Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), tiền thân là Tổng Công ty than Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển gần 180 năm. TKV được biết đến với biểu tượng giai cấp công nhân mỏ Việt Nam anh hùng, bất khuất, là lực lượng tiên phong trong lao động sản xuất và kháng chiến cứu nước nhưng cũng đầy năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thợ mỏ Thống Nhất với gương than (Ảnh Mạnh Hùng)
Công nghiệp Than: Là lĩnh vực trụ cột, tạo động lực phát triển bền vững cho TKV, đồng thời, góp phần tích cực và hiệu quả vào việc đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia; công tác khảo sát, thăm dò, đầu tư xây dựng, khai thác, sàng tuyển, chế biến, vận tải, xuất nhập khẩu than được TKV triển khai mạnh mẽ tại các vùng nguyên liệu có trữ lượng lớn nhất cả nước như bể than Antraxit Quảng Ninh, bể than Đồng bằng sông Hồng, các mỏ than nội địa và than bùn theo Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ than trong nước và một phần cho xuất khẩu. Hiện nay, TKV đang mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới để nghiên cứu, đổi mới trang thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than, đồng thời có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác hoàn nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quản trị tài nguyên, quản lý rủi ro trong khai thác than.
Công nghiệp Khoáng sản – Luyện kim: Đảm nhận nhiệm vụ khảo sát, thăm dò, đầu tư, xây dựng, khai thác, vận tải, sàng tuyển, làm giàu quặng, luyện kim, gia công, chế tác, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm khoáng sản, TKV đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư khai thác và chế biến một cách có hệ thống các sản phẩm chủ lực như: Đồng tấm và các loại tinh quặng đồng, thiếc thỏi, thiếc hàn, kẽm thỏi, antimon thỏi, crômit, vônframit, Ilmenit, quặng sắt manhetit, gang đúc… đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, TKV đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng một số lĩnh vực khai thác khoáng sản – luyện kim mới như khai thác bauxite – sản xuất alumin, điện phân nhôm, khai thác – chế biến titan…, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn các dự án nói riêng và cả nước nói chung.
Công nghiệp Điện: Đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy điện là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng cao để phát triển kinh tế, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Chính phủ giao phó. Đây là một trong 4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của TKV. Hiện TKV đang vận hành 5 nhà máy nhiệt điện với sản lượng điện năm 2014 là 8,5 tỷ Kwh.
Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả (Ảnh CTV)
Theo quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TKV đang triển khai xây dựng các dự án mới với công nghệ hiện đại, sử dụng than nhiệt năng thấp nhằm tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị hòn than. Phấn đấu đến năm 2025, tổng nguồn điện do Tập đoàn sản xuất sẽ đạt khoảng 5.900MW, chiếm khoảng 6,2% tổng công suất lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Công nghiệp Hóa chất mỏ – Vật liệu nổ công nghiệp: Là một trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn TKV: với nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, phối chế – thử nghiệm, bảo quản, dự trữ quốc gia về vật liệu nổ công nghiệp, xuất nhập khẩu thuốc nổ, nguyên liệu, hoá chất để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp. Từ chỗ phải đi nhập nhiều loại vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất, phụ thuộc vào thời gian và chất lượng sản phẩm bên ngoài, đến nay, TKV đã hoàn toàn chủ động trong sản xuất các sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp chính như nhũ tương nền, nhũ tương hầm lò, nhũ tương rời, thuốc nổ an toàn hầm lò, thuốc nổ nhũ tương lò than, lò đá, thuốc nổ Anfor chịu nước, cũng như sản xuất và cung cấp tiền chất thuốc nổ Nitrat Amon… Không những thế, TKV còn triển khai cung cấp dịch vụ nổ mìn hoàn chỉnh, hiện đại, đảm bảo an toàn, tiện dụng, hiệu quả cao không những phục vụ sản xuất của Tập đoàn mà còn vươn ra phục vụ thị trường ngoài ngành như công nghiệp sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thi công các công trình công nghiệp, giao thông…
Trong chiến lược của mình, TKV luôn quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu xây dựng đội ngũ có trình độ tay nghề và kỹ năng tốt, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về quản lý, hiểu biết ngoại ngữ đáp ứng được nhu cầu phát triển của Tập đoàn trong những năm tới. Công tác đào tạo được tiến hành đồng bộ, liên tục từ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ khoa học công nghệ, kỹ sư đến công nhân kỹ thuật cho các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt là việc chăm lo phát triển đội ngũ thợ lò của Tập đoàn nhằm đáp ứng mục tiêu hiện đại, chuyên nghiệp trên nền tảng văn hóa Tập đoàn TKV là “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Trong tương lai rất gần, hoạt động khai thác than của ngành Than Việt Nam sẽ chủ yếu chuyển sang khai thác hầm lò. Tỷ lệ than khai thác than hầm lò trước đây chỉ khoảng 30%, nay đã tăng lên 51% vào năm 2014 và đến năm 2020 sẽ là 65%. Cùng với công tác chuẩn bị nguồn tài nguyên, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực đặc biệt là đội ngũ thợ lò là nhiệm vụ rất quan trọng, có yếu tố quyết định đến sự thành công của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, bởi đây là 2 yếu tố chính của phương châm “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”.
