Đó là kết luận của Phó TGĐ Đặng Thanh Hải tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 vừa được Tập đoàn tổ chức vào trung tuần tháng 4 tại T.P Cảng Hải Phòng. Theo chỉ đạo của Phó TGĐ, các đơn vị phải thực hiện nghiêm chỉ thị 34 ngày 28/3/2013 của TGĐ và phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu cần quan tâm, triển khai thường xuyên liên tục nhằm thực hiện chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao của Tập đoàn.
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công nhân trong Tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định lực lượng sản xuất của Vinacomin. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một số vấn đề bất cập.
Với tinh thần trách nhiệm, tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 vừa qua, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những điểm hạn chế và cùng nhau thảo luận để từ đó tìm ra biện pháp khắc phục. Theo đánh giá chung, về công tác đào tạo trong các trường của Vinacomin vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ tay nghề, thời gian kéo dài, một số nội dung không thực sự cần thiết vẫn nằm trong chương trình giảng dạy. Về đội ngũ giáo viên, ngày càng ít giáo viên có trình độ cao, say mê nghề. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ thông qua các khóa học chuyên đề ngắn hạn đôi khi còn mang tính hình thức. Đặc biệt, công tác đào tạo lực lượng cán bộ trung cao cấp ở các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp hay chuyên gia công nghệ cao chưa được quan tâm nhiều kể cả ở cấp Tập đoàn cũng như tại các đơn vị trực thuộc. Lấy ví dụ, năm 2012, Tập đoàn có 8 suất học bổng tiến sỹ ở Nga nhưng sau gần một năm thông báo, hiện mới chỉ có 2 người đăng ký, chủ yếu là ở Viện KHCN mỏ và Công ty Tư vấn…, không thấy các mỏ tham gia…
Trong khi đó, theo Phó TGĐ Đặng Thanh Hải, hiện nay, khoa học công nghệ và đội ngũ công nhân tri thức đã và đang trở thành lực lượng sản xuất chính. Đó là xu thế chung của xã hội VN và của thế giới. Vì vậy, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-Vinacomin ngày 28/3/2013 về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCN trong toàn Tập đoàn với mục tiêu quyết tâm nâng cao chất lượng, hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những điểm mới trong công tác đào tạo năm 2013
Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác đạo tạo bồi dưỡng CBCN, Tập đoàn chỉ đạo cụ thể các đơn vị như sau. Thứ nhất, trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Trường Quản trị Kinh doanh cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng các khóa học, đồng thời hoàn thiện các giải pháp quản lý, đánh giá học viên sau mỗi khóa học. Đối với các đơn vị, việc cử cán bộ tham gia các lớp tu nghiệp cần có sự quan tâm, lựa chọn kỹ càng; cần có sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để kiểm soát, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không gây lãng phí. Thứ hai, với công tác đào tạo công nhân kỹ thuật, đặc biệt là đào tạo các nghề mỏ hầm lò, Tập đoàn yêu cầu Ban Lao động – Tiền lương (LĐTL) tiếp tục chỉ đạo các trường rà soát lại chương trình đào tạo, nhanh chóng khắc phục tình trạng nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.
Bắt đầu từ năm 2013, các trường đào tạo nghề trong Tập đoàn được phép đào tạo trình độ sơ cấp kỹ thuật các nghề khai thác, xây dựng mỏ hầm lò, tương đương bậc thợ 2/6 khi ra trường, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các mỏ. Tuy nhiên, Tập đoàn yêu cầu, số lượng đào tạo sơ cấp phải dựa trên nhu cầu lao động phục vụ, phụ trợ trong hầm lò của các đơn vị theo từng năm của từng đơn vị. Sau đó, Ban LĐTL sẽ rà soát, tổng hợp và giao kế hoạch đào tạo cho các trường. Đồng thời, khi số học viên này ra trường, các mỏ có trách nhiệm bố trí, sử dụng theo đúng quy phạm kỹ thuật, an toàn hiện hành. Trước mắt, Tập đoàn giao Trường Hồng Cẩm chủ trì cùng các trường khác xây dựng chương trình đạo tạo phù hợp, thời gian từ 9-12 tháng trình lãnh đạo Tập đoàn phê duyệt làm cơ sở thực hiện. Việc tuyển dụng các học sinh sơ cấp đào tạo từ hệ thống các trường khác ngoài Tập đoàn vào làm việc tại các mỏ chỉ thực hiện sau khi trải qua các kỳ thi sát hạch kỹ năng nghề tại Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia – Vinacomin.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Tập đoàn yêu cầu các trường có giải pháp thu hút, nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề như: cơ chế tiền lương, chính sách đãi ngộ phù hợp để khuyến khích động viên. Các trường cần tăng cường kết hợp với các mỏ để bố trí giáo viên xuống thực tế tại các đơn vị để nâng cao kinh nghiệm thực tiễn. Mỗi thầy cô giáo cần phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng bồi dưỡng, trau dồi thêm các tài liệu công nghệ mới, kỹ thuật mới, thiết bị mới để việc giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo như hợp tác với JOGMEX của Nhật Bản; MIBRAG của Đức và các nước Nga; Trung Quốc; Australia. Để đào tạo thạc sỹ; tiến sỹ; chuyên gia công nghệ cao…
Theo ông Trần Văn Cừ, Trưởng Ban LĐTL Tập đoàn, cơ chế chính sách và kính phí đào tạo từ năm 2013 cũng có nhiều thay đổi, nhất là sau khi Bộ Tài chính ban hành thông tư 206 về 5 quỹ tập trung trong đó có lĩnh vực đào tạo… Tuy vậy, lãnh đạo Tập đoàn cam kết sẽ cùng với các ban chuyên môn và các đơn vị cùng tháo gỡ vướng mắc một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn, các doanh nghiệp, Nhà trường cần tăng cường phối hợp với các ban chuyên môn và Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam tiến hành đổi mới công tác tuyên truyền nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh người công nhân mỏ, doanh nghiệp mỏ trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách tích cực, sinh động và có sức hút hơn. “Tập đoàn quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Tập đoàn trong tình hình mới” Phó TGĐ Tập đoàn khẳng định tại Hội nghị.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vinacomin-quyet-tam-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-5132.htm” button=”Theo vinacomin”]