Ngày 23/6 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 775/NQ-UBTVQH13 tán thành cơ bản nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả tổng thể về kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng của 02 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư”. Theo đó, Nghị quyết của UBTV Quốc hội khẳng định: Tập đoàn TKV đã làm đúng chủ trương của Đảng và nhà nước.
Trước đó, tại phiên họp thứ 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo tổng thể về kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là 2 dự án thử nghiệm khai thác bô-xít sản xuất alumin đầu tiên ở nước ta. Nhà máy alumin Tân Rai đã được nhà thầu bàn giao cho Tập đoàn từ 1/10/2013. Trong quá trình triển khai đã có nhiều ý kiến phản biện về hiệu quả của dự án tạo dư luận nhiều chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Báo cáo trước UBTV Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hai dự án bô-xít tại Tây Nguyên có tác dụng lan tỏa bước đầu, từng bước đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của hai tỉnh và khu vực Tây Nguyên, góp phần vào việc bảo đảm an ninh, quốc phòng. Về hiệu quả kinh tế của hai dự án, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng nghiêm khắc tính toán trên cơ sở các phương án “bảo thủ nhất” về giá thì dự án vẫn có hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng, dự báo mới nhất cho thấy đến năm 2018, giá alumin sẽ lên đến 400USD/tấn, dự án cũ lấy mức giá thấp hơn để làm căn cứ. Với mức vốn khoảng 700 triệu USD đối với dự án này thì chắc chắn phải có thời gian lỗ kế hoạch, không thể có lãi ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng khẳng định, hiện tiêu chuẩn đánh giá là cao, có thể nói là thừa về an toàn. Chính phủ cũng đã chủ trương là không điều chỉnh xuống về chỉ tiêu an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động khó lường của điều kiện tự nhiên. Theo đó, đã dự trù đến việc tăng thêm 1 hồ chứa bùn đỏ thứ 3 để đề phòng tác động của biến đổi khí hậu, mưa cực đoan và các khả năng xấu hơn của thời tiết. Đến nay, Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam đã làm chủ về vận hành hai dự án, không phải thuê công ty nước ngoài và đang hướng tới khả năng xử lý, sửa chữa được một số sự cố nếu xảy ra.
Sau khi nghe báo cáo, tại phiên họp trên, Đoàn thanh tra Quốc hội kết luận: Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã chấp hành đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lập, phê duyệt, thực hiện hai dự án trên. Trên cơ sở này, ngày 23/6 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 775/NQ-UBTVQH13 tán thành cơ bản nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghị quyết khẳng định rõ:
Thứ nhất, việc triển khai thí điểm 02 dự án bô-xit Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có lợi thế tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Hiệu quả tổng hợp bước đầu của 02 dự án tác động lan tỏa đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương là tích cực.
Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và tập trung chỉ đạo, điều hành nên việc triển khai 02 dự án bô-xit Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông được thuận lợi. Dự án tạo được sự đồng thuận và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương của 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.
Thứ ba, trong quá trình triển khai dự án đã chú trọng đến kết hợp giữa bảo đảm mục tiêu kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và văn hóa truyền thống trên địa bàn.
Thứ tư, Chủ đầu tư của 02 dự án – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng. Bước đầu, 02 dự án đã có đóng góp cho ngân sách, khi đi vào hoạt động ổn định mỗi dự án sẽ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại 02 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.
Tiếp tục thực hiện đầu tư, vận hành hiệu quả 02 dự án theo đúng mục tiêu đã đề ra
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện một số công việc sau:
Một là: Chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường công tác quản trị, cải tiến kỹ thuật, sớm tiếp cận và làm chủ công nghệ, thiết bị của 02 dự án; quản lý vận hành, tổ chức sản xuất tốt để tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế của 02 dự án.
Hai là: Chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, có chính sách tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện 02 dự án; đẩy nhanh tiến độ sản xuất tinh quặng sắt từ phế thải bùn đỏ để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giải quyết vấn đề môi trường của 02 dự án.
Ba là: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định về thuế, phí, phương án sử dụng đất đối với khai thác quặng bô-xit và sản xuất alumin để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2014.
