Xưa kia, thợ lò ở Vùng mỏ đa phần là cư dân nông nghiệp của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng di cư ra. Vì vậy, dù lao động ở vùng công nghiệp khai thác than sôi động nhưng văn hóa làng quê và tư duy nông nghiệp ăn sâu vào tiềm thức của họ. Nhiều sự vật, phương thức lao động mới đã được họ gọi tên bằng lối cũ theo kiểu quê hóa, nông thôn hóa. Cũi lợn trong khai thác lò chợ là một ví dụ như thế.
Xếp cũi lợn, củng cố lò chợ ở Công ty than Mạo Khê (Ảnh: Phạm Mạnh Hùng)
Cựu thợ lò Nguyễn Đình Thái, người từ vùng quê thuần nông Thái Bình ra làm mỏ Hà Lầm, chia sẻ: “Cũi lợn” là cụm từ được dùng rất phổ thông nghề mỏ dùng nhiều trong khai thác lò chợ những năm cuối thế kỷ trước. Trước đây, trong công nghệ khai thác lò chợ dùng vật liệu là gỗ, người ta chặt gỗ thành từng đoạn dài chừng 1 mét chồng lên nhau từng lớp kiểu dấu thăng (#) để xếp vào luồng lò chợ vừa khai thác xong. Cứ thế xếp từ cốt nền lò lên tận nóc (gọi là kích nóc) cao đủ chiều cao lò chợ khoảng chừng 2, 5 – 3m tùy theo mỗi lò. Luồng đã khai thác này cạnh luồng mới trong một vỉa dài. Luồng đã khai thác và xếp cũi lợn nằm phía trái luồng mới chuẩn bị khai thác (gọi là khấu than). Lò chợ thường có độ dốc thường là 3-5% để đặt máng trượt cho than dễ dàng trôi xuống luồng máng cào ở lò chân). Đơn vị tính chiều dài lò chợ được gọi là đơn thìu hay đoản. Thìu dài chừng 2, 5 3,5 m; đoản ngắn hơn chừng 2 m…Ví dụ lò từ lò đầu có độ dốc xuống lò chân có chiều dài 35 mét thì chiều dài được tính là 10 thìu.
Ông Dương Phượng Đại vốn là nông dân ra làm thợ lò mỏ Thống Nhất, cũng giải thích: Cũi lợn là những câu gỗ tròn dài 1,2 m, đường kính từ 15 cm đến 20 cm dùng cho công nghệ khấu lò chợ bằng thìu gỗ dài cỡ chừng 4m. Sau khi khấu xong một luồng người thợ lò lấy thanh cũi lợn xếp từ nền lò lên nóc lò thành hình hộp vuông, giống cái cũi nhốt con lợn ở quê nhưng kích cỡ to hơn. Cứ thế đến khi xếp được nhiều luồng người ta tiến hành phá hỏa tức là tháo dỡ cũi lợn và chỉ giữ lại một luồng bảo vệ.
Ông Dương Phượng Đại kể tiếp: “Dưới lò chợ lấp lánh than đen, một bên là những hàng cũi lợn xếp thẳng tắp, những ánh đèn lò như sao đêm, những tiếng máy tiếng khoan tiếng búa chặt gỗ và cả tiếng cười hào sảng của người thợ lò. Thời tôi làm lò khai thác bằng công nghệ khấu thìu gỗ xếp cũi lợn. Sau khi nổ mìn, than từ gương lò ầm ầm rơi xuống máng trượt chảy xuống xe gòong và được vận chuyển ra ngoài. Vào mỗi ca chúng tôi đều phải vận chuyển hàng trăm khúc gỗ dài cỡ chừng 1,2 m đường kính 20cm vào lò để cùng với anh em thợ chống cuốc xếp thành những ô cũi lợn vuông vức đỡ lấy nóc lò”.
Những năm tháng gian khổ làm thợ lò vác gỗ ấy đã cho ông Dương Phượng Đại hàng loạt chất liệu sinh động để sáng tác. Sau này, ông đã trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Và ông đã là một trong số ít những tay máy chuyên tâm sáng tác về vùng mỏ và người thợ mỏ, trong đó có những bức ảnh chụp dưới đường lò.
