt theo yêu cầu của hợp đồng EPC (hàm lượng Al2O3 > 98,6%,). Hiện nay, nhà thầu đang tích cực khắc phục các tồn tại để sớm đưa nhà máy vào vận hành ổn định. Công suất nhà máy hiện tại đạt khoảng 50% công suất thiết kế và sẽ nâng dần trong các tháng tới. Trong tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy xác định các chỉ tiêu cam kết để bàn giao đưa Nhà máy vào sản xuất.
P.V: Hiện có một số ý kiến cho rằng Dự án Tân Rai – Lâm Đồng đi vào vận hành hiệu quả kinh tế thấp, tạo thêm gánh nặng cho Vinacomin. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông N.T.L: Tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng đã được HĐQT Vinacomin phê duyệt (điều chỉnh) tại QĐ số 1953/QĐ-HĐQT ngày 04/9/2009 với giá trị là 11.353,0 tỷ đồng (tỷ giá quy đổi là 16.935VND/USD, tương đương 670,4 triệu USD).
Quá trình triển khai đầu tư dự án trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, suy giảm kinh tế, tỷ giá đồng đô la thay đổi, giá cả vật tư, nguyên vật liệu tăng cao, một số cơ chế chính sách thay đổi (thuế tài nguyên, phí môi trường, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tiền lương tăng…) đã làm tăng tổng mức đầu tư của dự án và tăng giá thành sản xuất alumin, trong khi giá bán alumin trên thị trường thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án.
TMĐT dự án tính toán lại (tháng 3/2013) là 15.117,8 tỷ đồng (tỷ giá quy đổi là 21,0 ngàn VND/USD, tương đương 720 triệu USD), tăng 3.645,5 tỷ đồng (giá trị trước thuế), tương đương tăng khoảng 33,15% so với TMĐT được duyệt (nếu tính theo USD thì chênh lệch là 49,6 triệu USD, tương đương 7,38%).
Qua kết quả tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án cho thấy, dự án vẫn đạt hiệu quả kinh tế (NPV = 2.171 tỷ đồng >0; IRR =8,21%), tuy có thấp hơn hiệu quả kinh tế tính toán tại thời điểm tháng 4/2009. Tuy vậy, tiềm năng để nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án trong thời gian tới là rất lớn như tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hệ số thu hồi, sắp xếp lại tổ chức, kiện toàn cơ chế quản lý nội bộ, giảm chi phí cho việc lưu giữ bùn đỏ bằng các giải pháp hữu ích…
P.V: Với tình hình hiện nay, Vinacomin có cần đề xuất chính sách hỗ trợ gì?
Ông N.T.L: Dự án Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ là các dự án đầu tiên về chế biến sâu khoáng sản bauxite, với công nghệ phức tạp, có quy mô, vốn đầu tư lớn nhất ngành khai khoáng Việt Nam từ trước đến nay (trừ dầu khí), đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn về điều kiện kinh tế – xã hội.
Cho đến nay, Dự án Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành, đang trong quá trình chạy thử để nghiệm thu, Dự án alumin Nhân Cơ đã thực hiện được trên 50% khối lượng. Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của Chủ đầu tư và các Nhà thầu, còn là do Dự án đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, được sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông,…
Trong thời gian tới, dự án vẫn còn rất nhiều khó khăn, vẫn rất cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông,…
P.V: Về ý kiến cho rằng với rủi ro lớn về hiệu quả kinh tế thì chỉ nên thí điểm dự án Tân Rai (đã hoàn thành đầu tư), có thể xem xét dừng dự án Nhân Cơ lại?
Ông N.T.L: Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ cũng có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm và công suất bảo đảm vận hành là 630.000 tấn alumin/năm. Dự án được tổ chức thực hiện tương tự như Dự án Tổ hợp bauxit – nhôm Lâm Đồng. Dự án đã được triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý Đầu tư xây dựng. Tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan tính đến ngày 31/03/2013 đạt khoảng 6.836 tỷ đồng. Trong đó: Giải ngân gói thầu EPC Nhà máy Alumin đạt khoảng 4.606 tỷ đồng.
Về hiệu quả kinh tế của dự án, qua kết quả tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án (tương tự như cách tính của Dự án Tổ hợp bauxit-nhôm Lâm Đồng đã trình bày ở trên) cho thấy, dự án đạt hiệu quả kinh tế (NPV = 1.406 tỷ đồng >0; IRR = 7,62%).
