Là đơn vị sản xuất cơ khí có quy mô lớn trong Tập đoàn TKV, quá trình 55 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin (VMIC) đã lập được nhiều thành tích. Đặc biệt trong những năm gần đây, với chủ trương nâng cao chất lượng công tác sửa chữa, đẩy mạnh cơ khí chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty liên tục tăng trưởng, đời sống của CNVC-LĐ được nâng cao, khẳng định vị thế và thương hiệu VMIC.
Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin được hợp nhất bởi 2 công ty (Cơ khí Cẩm Phả và Cơ khí Động lực Cẩm Phả), với lịch sử truyền thống là Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả thành lập ngày 01/8/1960 theo quyết định của Bộ Công nghiệp nặng và là tiền thân của Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin ngày nay.
Cơ khí Cẩm Phả đã có từ rất sớm dưới thời Pháp thuộc, lúc bấy giờ chỉ là một xưởng cơ khí nhỏ của Mỏ than Bắc kỳ. Trong quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng Khu Mỏ, những người thợ cơ khí Cẩm Phả năm xưa đã đi đầu trong các cuộc đình công, bãi công chống lại chủ mỏ thực dân Pháp đàn áp bóc lột, cùng với thợ mỏ Cẩm Phả làm nên thắng lợi của cuộc Tổng bãi công lịch sử ngày 12/11/1936. Sau ngày giải phóng Khu Mỏ năm 1955 vẫn là Xưởng cơ khí của mỏ Cẩm Phả chủ yếu sửa chữa các loại thiết bị phục vụ cho các mỏ khai thác than.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thế hệ cán bộ, công nhân Cơ khí Cẩm Phả đã nối tiếp nhau lập nên nhiều thành tích rất đáng tự hào vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1964 đến 1972, miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nhà máy trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, những người thợ cơ khí đã hăng hái thi đua lao động sản xuất phục vụ kịp thời cho sản xuất than; lực lượng tự vệ Nhà máy đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ Vùng Mỏ, bảo vệ Nhà máy. Ngay trong những năm tháng khó khăn nhất, năm 1969, Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và được chọn là đơn vị nhận Cờ thưởng thi đua của Bác Hồ giành cho Ngành Than. Cũng từ năm đó, cứ vào dịp 19/5, Nhà máy lại phát động phong trào thi đua lập công dâng Bác và đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích cao được khen thưởng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, xoá bỏ cơ chế bao cấp, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, cũng như bao doanh nghiệp cơ khí khác trong cả nước, hoạt động SXKD của Công ty trong từng giai đoạn có những bước thăng trầm, sản xuất bị đình đốn, không có đủ việc làm, thu nhập thấp, đời sống cán bộ, công nhân gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị đóng cửa. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chủ trương chính sách của Nhà nước, sự giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, sự lãnh đạo điều hành của Tổng Công ty Than Việt Nam, sự hợp tác của các đối tác, bạn hàng và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết thống nhất, ý chí vượt khó vươn lên của các thế hệ cán bộ CNVC, Công ty đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phát triển. Các thế hệ cán bộ, công nhân VMIC luôn tự hào với truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và phát triển của Công ty; cùng đồng hành với sự phát triển lớn mạnh của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
Bước phát triển mới
Năm 2003, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam) Công ty đã được đầu tư để tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ sửa chữa lớn các loại xe vận tải mỏ và thực hiện đầu tư mới dự án “Sản xuất, lắp ráp xe tải nặng và xe chuyên dùng” nhằm mục tiêu mở rộng lĩnh vực sản xuất của Công ty. “Dự án sản xuất lắp ráp xe tải nặng và xe chuyên dùng” được thực hiện trên cơ sở vật chất kỹ thuật có sẵn của Nhà máy Cơ khí Động lực Cẩm Phả do Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng và đầu tư mới thêm các trang thiết bị chuyên dùng. Tính từ tháng 6/2003 đến năm 2010, Công ty đã sản xuất, lắp ráp và cung cấp cho thị trường trong nước được trên 3.000 xe ôtô tải KrAZ, Kamaz, Scania và xe chuyên dùng các loại; sửa chữa lớn hàng nghìn xe ôtô tải siêu nặng hiện đại các loại như CAT, HD, KOMATSU, BELAZ, VOLVO, HM, các loại máy xúc, máy gạt, chế tạo và phục hồi mỗi năm hàng nghìn tấn thiết bị phụ tùng phục vụ cho Ngành Than.
