Những năm gần đây Công ty Môi trường – Vinacomin (Công ty) có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở vùng than Quảng Ninh. Nhiều đầu đường bãi thải của các khai trường Núi Béo, Đèo Nai, Hà Tu, Cọc Sáu đã được trồng những loại cỏ vetiver, hoa giấy… là những loại cây có khả năng chống xói mòn cao, chóng tạo được giá trị sinh thái trong công tác hoàn nguyên môi trường mỏ, đã được nhân giống với số lượng lớn trong vườn ươm của Công ty cung cấp.
Song điều nhấn mạnh là trong 4 năm gần đây dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty đã có những cố gắng đáng kể để tập trung xử lý nước thải hầm lò. Đến nay Công ty đã làm xong và đưa vào vận hành 22 trạm xử lý từ Mạo Khê đến Mông Dương, hiện Công ty đang thi công 5 công trình xử lý nước thải khác, trong đó Công ty CP Than Cao Sơn có công suất xử lý 2.400m3/h; các trạm xử lý cho những khai trường Hà Tu, Núi Béo đều có công suất 2.000m3/h… Hiện tại các trạm xử lý nước thải của Công ty đảm bảo đạt tiêu chuẩn loại B (đây là mức nước có thể rửa mặt, giặt quần áo, tắm) đủ điều kiện để thải ra môi trường. Nước qua trạm xử lý để thải ra được kiểm soát nghiêm ngặt bởi đội ngũ cán bộ quản lý môi trường của các đơn vị sản xuất than và sự kiểm tra định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh. Điều nhấn mạnh là nguồn nước thải từ hầm lò xử lý rất tốn kém, phức tạp như độ pH chỉ từ 3,5 đến 5 là quá thấp so với nước sinh hoạt có độ pH từ 5,5 đến 9; chỉ số cặn lơ lửng trong nước thải hầm lò cao từ 250 đến 1.000mmg/lít nên quá trình xử lý phải giảm tỷ lệ này xuống còn dưới 100mmg/lít để đạt tiêu chuẩn nước loại B. Đồng thời các hàm lượng sắt, mang gan, lưu huỳnh, chì, a sen… đều rất cao, riêng tiền mua hoá chất để xử lý đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Song công nghệ xử lý nước thải của Công ty đã mang lại lợi ích khi đưa vào thực hiện. Khá nhiều doanh nghiệp ngành Than đã đề nghị Công ty xử lý nâng cấp tiếp nước thải hầm lò từ loại B lên loại A để dùng cho ăn uống sinh hoạt ở một số khai trường đông công nhân nằm khá xa địa bàn dân cư như khu vực Cái Đá – Xí nghiệp Than Cao Thắng (Công ty Than Hòn Gai) có 2.000 công nhân; khai trường sản xuất than ở xã Tân Dân của Xí nghiệp Than Hoành Bồ (Công ty Than Uông Bí), gần 1.000 công nhân… Theo tính toán, khi thực hiện thành công dự án trên giá nước từ các trạm xử lý của Công ty cung cấp bán ra sẽ rẻ hơn so với mua từ hệ thống cấp nước sạch hiện tại. Ngoài ý nghĩa chính là bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý nước thải còn mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp ngành Than khi đưa vào sử dụng. Chúng tôi đến trạm xử lý nước thải hầm lò của Công ty tại Xí nghiệp Than Hà Ráng (Công ty Than Hạ Long). Trạm xử lý nước thải này có giá trị đầu tư hơn 7 tỷ đồng, công suất tối đa 450m3/h; mỗi ngày thường xử lý được 3.100m3 nước. Nhìn “đầu vào” nước thải từ cửa lò đen đặc chảy xuống bể chứa để bơm lên hệ thống xử lý và liền kề đó nước “đầu ra” trong vắt mới thấy hiệu quả thật rõ. Qua đó mỗi ngày, riêng lượng bùn than lắng đọng sau quá trình xử lý, thu được từ 4 đến 4,5m3; đó là nguồn lợi không nhỏ. Chúng tôi ghi lại những thông số xử lý nước thải hầm lò tại Hà Ráng: Độ pH (từ 3,4 lên 5,36); lượng Fe (mmg/l) đạt 2,57/5; Hg (0,0004/0,01); Pb (0,003/0,5); Cd (0,001/0,1)… Từ khi đưa trạm xử lý nước thải này vào hoạt động, phí môi trường của Xí nghiệp đã giảm đi rõ rệt, trước kia phải đóng hơn 10 triệu đồng, nay chỉ còn phải nộp từ 2 đến 4 triệu đồng/năm. Những cố gắng của Công ty trong việc thực hiện thi công hàng chục trạm xử lý nước thải trong gần một năm qua thật đáng ghi nhận.
Anh Trần Văn Gụ, Phó Giám đốc Công ty Môi trường – Vinacomin cho biết: Để tạo điều kiện cho Công ty đủ năng lực thi công, Tập đoàn đã sáp nhập cơ sở có điều kiện thực hiện công trình theo yêu cầu vào Công ty, đồng thời nâng cấp xưởng cơ khí của Công ty lên tầm hoạt động mới. Đến nay, những trạm xử lý nước thải hầm lò công suất khoảng 600m3/h, Công ty lắp đặt chỉ trong vòng 3 tháng là đưa được vào hoạt động.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc-hoat-dong/xu-ly-nuoc-thai-ham-lo-376.htm” button=”Theo vinacomin”]