Mỗi lần về với di tích địa điểm khai thác than đầu tiên (Miếu mỏ) dường như những người thợ mỏ luôn có cảm giác được trở về với cội nguồn, về với “Địa chỉ Đỏ” tâm linh đầy ý nghĩa. Đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ, dự án bảo quản, tu bổ khu di tích lịch sử này giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10/2016 – chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công nhân vùng Mỏ – truyền thống ngành Than 12/11.
Theo chân đồng chí Đỗ Văn Trường – Giám đốc Xí nghiệp Địa chất Đông Triều – đơn vị đứng chân ngay tại khu vực có di tích Miếu mỏ được giao trách nhiệm trông nom, tạo điều kiện phát huy giá trị di tích, chúng tôi được đi thăm quan một vòng để nắm bắt tiến độ Dự án “Bảo quản, tu bổ khu di tích lịch sử, địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam (Miếu mỏ) tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (Giai đoạn 1)” đang tích cực được triển khai với những nỗ lực cao nhất.
Tổng mức đầu tư của Dự án giai đoạn 1 là 39.904.445.000 đồng, bao gồm các khu: Khu Đại hoàng đế chỉ dụ và khuôn viên; Khu Tháp Thạch trụ và khuôn viên; Khu Đền Thượng (gồm Đền chính, Nhà tả vu, hữu vu, Cổng Tam quan nội; Nghi môn, Am hóa vàng, Bình phong, Lư hương, Khuôn viên sân vườn và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác)…
Qua trao đổi, được biết, đến thời điểm hiện nay, Nhà thầu thi công là Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại (trực thuộc Tổng Công ty Đông Bắc) đang khẩn trương hoàn thiện Đền chính và một số hạng mục khác của khu vực Đền Thượng. Tính đến hết ngày 31/7/2016, khối lượng thi công đã đạt 65% và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10/2016 – điểm nhấn để chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than theo chủ trương của Tập đoàn.
Được TKV giao làm chủ đầu tư Dự án, Công ty CP Địa chất Mỏ luôn ý thức rất rõ việc đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ khu di tích này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt – là mong mỏi nhiều năm nay của toàn ngành Than cũng như tỉnh Quảng Ninh. Do đó, dù trong quá trình triển khai có những khó khăn nhất định nhưng Công ty đã rất nỗ lực trong việc phối hợp với địa phương, Công ty TNHH MTV 397 và các tổ chức khác trong việc giải phóng mặt bằng, hoàn nguyên, cải tạo cảnh quan. Đồng thời, để thiết thực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo riêng để kiểm tra, đôn đốc; thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ, chất lượng; giải quyết và báo cáo đề xuất phương án giải quyết với Tập đoàn, góp phần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Có thể nói, mục tiêu xuyên suốt nhất của Dự án chính là nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử của Ngành khai thác Than Việt Nam thành “địa chỉ Đỏ” phục vụ sinh hoạt văn hoá tinh thần, qua đó khơi dậy và giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ công nhân viên lao động toàn Ngành. Đồng thời cũng là để ghi ơn và tôn vinh công lao của vị vua Minh Mạng – Người có công khai sáng Ngành khai thác than ở Việt Nam cùng với những thế hệ người lao động đầu tiên trong Ngành, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, tạo động lực tinh thần quan trọng cho giai cấp công nhân mỏ và CBCNV – LĐ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững với những chiến lược lâu dài của mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ve-mieu-mo-ve-coi-nguon-201608291215394271.htm” button=”Theo vinacomin”]