Bốn là: Rà soát tổng thể quá trình triển khai thực hiện 02 dự án; đánh giá tác động toàn diện đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, văn hóa… có giải pháp, biện pháp phù hợp làm cho dự án an toàn, hiệu quả. Hạn chế đến mức thấp nhất tác động ô nhiễm môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của khu vực; có phương án dự phòng, xử lý rủi ro, nhất là khi tình hình đang có những diễn biến phức tạp. Báo cáo Quốc hội việc tổng kết thí điểm sau khi 02 dự án đã đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh ổn định; rà soát, cập nhật và điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương tiếp theo.
Chỉ đạo chủ đầu tư chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho xã hội; đồng thời, tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận, nghiên cứu những ý kiến đóng góp xây dựng, khách quan, khoa học nhằm triển khai 02 dự án theo đúng các mục tiêu đã đề ra.
Ở một khía cạnh khác của dự án – về công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các cơ quan liên quan đang cố gắng phấn đấu hoàn tất nghiên cứu để có thể ứng dụng trong thực tế, góp phần chuyển hóa bùn đỏ từ nguy hại sang không nguy hại, chủ động cung cấp thêm nguồn kim loại màu phục vụ các lĩnh vực sản xuất của đất nước. Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, liên quan đến vấn đề đường vận chuyển, về lâu dài sẽ phải có thêm phương án vận chuyển mới, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, khai thác và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của dự án.
Hồ chứa bùn đỏ ở dự án Tân Rai
Bày tỏ vui mừng về những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm bước đầu về khả năng chế tạo sắt từ bùn đỏ thải ra trong quá trình khai thác bô-xít của hai dự án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan liên quan, chủ đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu, tính toán kỹ các yếu tố cả về khoa học và kinh tế để có thể sớm đưa công nghệ này vào áp dụng trong thực tế, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả về kinh tế của hai dự án…
6 tháng, tiêu thụ trên 220 tấn alumin
Ông Lê Việt Quang, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐTV Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết, Dự án tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng được bàn giao ngày 1/10/2013. Đến hết năm 2013, tổ hợp đã sản xuất được 214.000 tấn alumin, xuất khẩu được 160.340 tấn. Trong 6 tháng đầu năm nay, Nhà máy đã sản xuất được trên 210 tấn alumin, đạt hơn 40% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước 77 tỷ đồng. Nhà máy cũng khai thác trên 1,6 triệu tấn bô-xít, trong đó bauxite loại tinh khoảng 510.000 tấn. Do năng lực vận tải thấp (thiếu xe) nên mỗi ngày vận chuyển bình quân từ 1200 -1300 tấn. Sản phẩm alumin đạt chất lượng tốt; được xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Trung Quốc… Công ty phấn đấu năm nay sẽ sản xuất 540.000 tấn.
Cũng theo ông Lê Việt Quang, hiện nay chuyên gia nước ngoài đã về nước; việc vận hành nhà máy hoàn toàn do CNCB Công ty đảm nhận. Công ty hiện có 1390 người, trong đó hơn 500 người đã được đào tạo về công chế biến bô-xít tại nước ngoài và đào tạo tại chỗ nên đã từng bước làm chủ công nghệ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra sản phẩm alumin
Liên quan đến vấn đề này, sau khi kiểm tra dây chuyền hoạt động của Nhà máy (ngày 11/2/2014), bên lề kỳ họp Quốc hội thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định với các nhà báo, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ dự án bô-xít, alumin ở Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phân tích: Chúng ta hoàn toàn có thể vận hành và không phải thuê chuyên gia nước ngoài, đó là do chủ đầu tư làm tốt công tác đào tạo. Dự án alumin Nhân Cơ cũng sẽ tiếp thu và vận hành tương tự. Về việc khả năng tự chủ sản xuất, thay thế thiết bị, Phó Thủ tướng khẳng định đó không phải là vấn đề quá lớn, vì công nghệ của 2 dự án là công nghệ G7, loại công nghệ khá phổ biến trên thế giới, không phải đặc thù. Vấn đề là quản trị thiết bị phải an toàn và tính toán dự phòng các thiết bị thay thế (chế tạo trong nước hoặc tìm kiếm ở thị trường nước ngoài). Về các phần mềm mã nguồn của nhà máy trong hợp đồng đã được chuyển giao, các cán bộ của chúng ta trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đã từng bước làm chủ. Ông cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam mỗi năm nhập khẩu 3 triệu tấn nhôm, nếu đưa vào sản xuất nhôm sẽ đáp ứng một phần nhu cầu nhập khẩu và sẽ phát huy được hiệu quả toàn chuỗi.