Một góc phân xưởng sản xuất của VMIC
Từ tháng 2/2008, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin, đánh dấu bước phát triển mới của Công ty, đồng thời đây cũng là giai đoạn khó khăn đối với các hoạt động SXKD của Công ty do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Lãnh đạo Công ty đã có nhiều giải pháp, điều hành hiệu quả, tích cực đổi mới, năng động sáng tạo, cùng với sự nỗ lực của CNVC-LĐ, vượt qua khó khăn, thực hiện hoàn thành và vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao, đảm bảo các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Đặc biệt trong 5 năm 2010 – 2014, sản xuất liên tục tăng trưởng; năm 2010, doanh thu đạt 238 tỷ đồng thì đến năm 2014 đạt 355 tỷ đồng, tăng gần 50%; thu nhập bình quân năm 2010 là 3,8 triệu đồng/người/tháng đến năm 2014 đạt 6,9 đồng/người/tháng, tăng 81,5% và 6 tháng đầu năm 2015 đạt bình quân trên 7 đồng/người/tháng. Năm 2015, Công ty phấn đấu đạt doanh thu trên 360 tỷ đồng.
Công ty đón nhận Cờ Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2014 của Bộ Công thương
Đồng chí Phạm Xuân Phi, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cho biết: “Cùng với việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại như các loại máy gia công cơ khí CNC, máy hàn tự động, hệ thống mạ crôm…, nhằm nâng cao chất lượng công tác sửa chữa, phục hồi phụ tùng ôtô, thiết bị máy mỏ, Công ty tích cực nghiên cứu thị trường, đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động, đẩy mạnh chế tạo các sản phẩm cơ khí mới đạt chất lượng và giá thành giảm so với sản phẩm cùng loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, Công ty đã cung cấp các phụ kiện hệ thống monoray dùng trong hầm lò, các loại ống thủy lực mềm cao áp, con lăn băng tải cho các đơn vị trong TKV; cung cấp nước làm mát động cơ thay thế nhập khẩu có giá giảm từ 5-10% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường…”.
Cùng với đó, Công ty đã chú trọng sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản lao động quản lý và phụ trợ, tăng cường công tác quản lý, quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả SXKD. Đồng thời, tích cực chăm lo bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất trong giai đoạn phát triển mới. Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đã luôn phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và các đoàn thể, phát huy dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận của CNVC-LĐ. Nhờ đó, Đảng bộ Công ty luôn đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh, trong đó 3 năm liền từ 2012 đến năm 2014 được Đảng bộ Than Quảng Ninh công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu; Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội CCB Công ty luôn đạt danh hiệu vững mạnh và vững mạnh xuất sắc.
Với những thành tích xuất sắc đạt được trong sản xuất và chiến đấu, Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. Đặc biệt, năm 2005 Công ty được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”. Và đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, tập thể công nhân, cán bộ Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin và cá nhân đồng chí Phạm Xuân Phi – Giám đốc Công ty vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phát huy truyền thống anh hùng và các thành tích đạt được, Công ty tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh chế tạo các sản phẩm cơ khí, đáp ứng nhu cầu thị trường trong TKV, tiến tới mở rộng ra thị trường bên ngoài, khẳng định thương hiệu VMIC trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ của Tập đoàn.
[odex-source url=”http://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vi-the-thuong-hieu-vmic-10751.htm” button=”Theo vinacomin”]