Quảng Ninh là một tỉnh có phong trào mỹ thuật mạnh với lối tạo hình riêng biệt của mỹ thuật công nhân, có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi, các triển lãm toàn quốc. Có được thành công đó là do mỹ thuật Quảng Ninh đã xác định được đề tài chủ đạo xuyên suốt và có thế mạnh của mình là hình tượng vùng Mỏ và người thợ mỏ.
Lớp vẽ công nhân do Hoạ sỹ Hoàng Công Luận hướng dẫn trong một buổi thực hành (Ảnh do Hoạ sỹ Vũ Quý cung cấp)
Yếu tố đầu tiên đưa mỹ thuật Quảng Ninh trở nên có tiếng trong cả nước có lẽ là nhờ một vùng khai thác than, vùng công nghiệp mỏ. Đề tài đã được các cây cọ lấy từ chính môi trường công nghiệp mỏ quen thuộc quanh mình. Cũng phải nói rằng, đây là đề tài trọng điểm được cả nước chú ý lúc bấy giờ. Và đó cũng là nguồn đề tài không hề vơi cạn, một hiện thực sáng tác vô cùng phong phú tạo ra lợi thế riêng có của những người cầm cọ ở Quảng Ninh. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Thực ra đề tài thợ mỏ ngành Than rất đa dạng tạo cảm hứng khác nhau. Chân dung người thợ mỏ, máy móc thiết bị, công nghệ khai thác, phong cảnh khai trường cũng rất đẹp, rất thu hút… Nói chung đề tài rất phong phú khác với những ngành nghề khác chỉ quanh quẩn trong vài hoạt động và có nguy cơ cạn kiệt thì trong khi đó đề tài về ngành Than thì còn rất phong phú.
Nhờ đó, ngay từ đầu, mỹ thuật đương đại Quảng Ninh đã hội tụ được các cây cọ nổi tiếng của cả nước về sáng tác và truyền thụ kiến thức. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, các hoạ sĩ Hoàng Công Luận, Lưu Yên, Nguyễn Yên, Nguyễn Anh Thường, Trần Văn Cẩn, Bùi Quang Ngọc, Vũ Duy Nghĩa v.v. đã xuống Vùng mỏ thực tế sáng tác. Họ mở lớp dạy mỹ thuật cho công nhân và thổi bùng lên một không khí sáng tác rất sôi nổi ở các khai trường. Những lớp dạy mỹ thuật không chỉ tạo ra phong trào mà còn hình thành nên một lực lượng cầm cọ giàu triển vọng ở Vùng mỏ. Đáng chú ý là họ đều sắm hai vai, một người công nhân vừa mạnh mẽ cầm choòng, cầm búa lại vừa mềm mại với từng nét cọ.
Xuất phát từ lực lượng và phong trào đó mà giai đoạn này, hình ảnh Vùng mỏ và người thợ mỏ đã đi vào hội họa hết sức tự nhiên, chân thực. Đó là những bác thợ lò quắc thước, nữ công nhân nhà sàng khỏe khoắn xinh xắn trong trang phục màu than đen, người thợ cầm cuốc chim khều than trong ánh sáng đèn đất, người thợ lái xe mỏ trên tầng than, người thợ mỏ trong xe song loan, xe thùng gấu v.v. Đó là những ngôi nhà bằng gạch ba banh, phố mỏ san sát như mâm xôi, tầng than cao. Những bức tranh tiêu biểu giai đoạn này là “Bác thợ lò”, “Tiến công vào lòng đất” “Trong lòng đất” của Trần Văn Cẩn, “Khai thác than lộ thiên”, “Thợ mỏ Mạo Khê” và “Nữ diễn viên Vùng mỏ” của Hoàng Công Luận, “Hầm lò” và “Nhà sàng Cửa Ông” của Nguyễn Tiến Chung, “Máng than Đèo Nai” và “Băng chuyền than” của Nguyễn Hữu Viện v.v. Đặc biệt vào năm 1959, chính những họa sĩ này đã cùng nhau vẽ một bức tranh tường hoành tráng ở Cẩm Phả mang tên là “Vùng mỏ xưa và nay”. Bức tranh tập thể này đã tái hiện những chuyển động thời đại ở Vùng mỏ với tính sử thi và tính giáo dục rất cao. Tiếc rằng, sau đó bức tranh gốc đã bị bom Mỹ phá hỏng.
