Mỗi thành viên tham gia chuyến đi tặng quà cho các gia đình nữ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng Tây Bắc lần này đều ăm ắp những cảm xúc đặc biệt. Đó là sự xót xa với hoàn cảnh éo le của những người phụ nữ không may mắn, sự đồng cảm với những số phận phải chịu đựng những đau đớn đến tột cùng… và còn đó là những trăn trở vẫn còn đến thăm được ít gia đình quá, món quà vật chất còn ít ỏi quá. “Nhưng chúng tôi thực sự thấy vui vì đã mang được những tình cảm ấm áp của thợ mỏ đến
Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày lễ kỷ niệm hay dịp Tết cổ truyền, lãnh đạo Công đoàn TKV lại tổ chức những chuyến đi thăm, tặng quà cho các gia đình thợ mỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với các gia đình ở vùng Than Quảng Ninh, các cán bộ Công đoàn TKV cũng đặc biệt quan tâm đến những gia đình thợ mỏ ở vùng sâu, vùng xa – nơi có điều kiện khó khăn, thiếu thốn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó chủ tịch Công đoàn TKV – người đã nhiều lần, nhiều năm nay đồng hành với những chuyến đi, thăm các gia đình công nhân ở Cao Bằng, Thái Nguyên… chia sẻ với chúng tôi rằng, đúng là có đến tận nơi, được chứng kiến tận mắt mới thực sự thấm thía sự vất vả của công nhân lao động, còn nhiều lắm những gia đình thiệt thòi, những con người không biết trông cậy, bấu víu vào đâu. Trong anh, hiển hiện ký ức về những chuyến đi mà anh và Đoàn công tác đã không cầm được nước mắt khi vào thăm những gia đình công nhân mỏ trên Cao Bằng, nhà chỉ vẻn vẹn có một chiếc giường, chiếc tivi cũ và những thứ không có giá trị, hai vợ chồng đều là lao động thủ công, lương thấp. Rồi đây, tương lai những đứa con của họ sẽ ra sao khi bố mẹ các em còn đang phải hàng ngày, hàng giờ vật lộn với cơm áo gạo tiền chứ lấy đâu ra tiền để đi học.
Hành trình lần này, Đoàn công tác của Công đoàn TKV đến với vùng Tây Bắc, “nối dài” thêm những chuyến đi đầy ắp tình người, tình đồng đội của những người thợ mỏ Vinacomin luôn khắc ghi truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”. Chuyến đi càng có ý nghĩa hơn khi đoàn đến thăm những gia đình nữ công nhân lao động của Tổng Công ty Khoáng sản có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đúng vào dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam – ngày mà mọi người, mọi nhà đều tôn vinh và dành những tình cảm yêu thương nhất cho người phụ nữ Việt Nam. Chị Nguyễn Thúy Hằng – Phó CT kiêm Trưởng ban nữ công TCT Khoáng sản – người dẫn đoàn bùi ngùi, không chỉ các gia đình khó khăn mà tập thể công nhân lao động của Khoáng sản rất xúc động với sự quan tâm của Tập đoàn, của Công đoàn TKV đã không quản ngại khó khăn, đến với các vùng miền xa xôi để động viên người lao động. Những tình cảm ấy đáng quý, đáng trân trọng biết bao!.
Xót xa những mảnh đời…
Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn công tác là thị trấn Bát Xát – Lào Cai và đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Hai vợ chồng chị Nhung đều là công nhân Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền. Đã 7 năm nay chị mắc chứng bệnh Luput ban đỏ – một căn bệnh hiếm và không có khả năng phục hồi. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, xinh xắn đến nay, khuôn mặt chị bị phù nề, biến dạng, thân hình gầy gò. Được Công ty quan tâm, tạo điều kiện cho làm những việc nhẹ nhàng để có thêm tiền thuốc thang nhưng vì sức khỏe ngày một suy yếu nên từ đầu năm 2013, chị đã phải xin nghỉ việc. Mỗi ngày, chị Nhung uống rất nhiều thuốc, cũng thường xuyên phải xuống Hà Nội để khám vì bệnh này rất nguy hiểm, không chữa đúng cách thì sẽ dẫn đến suy giảm nặng hệ miễn dịch tim phổi, phá hủy nội tạng. Gia đình chị hiện nay có cháu gái bốn tuổi nhưng cũng phải nhờ bà trông hộ vì bản thân chị Nhung không thể tự chăm sóc được con. Chị Nhung nghẹn ngào: “lúc em sinh cháu ra được 1,2 kg, phải nuôi trong lồng kính, cháu đã bị chết lâm sàng mấy lần…”. Gánh nặng gia đình giờ đây một mình anh Vũ Xuân Vẻ – chồng chị phải gánh vác. Thương vợ, thương con, anh nỗ lực làm việc và cố gắng cùng vợ đi các bệnh viện, chống chọi với bệnh tật.