Là một ngành công nghiệp đặc thù, công việc của những người thợ mỏ gian lao, vất vả, phải đương đầu với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng đầy vinh quang vì chính họ là lực lượng nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia những năm tới đây.
Trong những năm qua, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã đặc biệt quan tâm đến chăm lo phát triển đội ngũ thợ lò. Nhiều giải pháp về tiền lương, thu nhập, phúc lợi, chế độ chính sách, điều kiện làm việc… được thực hiện để thu hút học sinh theo học nghề mỏ hầm lò cũng như giữ chân thợ lò yên tâm gắn bó với nghề nghiệp. Nếu như trước đây, thợ lò phải làm việc trong điều kiện công nghệ khai thác lạc hậu, chủ yếu là chống lò bằng gỗ, phải đi bộ đường dốc khi làm việc trong lò, phải tự túc phương tiện từ nhà đến nơi làm việc hoặc phải đứng trên những chiếc xe chở người cải hoán từ xe tải (mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng), tan ca phải tự giặt giũ quần áo bảo hộ lao động, tự đun nước nóng để tắm, việc ăn uống bồi dưỡng trong và sau ca làm việc còn chưa được quan tâm… thì ngày nay, điều kiện làm việc, sinh hoạt của thợ lò đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Thợ lò ngày nay được bố trí xe ca ghế đệm, có máy lạnh, có video để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Ở trong lò, nhiều đơn vị đã đầu tư phương tiện hỗ trợ đi lại như xe song loan, monoray, tời hỗ trợ… để thợ lò giảm bớt hao phí sức lực do phải đi bộ đường dốc trong lò. Trước đây lò chống hoàn toàn bằng gỗ thì nay chống chủ yếu bằng cột thủy lực, giá thủy lực, có nơi khai thác bằng máy khấu liên hợp để giảm vất vả và tăng độ an toàn cho thợ lò. Sau ca làm việc thợ lò được tắm nước nóng, được giặt quần áo bảo hộ lao động và ủng; được ăn định lượng là chế độ bồi dưỡng đặc thù chỉ áp dụng cho một số ngành nghề đặc biệt. Thợ lò được khám sức khỏe 2 kỳ/năm, được kiểm tra và trong trường hợp cần thiết thì được rửa bụi phổi tại Bệnh viện ngành Than (khoảng 300 – 400 người/năm), những thợ lò yếu sức khỏe được đi nghỉ dưỡng sức tại các cơ sở điều dưỡng của Tập đoàn. Thu nhập của thợ lò được tăng đáng kể trong những năm qua. Bình quân thợ lò đạt 14 triệu đồng/người/tháng, có nơi thợ lò vượt năng suất đạt trên 20 triệu đồng/người/tháng. Các mỏ đã quan tâm đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà ở tập thể cho thợ lò độc thân hoặc xa gia đình. Về đời sống tinh thần, thợ lò là lao động giỏi, thợ lò xuất sắc trong các kỳ thi chọn thợ giỏi, thợ lò đạt năng suất kỷ lục cấp Tập đoàn được quan tâm khen thưởng, được đi thăm quan, khảo sát, học tập ở nước ngoài. Nhiều đơn vị hàng năm đều tổ chức gặp mặt vợ thợ lò tiêu biểu để động viên, khích lệ vợ thợ lò chăm lo gia đình để chồng yên tâm công tác. Những thợ lò xuất sắc được hỗ trợ kinh phí để tổ chức đi nghỉ mát cùng gia đình. Học sinh thợ lò được cấp 100% học phí, tiền ăn, chỗ ở tại ký túc xá và sau khi ra trường được đi làm ngay tại các Công ty sản xuất than trong Tập đoàn. Hiện nay, Tập đoàn đang thực hiện thí điểm tại một số Công ty khai thác hầm lò mô hình tạo điều kiện cho thợ lò ở xa được về quê từ 3 – 5 ngày/tháng được đơn vị hỗ trợ tiền tàu xe để tạo điều kiện cho thợ lò được gần gũi với gia đình.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp than trong giai đoạn hiện nay, bình quân mỗi năm TKV cần tuyển thêm khoảng 8.000 thợ lò để bổ sung nhân lực do tăng sản lượng than khai thác và để bù đắp, thay thế cho những người nghỉ hưu, chuyển việc khác. Nhu cầu này có thể đáp ứng giải quyết công ăn việc làm ổn định với thu nhập khá cao cho một lượng lớn lao động trên địa bàn các tỉnh phía Bắc nước ta, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Thợ mỏ ngày càng đóng góp nhiều hơn để “khơi nguồn suối than cho Tổ quốc mạnh giàu”, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như Bác Hồ đã nói “…Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc…”, “Làm than cũng như quân đội đánh giặc…” gian khổ nhưng cũng thật vinh quang!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vi-su-nghiep-an-ninh-nang-luong-quoc-gia-va-phat-trien-ben-vung-nganh-than-khoang-san-201512111420100197.htm” button=”Theo vinacomin”]