Nhờ sự quan tâm của tỉnh và của ngành Than, lực lượng họa sĩ Quảng Ninh tiếp tục được bổ sung thêm từ chính những người thợ mỏ yêu hội họa. Một số lần lượt được đào tạo và vượt lên mọi khó khăn để sáng tác như: Đinh Đức Thọ, Lý Ngọc Thanh, Trần Thanh Toàn, Lê Chuyền, Duy Mạnh, Trần Công Phú, Xuân Hương, Tống Giang Minh v.v. Riêng những cây cọ như: Nguyễn Hoàng, Bùi Đình Lan, Ngô Phương Cúc, Hoàng Ngọc Châu, Phạm Phi Châu vừa phải làm chuyên môn ở các mỏ vừa miệt mài sáng tác tranh.
Trong đó có thể nói, gần như tất cả những gì họa sĩ Nguyễn Hoàng vẽ về hầm lò, vẽ khai trường đều là vẽ thuộc. Bởi vì trước kia mỗi khi đi lò họa sĩ luôn mang theo bút chì và mẩu giấy để ký hoạ, sau này vẽ lại. Vì thế nhìn vào tranh của Nguyễn Hoàng người ta nhận ra ngay nét quen thuộc với cấu trúc hầm lò, thao tác của người thợ mỏ. Ông vẽ cảnh hầm sâu với không gian dồn nén, với sự tranh chấp giữa ánh sáng và bóng tối dày đặc và cả ánh đèn lò hắt sáng. Nguyễn Hoàng đã vẽ người thợ mỏ với cái nhìn của người trong cuộc bằng cả tấm lòng của người “chung trận tuyến” với bút pháp chất phác, hồn hậu. Các tác phẩm chính của ông là “Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm mỏ Hà Lầm”, “Chế tác từ than mỏ”, “Thợ lò” v.v.
“Cuộc đình công năm 1936” – Tranh sơn dầu của Bùi Đình Lan
Cùng với Nguyễn Hoàng, họa sĩ Bùi Đình Lan đã được biết đến từ những thập niên 50 của thế kỷ trước qua cuộc triển lãm tranh bột màu về Vùng mỏ. Sau đó, ông còn đến với tranh lụa và được chú ý bởi một tay nghề chắc và khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt. Bùi Đình Lan vẽ bằng tâm hồn trong sáng tình cảm chân thành đối với người thợ mỏ. Vì vậy, ông có nhiều bức vẽ về mỏ rất thành công như: “Đổi ca”, “Đón choòng”, “Đường lên mỏ”, “Cuộc đình công của thợ mỏ Cẩm Phả năm 1936”, “ Khai thác than”, “Chuyển than”, “Ca đêm”, “Nữ công nhân”, “Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai” v.v.
Trong khi đó, họa sĩ Phạm Phi Châu lại có những thể nghiệm nghiêng về lối vẽ kiểu trang trí. Tranh của ông thể hiện sự hài hòa giữa nhận thức và cảm thụ khoáng đạt thường để cho cảm xúc dẫn dắt nhiều nên có bút pháp phong phú, hình thức nghệ thuật không được định trước, đề cập đến nhiều khía cạnh của đời sống Vùng mỏ. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông là “Hai người thợ lò”, “Trong hầm lò” v.v. Còn ngược lại, họa sĩ Ngô Phương Cúc lại có lối vẽ tỷ mỉ trong diễn tả. Các hầm lò mỏ lộ thiên đều được vẽ đầy đủ chi tiết thậm chí có thể đếm được từng hòn đá từng vết xe. Bởi thế, ông hay tạo ra một không gian thực dựa trên các thủ pháp đắp, gắn, tỉa. Họa sĩ Ngô Phương Cúc gần như cả đời ông chỉ vẽ về mỏ Hà Tu với các bức tranh được đánh giá cao như: “Máng than Lộ Phong”, “Máy xúc 2 Hà Tu” và “Công trường than”…
Nhờ trưởng thành từ công nhân cầm cọ và lại vẽ về công nhân mỏ và đời sống thợ thuyền nên nhiều họa sĩ đã đoạt giải cao trong các triển lãm, cuộc thi như: Họa sĩ Nguyễn Hoàng công nhân mỏ Hà Lầm đạt giải Bạc trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980; họa sĩ Ngô Phương Cúc, công nhân mỏ Hà Tu đạt giải Khuyến khích năm 1980; họa sĩ Bùi Đình Lan, công nhân mỏ Đèo Nai đạt Huy chương Đồng triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1985; họa sĩ Lê Vân Hải, công nhân mỏ Đèo Nai đoạt Huy chương Đồng triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1985.
