Lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, thế nhưng Tuấn không chọn miền đất đỏ bazan để lập nghiệp như bao người mà anh đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với vùng đất mỏ Quảng Ninh bằng cả tình yêu, niềm say mê và bản lĩnh của mình…
Tuấn cho biết, hiện anh là thợ lò bậc 5/6, Tổ trưởng tổ khai thác công trường Khai thác 1, Xí nghiệp than Giáp Khẩu, Công ty TNHH MTV than Hòn Gai. Sinh năm 1983 tại Đồng Nai, tuổi thơ của Tuấn gắn liền với những cánh rừng cao su, điều bạt ngàn. Còn nhỏ Tuấn đã được bố mẹ huấn luyện cho đi cạo mủ cao su. Mới bảy, tám tuổi, gia đình Tuấn lại chuyển lên Đắc Lắc để trồng cà phê. Hiện nay, gia đình bố mẹ, anh em Tuấn vẫn đang sống tại Đắc Lắc. Có lẽ vì vậy mà nước da của anh vẫn còn nâu sạm bởi cái nắng gió của đất rừng cao nguyên.
“Cơ duyên nào đưa Tuấn đến với nghề thợ mỏ? – tôi hỏi. Tuấn tâm sự, đúng là duyên thật. Mặc dù sống cách Quảng Ninh tới ngàn dặm nhưng Tuấn rất quan tâm tới những thợ mỏ vùng Quảng Ninh. Năm 2001, Tuấn học xong phổ thông rồi ở nhà luôn phụ giúp bố mẹ làm nương dãy. Rồi Tuấn lấy vợ. Vợ Tuấn là một cô gái xinh đẹp gốc Bắc. Cuộc sống những tưởng cứ thế trôi đi. Nhưng cứ ngày ngày lên dãy, đi cạo mủ cao su, Tuấn thấy nhàm chán. Anh bàn với vợ đi học nghề, mà nghề Tuấn thích là làm thợ mỏ. Lúc đầu, vợ Tuấn cũng như cả nhà tưởng Tuấn “khùng”. Thế nhưng, cứ thuyết phục mãi, cả nhà Tuấn cũng đồng ý. Tuấn khoác ba lô ra Bắc, theo lời giới thiệu của một ông bác, Tuấn vào học nghề mỏ ở Trường đào tạo nghề mỏ Hữu Nghị. Thế là từ năm 2005 đến nay Tuấn đã gắn chặt với nghề này. “Anh thấy đó có phải là duyên không? – Tuấn cười.
Yêu nghề cộng với những kiến thức đã học được ở trường, chỉ sau một thời gian ngắn, Tuấn được nâng bậc thợ lên bậc 5/6. Anh luôn hoàn thành mọi công việc được giao và thường xuyên có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động. Trong công trường, ở những vị trí khó khăn nhất, Tuấn thường có mặt. Làm việc có trách nhiệm và đảm bảo ngày công, năng suất, hiệu quả, Tuấn tạo được uy tín trước tập thể và được lãnh đạo Xí nghiệp đề bạt làm Tổ trưởng tổ sản xuất. Tổ của Tuấn có trên 100 anh em, đảm nhiệm một ca khai thác. Mỗi ca, tổ của Tuấn sản xuất trung bình khoảng 300 tấn than nguyên khai, nhiều ca do thuận lợi có thể đạt tới 400 tấn. Ngoài ra, Tổ còn đào lò chuẩn bị sản xuất. Tổ sản xuất của Tuấn luôn đoàn kết, đồng lòng dù lúc khó khăn hay thuận lợi. Anh em đi làm đều, đảm bảo ngày công và năng suất lao động. Công trường Khai thác 1 hiện đang khai thác tại mức -95 lên mức -20 với 2 lò chợ hoạt động đồng thời. Một lò chợ khai thác từ mức -95 lên -55, một lò chợ khai thác từ mức -50 lên -20, gồm 200 giá chống thủy lực. Tuấn cho biết, đây là một vỉa than có điều kiện khai thác khó khăn do góc dốc lớn. Góc dốc vỉa than trung bình 30 độ đến 35 độ, thường phải dung máng trượt để vận tải than. Chiều dày vỉa trung bình 3 mét, nên công trường phải áp dụng kỹ thuật rút than nóc để đảm bảo hệ số thu hồi trong khai thác. Tuy vậy, cả công trường Tuấn mỗi năm cũng đảm bảo sản xuất 180 ngàn đến 200 ngàn tấn than nguyên khai do Xí nghiệp giao cho.
Do làm việc đảm bảo ngày công và năng suất, Tuấn có mức thu nhập khá ổn định trên 13 triệu đồng/tháng, có tháng cao đạt gần 20 triệu đồng. Sau vài năm làm việc, Tuấn mua được một căn nhà khá rộng rãi, khoảng hơn trăm mét vuông. Tuấn đưa vợ con ra sinh sống và xác định xây dựng cuộc sống lâu dài trên đất mỏ. Hàng ngày, chị Yến, vợ Tuấn ở nhà chăm sóc chồng con, đảm bảo sức khỏe để anh đi làm được đều đặn.
Với những thành tích khá nổi bật của mình trong công việc, năm nào Tuấn cũng được suy tôn là Chiến sỹ Thi đua các cấp, được Công ty tặng Giấy khen và lãnh đạo Công ty gặp mặt khen thưởng thường xuyên v.v.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/yeu-nghe-4487.htm” button=”Theo vinacomin”]