Bây giờ, khai thác than đã hiện đại hơn rất nhiều với giàn thủy lực giá di động (giá trượt) người ta hàn sắt thành cũi vuông, sau đó thu hồi dùng tiếp. Trước đây, gỗ thì bỏ đi gây lãng phí. Tuy nhiên, cũi lợn cũng vẫn được dùng xếp nóc khi lò chuẩn bị đi vào vùng lò yếu, đất đá nóc có hệ số nở rời cao, không an toàn. Vì thế, cựu thợ lò Phạm Mạnh Hùng, vốn là nông dân ở Thanh Hà, Hải Dương ra mỏ Mạo Khê thì cho rằng, dù cột thủy lực chống rồi nhưng với những đoạn lò có nguy cơ tụt lở thì chỉ có cũi lợn mới giải quyết được.
Ông Hùng bảo, trong đời làm lò bễ của mình có rất nhiều câu chuyện buồn vui liên quan đến cũi lợn. Có khi chiếc cũi lợn lại đưa một người thợ lò lên thành anh hùng. Đó là câu chuyện của Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía. Cũi lợn gắn liền với ông Tía bởi ông là thợ lò thành danh trong giai đoạn khai thác than ở lò chợ bằng cột chống gỗ. Năm 2000, ông có sáng kiến xử lý sự cố bục nước lớn trên lò chợ lớp trụ vỉa 9B Đông, tầng -25+30 mang lại hiệu quả to lớn cho Công ty và ngành Than. Ông đã cùng công nhân dùng gỗ để chắn nước làm thay đổi dòng chảy từ phía gương lò chợ về khu vực đã khai thác. Cứ từ 5 đến 7 mét theo hướng dốc lò chợ, ông vừa củng cố lò vừa chắn nước hạn chế hiện tượng nước chảy tự do trên lò chợ triệt tiêu nguy cơ tụt lò đổ lò. Sau khi lượng nước giảm ông bố trí công nhân vào củng cố dặm giữ lò đảm bảo an toàn, tiếp tục khấu than và tháo dỡ thu hồi các cột thủy lực đơn, điều khiển áp lực đá vách theo quy trình phá hỏa lò chợ. Sau 10 ngày làm việc liên tục, toàn bộ 665 vì thủy lực đơn trên lò chợ đã được thu hồi, diện sản xuất cơ bản đã ổn định trở lại. Đây là sáng kiến được đánh giá đã mang lại hiệu quả trên 3 tỷ đồng, duy trì được sản xuất, tiết kiệm chi phí vật tư và thời gian, tránh tổn thất tài nguyên than v.v. Nhờ đó, ông Tía đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Cũi lợn được trang trí rất đẹp cho các chú lợn được gọi là ông Voi trước khi rước ở Móng Cái
Cựu thợ lò Nguyễn Đình Thái bảo rằng kể lại cái thời xếp cũi lợn ở lò chợ không phải ôn nghèo kể khổ mà âu cũng là để “ôn cố tri tân”, để nhớ về cái thời đã qua. Nhưng cũng chính cái thời vác gỗ xếp cũi lợn ở lò chợ người thợ lò thấy gắn bó và yêu thương nhau hơn. Đúng như ông Đoàn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc TKV, nhìn nhận: “Người thợ lò sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu nhau”. Cựu thợ lò Nguyễn Đình Thái chia sẻ về một kỷ niệm không bao giờ phai: Tháng 7 năm 1997, tôi đang là Lò trưởng của công trường 26, Mỏ than Hà Lầm (lúc đó còn thuộc Công ty than Hòn Gai). Nhiệm vụ của tôi là phụ trách việc vận chuyển than từ dưới lò qua trục tời và đưa lên mặt đất. Sự việc xảy ra khoảng giữa tháng 7, tôi không nhớ ngày. Khoảng 10 giờ, mưa rất to. Tôi đang ở lò chân, nơi đặt máy cào. Than đang ra nhiều, máy cào chạy liên tục. Bỗng có tiếng hô: “Sập đoản 3 rồi!”. Tôi cùng các ông Lém, Phóng vào ngay lò chợ. Máy cào dừng. Cùng lúc đó, ông Nguyễn Bá Thự – Phó quản đốc cơ điện hô: “Máy cào chạy dóc than đi!”. Lò chợ có 7 đoản (chiều dài khoảng 20 mét). Ca 3 đã khấu 2 đoản 1 và 2 (tính từ lò chân lên). Ca 1 đang cài đoản 3 và lúc đó mới đi than cài (cài và đi là từ dùng của thợ lò).