Lý giải cho hiện tượng trước đây có nhiều công nhân mỏ yêu cây cọ và mê sáng tác tranh, họa sĩ Lê Vân Hải cho rằng: “Họ là những người công nhân từ thực tế trưởng thành, yêu quý tầng than, hiểu rõ cái đẹp của khai thác than nên muốn phác họa tình yêu đó bằng hội họa. Thêm nữa, Quảng Ninh là nơi thực tế sáng tác của nhiều bậc thầy hội họa nên anh em được cọ xát và nét cọ của anh em cũng trưởng thành hơn”. Nhờ những đóng góp của những họa sĩ vốn là thợ mỏ mà mỹ thuật Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đóng góp dấu ấn cho mỹ thuật cả nước.
Trong dòng chảy của mỹ thuật Quảng Ninh hôm nay, bên cạnh những hoạ sĩ thành danh, đã thấy xuất hiện một lớp hoạ sĩ trẻ đang dần khẳng định mình. Đó là Lê Hoàng Nguyên, Lê Minh, Trần Tuấn Long, Lê Thanh Đức, Lê Quốc Huy, Vũ Nam Dương, Vũ Công Điền, Lê Minh Đức, Nguyễn Thị Thiền, Nguyễn Văn Chung, Đặng Quốc Hùng, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Văn Hiệp, Đào Thế Am, Vũ Văn Phong v.v. Nhiều người trong số họ dù không xuất thân từ thợ mỏ những đã có nhiều tranh đẹp về người thợ. Họa sĩ Phạm Mạnh Cường thể hiện được nhịp sống sôi động hối hả của vùng than, với bức tranh “Công trường than”, “Ngày đêm” và “Nhà sàng”, hay như họa sĩ Nguyễn Viết Quang với “Thợ mỏ xưa và nay” cùng với họa sĩ Phạm Duy Thanh có nhiều bức điêu khắc thợ mỏ bằng than đá, họa sĩ Hùng Cường với “Vùng mỏ”, “Nhà sàng” và “Băng chuyền” v.v.
Từ trước đến nay, ngành Than và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có ý thức tập hợp, lưu giữ những tác phẩm hội họa về thợ mỏ và Vùng mỏ. Tập hợp 98 tác phẩm mỹ thuật về Vùng mỏ và người thợ mỏ được sáng tác trong các giai đoạn, Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức triển lãm “Đến với những người thợ mỏ” để hướng tới kỉ niệm 80 năm ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ, truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016). Các tác phẩm cho thấy sự đổi thay và phát triển của Vùng mỏ qua nhiều giai đoạn, và hiện thực cuộc sống lao động sôi nổi của người thợ. Đáng chú ý là các bức tranh như: “Ngày mới” của họa sĩ Lê Đức Biết, “Thợ mỏ vào ca” của họa sĩ Đỗ Trung Kiên, “Mỏ than Cọc 6 ngày mới” của họa sĩ Đoàn Văn Thân, “Tàu vào ăn than” của họa sĩ Hà Khanh, “Bình minh trên đất mỏ” của họa sĩ Trần Đức Lợi, “Mùa xuân Vùng mỏ” của Vũ Văn Tâm, v.v.
Dù có vẽ bằng những bút pháp khác nhau, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng các tác phẩm đều có một điểm chung là chuyển tải đến người xem một tình yêu sâu nặng quê hương vùng than, thể hiện niềm tự hào niềm tin và cả sự lạc quan về cuộc sống của người thợ trong mọi khó khăn thử thách.
Tuy nhiên, sáng tác về đề tài người thợ mỏ và công nghiệp sản xuất than hiện nay dường như các cây cọ trẻ vẫn chưa theo kịp những thế hệ đi trước. Điều đó đã tạo ra một khoảng hẫng hụt rất cần các cây cọ trẻ nỗ lực khỏa lấp. Nói như họa sĩ Vũ Quý, Chi hội Trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ninh thì thế hệ tiếp theo rất cần phải trau dồi nhiều hơn nữa, để nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước. Đó cũng là những thách thức lớn của những người hoạt động nghệ thuật thế hệ trẻ. Còn họa sĩ Công Phú thì cho rằng, mỹ thuật tỉnh nhà vẫn sáng tác theo kiểu những năm 70 của thế kỷ trước, tác phẩm chỉ như những bài học khô cứng. Ta có cảm tưởng mỹ thuật Quảng Ninh vẫn cố níu kéo lại phong cách của thời kỳ vàng son xưa cũ. Theo họa sĩ Công Phú, mỹ thuật Quảng Ninh cần có những bước phát triển và đổi mới mạnh mẽ phù hợp với cuộc sống hiện đại.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vung-mo-nguoi-tho-mo-trong-my-thuat-quang-ninh-201609281630272694.htm” button=”Theo vinacomin”]