Quay về khu tập thể Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, anh Đinh Tiến – Chủ tịch Công đoàn Công ty dẫn chúng tôi đến nhà chị Phùng Thị Tình – công nhân mỏ. Nhìn khuôn mặt hốc hác, đôi mắt buồn ầng ậc nước, không dám ngẩng lên nhìn mọi người mà ai cũng xót xa. Chồng chị không may bị bệnh nặng, phải về xuôi chữa bệnh đã 2 – 3 năm nay. Một mình chị gồng mình nuôi mẹ già và hai con còn quá nhỏ, một cháu 4 tuổi, một cháu mới chỉ 2 tuổi. Chị phải lo mọi chi tiêu trong khi lương tháng chưa đầy 4 triệu đồng, đó là chưa kể hàng tháng chị còn phải gửi tiền chữa bệnh cho chồng, thuốc thang cho cháu thứ hai vì bị viêm tai giữa nặng. “Cũng may mà gia đình tôi được Công ty quan tâm, tạo điều kiện về cả công việc và cuộc sống, lại được anh chị em trong đơn vị thường xuyên hỏi han, động viên nên tôi cũng có thêm nhiều động lực để vươn lên, chứ nhiều lúc thấy nản quá” – Chị Tình chia sẻ.
Chia tay Bát Xát – huyện vùng cao biên giới nghèo của Lào Cai, nơi có những gia đình thợ mỏ khoáng sản khốn khó, chúng tôi lên Sapa. Gia đình chị Hoàng Anh Trâm ở ngay thị trấn Sapa. Gặp chị ở Trung tâm điều dưỡng Sapa VIMICO – nơi chị đang công tác, chúng tôi được nghe về hoàn cảnh éo le của chị. Chồng “đi tìm niềm vui mới”, bỏ ba mẹ con chị phải tự rau cháo nuôi nhau. Cuộc sống chật vật, khó khăn khi ba mẹ con chị Trâm đang phải ở trong căn nhà trọ chật hẹp, thiếu thốn. Các con đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng thiếu đi tình cảm của bố và cả sự quan tâm của mẹ bởi công việc của chị Trâm phụ trách bếp ăn của Trung tâm điều dưỡng nên cứ vào thời điểm có các đoàn đến điều dưỡng, chị thường xuyên phải đi sớm, về muộn, ít có thời gian chăm lo, bảo ban các con.
Và còn nhiều nữa những hoàn cảnh mà chúng tôi chưa thể kể hết…
“Sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”
Vậy là ba ngày đã nhanh chóng trôi qua. Chúng tôi lại trở về với cuộc sống tất bật và nhộn nhịp thường ngày, về với thủ đô Hà Nội, về với vùng mỏ Quảng Ninh. “Những hoàn cảnh ấy, những số phận ấy chắc chắn sẽ ám ảnh chúng tôi. Nó ý nghĩa như một “khoảng lặng” cần thiết trong cuộc sống để mỗi người thợ mỏ nhìn lại mình, để thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn, không vô cảm trước nỗi đau của đồng đội” – chị Đỗ Thị Nhung – Trưởng ban Tuyên giáo nữ công Công đoàn TKV trầm ngâm.
Tôi bỗng liên tưởng đến câu nói của nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” bởi cuộc sống là một quá trình cho nhận, khi bạn cho đi nhiều thì cũng nhận lại được nhiều nhưng hãy sống là cho đi chứ không cần nhận lại. Nói về nghĩa tình đồng đội trong ngành Than – Khoáng sản, tôi cũng được nghe ai đó nói rằng, khi quay ngược trái tim mình lên, trái tim sẽ có hình ngọn lửa. Đó chính là ngọn lửa của tình yêu thương, tình thợ mỏ, tình đồng đội ấm áp.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/am-ap-tinh-tho-mo-6667.htm” button=”Theo vinacomin”]