Nếu dừng Dự án Nhân Cơ sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Ngoài phần giá trị đã giải ngân cho các nhà thầu, còn phải thanh toán tiếp phần giá trị đã thực hiện của các nhà thầu trên công trường, thanh toán số tiền các nhà thầu đã tạm ứng cho các nhà cung cấp thiết bị để chế tạo phần thiết bị còn lại, bồi thường mất mát về lợi nhuận mà các nhà thầu phải chịu do việc chấm dứt Hợp đồng… Lãi vay cho các khoản đã giải ngân, đã thực hiện, bồi thường hợp đồng… vẫn tiếp tục phải trả, trong khi không có nguồn để hoàn trả cả gốc và lãi của các khoản vay này.
Không những thiệt hại về kinh tế, việc dừng Dự án Nhân Cơ còn gây nhiều thiệt hại và ảnh hưởng khác như: suy giảm niềm tin của dân trong việc kỳ vọng vào cơ hội cải thiện điều kiện kinh tế của tỉnh Đăk Nông thông qua chuyển dịch cơ cấu ngành nghề; uy tín và vị thế của Vinacomin ít nhiều bị ảnh hưởng đối với lãnh đạo, chính quyền và nhân dân địa phương đặc biệt là nhân dân trong vùng dự án nơi có mối quan hệ gần gũi và đặt nhiều hy vọng vào dự án; có sự biến động lớn về tâm lý đối với lực lượng lao động hiện tại đang làm việc tại Dự án, ảnh hưởng không tốt tới đội ngũ cán bộ, kỹ sư, chuyên viên và các lao động đã và đang được đào tạo cho Dự án (dao động về tinh thần, sa sút niềm tin và nhiệt huyết)…
PV: Như ông vừa phân tích, đây là 2 dự án mang tính thí điểm bước đầu, liệu có xảy ra trường hợp sau khi hoàn tất việc thí điểm, chúng ta nhận ra những tác động đến môi trường là không thể sửa chữa. Đặc biệt là vấn đề bùn thải từ các dự án này ?
Ông N.T.L: Tác động môi trường là vấn đề được Đảng và Nhà nước cũng như dư luận quan tâm đặc biệt. Chúng ta đã có nhiều bài học về môi trường, không chỉ trong nước mà có cả trên thế giới. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành thận trọng các khâu có liên quan đến an toàn công trình, từ thiết kế hồ bùn đỏ đến các biện pháp bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý hữu hiệu khi xảy ra sự cố. Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, chúng ta đã cử đoàn sang khảo sát để rút kinh nghiệm cần thiết.
Hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Nếu thành công, vừa mang lại nguồn thu bổ sung cho dự án, vừa giảm chi phí đầu tư. Với sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước, tôi cho rằng, chúng ta có thể yên tâm về vấn đề môi trường tại 2 dự án trên, nghĩa là không thể để xảy ra tình trạng sau khi hoàn tất việc thí điểm lại phát sinh các hậu quả tiêu cực về môi trường mà không thể khắc phục.
P.V: Quan điểm cá nhân ông về 2 Dự án trên?
Ông N.T.L: Hai dự án trên là hai dự án chế biến sâu khoáng sản, vừa góp phần khai thác lợi thế tài nguyên khoáng sản của khu vực Tây Nguyên, vừa góp phần cụ thể hoá đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng và Chính phủ. Cả hai dự án đều đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân địa phương nơi có dự án, sự nỗ lực của CBCBV Tập đoàn Vinacomin, các khó khăn trên đã từng bước được tháo gỡ, khắc phục. Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm alumin, đây là mơ ước của rất nhiều nhà khoa học (cả trong và ngoài Vinacomin) tâm huyết với dự án.
Trên thực tế, việc triển khai hai dự án đã mở rộng quan hệ và nâng tầm của Vinacomin với các đối tác cả trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, mở ra một hướng SXKD mới cho Tập đoàn, khai thác thế mạnh của Tập đoàn trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.
Mặc dù vậy, trước mắt cả hai dự án vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Tôi tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, ủng hộ của của Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân địa phương nơi có dự án cũng như sự cố gắng vượt bậc của Vinacomin là một đảm bảo vững chắc cho sự thành công của hai dự án nói riêng và các dự án khác trong lĩnh vực này nói chung.
P.V: Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/du-an-bauxite-tan-rai-lam-dong-se-co-hieu-qua-kinh-te-5133.htm” button=”Theo vinacomin”]