Một cảnh tượng rất nguy cấp xảy ra: Từ đoản 5, than được các cây gỗ chặn lại, than không trôi xuống máng trượt vỏ dưa bằng tôn. Anh Nguyễn Văn Trịnh, thợ bậc 5/6 đang mắc vào bên luồng đã khấu và xếp kín cũi lợn gỗ. Đầu anh chúi xuống, mũ lò và đèn đã bị văng đi theo than. Gáy bị đầu gánh (một cây gỗ cài ngang trợ lực cho vì lò chợ) chèn nên không cựa được, mặt ứ máu do bị nằm trong tư thế đầu dốc xuống lâu. Chân đi ủng bị kẹt trong than trên đoản 4 không rút ra được. Chúng tôi chuyển những đoạn gỗ cũi lợn dài chừng 1 mét lên chèn kín. Theo cách gọi nghề lò là cược đoản 4 và 5 để chặn than theo máng trượt tụt xuống lấp thêm lên người anh Trịnh. Rất may, sau khi máy cào chạy hết than, lộ ra toàn bộ đoản 4, đoản 5 và thân hình người bị nạn thì mất điện lưới do mưa to, trạm điện cắt điện cho an toàn. Không được dùng cuốc, xẻng, chúng tôi cẩn thận moi từng tý than, đá bằng tay đến nỗi 10 đầu ngón tay rớm máu. Tuy mệt nhưng chúng tôi cố gắng, không ai thấy mệt nữa vì tính mạng đồng nghiệp. Đường lò chật nên chỉ một vài người thay nhau bới than. Cuối cùng, khoảng gần 12 giờ, anh Nguyễn Văn Trịnh đã được cứu ra khỏi khu đoản sập an toàn”.
Thợ lò Nguyễn Văn Trịnh hiện đã nghỉ hưu ở khu 1, phường Hà Trung. Những lúc rảnh rỗi ông Trịnh, ông Thái và đồng đội năm xưa vẫn ngồi lại bên nhau để nhớ về kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm mỏ xếp gỗ cũi lợn trong lò chợ.
Muốn tận mắt trải nghiệm thời ông Thái, ông Trịnh làm than thế nào tôi đã nhiều lần xuống lò cơ giới hóa -300 của Công ty than Hà Lầm nhưng chưa bao giờ thấy cũi lợn. Khi khai thác thợ mỏ đã dùng toàn bộ cột chống thủy lực. Khai thác xong họ cũng không dùng gỗ để đóng cũi lợn chống nóc lò để thu hồi thiết bị trong lò chợ nữa mà toàn bộ dùng lưới thép B40 và cáp để giữ. Nhưng có một thiết bị vẫn được thợ mỏ gọi là thùng cũi. Chỉ có điều nó to hơn cũi lợn rất nhiều và chứa được hơn chục thợ lò cùng lúc đó là băng tải dạng như thang máy ở chân giếng đứng. Đứng vào thùng cũi này chỉ mấy phút sau là chúng tôi đã xuống sâu 300 mét dưới lòng đất có mặt ở nhà ga để đi vào các lò chợ. Di chuyển trong chiếc thùng cũi ấy, chúng tôi có cảm giác an toàn tuyệt đối.
Dưới lò vận tải, cũng toàn là máy móc hiện đại, điện đóm sáng choang. Lò chợ thì tối hơn nhưng cũng không thấy khúc gỗ nào mà thời ông Thái, ông Trịnh gọi là thìu, là đoản. Sau mỗi lần xuống lò cơ giới hóa càng hiện đại bao nhiêu chúng tôi càng chia sẻ với những gian lao vất vả của người thợ lò lớp trước. Họ những người đã đi ra từ ruộng đồng, từ lũy tre xanh, vốn gắn bó với con trâu con lợn trở thành những thợ lò thuần thục. Họ đổ mồ hôi và thậm chí cả máu xuống đất mỏ để cho mỗi tấn than ra. Tuy nhiên, điều khác biệt tôi nhận ra ở họ so với những người công nhân của ngành nghề khác là văn hóa làng quê vẫn ăn sâu trong lời ăn tiếng nói, trong sinh hoạt hàng ngày.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/xep-cui-lon-duoi-lo-201903111623075214.htm” button=”Theo vinacomin”]