Quý 1/2015, Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ sẽ hoạt động
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BQL Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ cho biết, Dự án gồm 2 nhà máy chính: Nhà máy tuyển quặng bô-xít và nhà máy sản xuất alumin với tổng diện tích khoảng 850ha.
Nhà máy tuyển quặng bô-xít có công suất 1.650.000 tấn quặng tinh khô/năm, có khả năng mở rộng lên 3.300.000 tấn/năm và cấp thẳng cho nhà máy sản xuất Alumin. Nhà máy sản xuất Alumin công suất 650.000 tấn/năm, có khả năng mở rộng lên 1.200.000 tấn/năm.
Dự án đang trong giai đoạn chính của xây dựng cơ bản. Gói thầu EPC Nhà máy tuyển quặng bô-xít và tuyến băng tải vận chuyển quặng tinh đang xây dựng nhà xưởng, thiết bị, các công trình đường, điện phụ trợ. Hồ bùn đỏ đang được nhà thầu khẩn trương thi công, cơ bản hoàn thành phần nạo vét bùn và bóc lớp đất phủ, dự kiến đáp ứng yêu cầu chứa bùn đỏ an toàn. Tổng khối lượng thực hiện gói thầu nhà máy tuyển quặng bô-xít đạt khoảng 60%. Gói thầu EPC Nhà máy alumin đã đạt khoảng 80% khối lượng. Trong đó, Nhà máy nhiệt điện ước đạt 70% khối lượng. Dự kiến, cuối năm nay, nhà máy nhiệt điện sẽ đi vào hoạt động. Trạm khí hóa than, khu phụ trợ đạt từ 40-60%.
Nhà thầu cho biết, đã đặt hàng 100% thiết bị, vận chuyển về công trường đạt trên 70%, trong đó lắp đặt hầu hết các thiết bị lớn của nhà máy nhiệt điện, nhà máy khí hóa than, lò nung, các bồn lớn.
Gói thầu EPC Nhà máy tuyển quặng bô-xít và tuyến băng tải vận chuyển quặng tinh cũng đang thi công đào, đắp, xây dựng nhà xưởng, thiết bị, các công trình đường, điện phụ trợ. Hồ bùn đỏ đang được nhà thầu khẩn trương thi công, cơ bản hoàn thành phần nạo vét bùn và bóc lớp đất phủ, dự kiến đáp ứng yêu cầu chứa bùn đỏ an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, đang mùa mưa, việc thi công gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chủ đầu tư và tổng thầu phấn đấu, trong quí I/2015 sẽ tổ chức vận hành thử có tải toàn nhà máy để cho ra những tấn sản phẩm alumin đầu tiên.
Sẽ có lãi!
Năm 2013, toàn bộ alumin sản xuất tại Tân Rai được xuất khẩu cho các đối tác Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore. Ngoài các đối tác này, hiện Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni (Nhật Bản) với mức 250.000 tấn/năm và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) mức 150.000 tấn/năm và các đối tác khác theo hợp đồng hàng năm.
Sản phẩm alumin và hydroxit nhôm sản xuất tại Nhà máy Tân Rai có chất lượng tương đương với sản phẩm của các nhà máy alumin trên thế giới, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của Dự án được thuận lợi, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Giá alumin cũng là một trong các yếu tố quan trọng và quyết định hiệu quả của dự án. Hiện mức giá được tính toán cho vòng đời dự án trong thời gian 30 năm được đưa ra là 379 USD/tấn. Con số này cũng thấp hơn khoảng 71 USD/tấn so với giá dự báo của các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín như Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA. Các dự báo này hiện đang cho rằng, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 sẽ ở mức trung bình là 450 USD/tấn.
Với sản phẩm alumin tại Nhà máy alumin Tân Rai, trong thời gian chạy thử đã bán được xấp xỉ mức giá 300 USD/tấn, điều kiện FOB cảng Gò Dầu. Bước sang năm 2014, giá đã được đàm phán tăng lên khoảng 18%, tức là khoảng 330 USD/tấn. Theo kế hoạch, năm 2014, Nhà máy alumin Tân Rai sẽ đạt mức công suất tương đương 85% công suất thiết kế, từ năm 2015 trở đi sẽ đạt công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm và Tổ hợp bô-xít Tân Rai sẽ bắt đầu có lãi từ năm 2018.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nghi-quyet-cua-ubtv-quoc-hoi-khang-dinh-tap-doan-tkv-da-lam-dung-chu-truong-cua-dang-va-nha-8677.htm” button=”Theo vinacomin”]