Có người cho rằng, nghề thợ lò vất vả, mất sức… đến lúc nghỉ hưu chả làm được gì. Đó là một quan niệm có phần phiến diện. Bởi trái lại, với việc được nghỉ hưu sớm hơn các nghề khác, nhiều thợ lò nghỉ hưu vẫn kiếm tiền khá giỏi vì sự chịu khó, cần cù đã được tôi luyện trong nghề của mình…
Ra đất mỏ học nghề lò và vào mỏ làm việc từ năm 1986 tại mỏ than Mông Dương – Khe Chàm, khi đó Nguyễn Xuân Phi mới 17 tuổi. Đến năm 2016, sau 30 năm liên tục làm việc trong lò, thợ lò bậc 6/6 Nguyễn Xuân Phi được về hưu ở tuổi 47. Ở cái tuổi này mà đã cầm quyển sổ hưu trong tay với mỗi tháng được lĩnh khoảng gần 4 triệu đồng, với không ít người, đó là mơ ước. Hai cậu con trai đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Có người bảo, gia đình, nhà cửa, con cái như vậy, lại có lương rồi, cứ… ăn chơi cho sướng.
Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Phi đã không chịu một ngày ngồi yên. Ngay tuần đầu tiên được nghỉ hưu, về chơi với ông bà, bố mẹ được vài ngày, Nguyễn Xuân Phi đã mang về nào là máy bơm, máy nén khí… để rửa xe. Lúc đầu, cũng lác đác vài người trong xóm rửa xe máy. Sau cứ đông dần, rồi anh phải rửa cả ô tô do điều kiện vị trí khá thuận lợi. Bước sang năm thứ hai của cuộc đời nghỉ hưu, cũng là lúc quán rửa xe của anh trở nên thân thuộc với nhiều người trên khu mỏ. Nhiều người qua lại vào rửa xe, uống chén nước nụ vối rồi chuyện trò vui vẻ. Có người nhà ở gần, đi làm về để cả xe ở lại cho anh rửa, hôm sau mới lấy xe đi làm, bởi họ luôn tin tưởng vào tính cẩn trọng của anh.
Những giờ cao điểm, quán rửa xe của cựu thợ lò Nguyễn Xuân Phi luôn đông đúc. Ai cũng bảo anh thuê thêm người làm, nhưng Nguyễn Xuân Phi tâm niệm, anh sẽ nỗ lực hơn vào giờ cao điểm. Anh bảo, làm công việc rửa xe không thấm tháp gì so với cường độ làm việc của thợ lò. Ngoài giờ cao điểm, vẫn có thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi. “Nghỉ hưu rồi nhưng vẫn “chạy tốt”… – Nguyễn Xuân Phi cười vui vẻ.
Càng làm, càng say, cứ túc tắc như vậy nhưng anh kiếm thêm cũng không ít tiền. Nguyễn Xuân Phi cho rằng, do đặc điểm của nghề nghiệp nên bảo hiểm xã hội cho nghỉ hưu sớm, chứ các nghề khác không ai được nghỉ sớm như vậy. Thực tế, vẫn có nhiều bạn trẻ e ngại là làm thợ lò lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khi về nghỉ hưu sẽ yếu. Nhưng đó là một quan niệm có phần phiến diện. “Như tôi đây, đã làm 30 năm trong lò với đủ các công việc từ vác gỗ, xúc than đến chống chèn, khấu than hay vận chuyển thiết bị… nhưng hiện tại sức khỏe tôi vẫn tốt và có thể làm nhiều việc khác nữa. Điều quan trọng trong quá trình làm việc phải biết điều tiết sức khỏe, phải luôn tâm niệm là vừa làm vừa giữ sức để làm việc lâu dài. Hôm nay thấy mình làm việc chưa khoa học, còn làm quá sức, hay làm việc chưa đảm bảo an toàn… thì mai phải điều chỉnh, nếu không sẽ khó có thể bám trụ lâu dài…” – Nguyễn Xuân Phi tâm sự.
Bảo hiểm xã hội luôn nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề, phù hợp với tuổi tác và các xu thế chung của toàn xã hội. Nó là công cụ để “bù trừ”, điều tiết các quan hệ xã hội, làm cho xã hội ổn định hơn. Người lao động làm việc trong điều kiện khó khăn hơn, vất vả hơn sẽ được nghỉ sớm hơn. Đây cũng là điều mà các bạn trẻ nên tìm hiểu để sẵn sàng bước vào nghề mỏ một cách tự tin nhất và gắn bó lâu dài với nghề.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ve-huu-van-chay-tot-201711201033093252.htm” button=”Theo vinacomin”]