Văn hóa của Thợ mỏ, ngành Than nói riêng và Vùng mỏ nói chung có nhiều nét đặc biệt. Đó là sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu và thường rất nổi bật. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, sự phong phú, đa dạng của văn hóa Vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau.
Ai cũng biết, Thợ mỏ, Ngành mỏ nói riêng và Quảng Ninh nói chung có những nét văn hóa rất riêng. Ít nơi được người ta nói đến từ Vùng Than, Vùng mỏ với sự nhìn nhận khác biệt. Ngay cả những danh hiệu như “Nghệ sỹ Vùng mỏ”, “Thợ mỏ vẻ vang”… cũng rất đặc biệt mà chẳng nơi nào, ngành nào có được. Những đặc trưng của văn hóa Vùng mỏ, Thợ mỏ đã luôn là đề tài bất tận của các văn nghệ sỹ như nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà điêu khắc, nghệ sỹ nhiếp ảnh… với nhiều đề tài phong phú, để lại những tác phẩm, vật phẩm có giá trị. Vậy những nét văn hóa ấy bắt nguồn từ đâu? Và nó được phát triển như thế nào? Đó cũng là những câu hỏi mà những nhà nghiên cứu đang dày công tìm kiếm.
Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” ra đời như thế nào?
Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là nét văn hóa đặc trưng nhất của giai cấp công nhân Vùng mỏ. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực quan trọng giúp giai cấp công nhân Vùng mỏ vượt lên trong đấu tranh cách mạng giải phóng khu mỏ cũng như đưa ngành Than phát triển mạnh mẽ qua nhiều giai đoạn cho đến ngày nay. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” ra đời từ rất sớm, trước cách mạng, trước khi có Đảng, từ những ngày đất nước còn chìm trong nô lệ, thực dân. Những người làm mỏ chủ yếu là những người nông dân từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng ra Vùng Than làm nghề mỏ kiếm sống.
“Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ
Mẹ chạy vào đất đỏ làm phu
Bán thân đổi mấy đồng xu
Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng…”
Cuộc sống nô lệ, lầm than, khổ cực nơi đất mỏ thời kỳ Pháp thuộc của những người phu mỏ dường như là một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Thời kỳ đó, ở các vùng nông thôn Việt Nam, sự nghèo đói gần như đồng nghĩa với cái chết. Và cuộc ra đi của những người phu mỏ như một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm: Đi hay là chết! Nhưng dù sao đi chăng nữa, sự lựa chọn của họ trong điều kiện đó đã thể hiện là những con người đầy mạnh mẽ, dám bứt phá, hơn hẳn những người bám trụ tại các vùng nông thôn, đồng bằng. Trong cuộc phiêu lưu đó, những người phu mỏ đã vừa kiếm miếng cơm, manh áo và sát cánh bên nhau cùng chung sống. Trong các tác phẩm “Vùng mỏ”, “Chiếc cán búa”, Nhà văn Võ Huy Tâm đã ghi lại rất hiện thực cuộc sống làm việc và đấu tranh đòi quyền sống, quyền lợi của những người thợ trong giai đoạn thuộc Pháp. Những năm chưa có Đảng soi đường, mặc dù các cuộc đấu tranh đó đa phần còn chìm trong biển máu, thất bại, nhưng nó đã tôi luyện cho những người Thợ mỏ một ý chí sắt đá, tinh thần đấu tranh kiên cường, dám hy sinh cho đồng đội vì những mục tiêu lớn. Đây chính là giai đoạn mà truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được hình thành. Những người thợ đã luôn sát cánh bên nhau, đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi từ miếng cơm, manh áo để vừa làm việc, tồn tại, vừa đấu tranh chống lại sự hà khắc của chế độ thực dân.
Sau khi Đảng được thành lập, Vùng mỏ là nơi đầu tiên những chiến sỹ cách mạng của Đảng đến vô sản hóa, tuyên truyền con đường đấu tranh giành độc lập. Giai cấp công nhân Vùng mỏ như được thổi một luồng khí, bùng lên ngọn lửa đấu tranh như vũ bão. Giai đoạn này, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của thợ mỏ được phát triển mạnh mẽ nhất. Các cuộc đình công của hàng vạn thợ mỏ rộng khắp trên Vùng mỏ được tổ chức bài bản hơn mà đỉnh cao là cuộc tổng bãi công vào 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ tại Cẩm Phả với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng”. Trên thực tế, sau đó thực dân Pháp đã phải nhượng bộ, tăng tiền công, giảm giờ làm. Sau này, trong mọi giai đoạn phát triển của ngành Than cho đến ngày nay, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã luôn là động lực quan trọng giúp ngành Than vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, vươn lên, sản xuất thật nhiều than cho tổ quốc.
Văn hóa Vùng mỏ – Sự giao thoa kỳ diệu
Văn hóa của Thợ mỏ, ngành Than nói riêng và Vùng mỏ nói chung có nhiều nét đặc biệt. Đó là sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu và thường rất nổi bật. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, sự phong phú, đa dạng của văn hóa Vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau.
Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc. Với đội ngũ công nhân lớn mạnh lên đến hàng chục vạn người, các thế hệ thợ mỏ đã nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp trên Vùng mỏ. Nhiều nơi lập thành những làng mỏ, những khu tập thể công nhân đông đúc. Theo thống kê, dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có ảnh hưởng bởi ngành Than là những Thợ mỏ và gia đình, người thân của Thợ mỏ chiếm tới trên 1/3 dân số toàn tỉnh. Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa, có được những nét văn hóa Vùng mỏ rất riêng. Chính vì vậy, đến đây, bạn dễ nhận thấy những phố phường đông đúc, sầm uất. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố, thị xã nhất trong cả nước với 4 thành phố thuộc tỉnh và nhiều thị xã, thị trấn. Tuy nhiên, ẩn sau những thành phố sôi động lại có những làng mỏ, khu dân cư tĩnh mịch nấp sau những ngọn đồi, con suối. Cách nhau chỉ vài bước chân, nhưng phong cách sống và nhiều nét văn hóa lại khác nhau rất nhiều. Thợ mỏ thì ca kíp, đi đêm về hôm. Người buôn bán, làm nghề thì ồn ào mỗi sáng…
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tập đoàn tham dự triển lãm ảnh nghệ thuật “Khoảnh khắc Vùng Than” của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Mạnh Hùng
Sự giao thoa của nhiều nét văn hóa từ các vùng miền khác nhau của thợ mỏ thể hiện rõ nhất qua các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng hay các kỳ đại hội thể thao của ngành Than. Hàng năm, các kỳ hội diễn mang đến những tiết mục văn nghệ tài ba của những người thợ. Nhiều nhạc sỹ của Hội nhạc sỹ Việt Nam tham dự Ban giám khảo hội diễn phải thốt lên: “Các tiết mục đều biểu diễn như chuyên nghiệp”. Và danh hiệu “Nghệ sỹ Vùng mỏ” cũng là danh hiệu duy nhất của cả nước nhằm tôn vinh những người Thợ mỏ hát hay, đàn giỏi. Vùng mỏ là nơi sản sinh ra nhiều nghệ sỹ, ca sỹ tài ba, nhiều nhà văn, nhà thơ với những tác phẩm để đời…
Người lao động tham gia Hội khỏe tại Công ty Cổ phần Vật tư – TKV
Những người Thợ mỏ hay giai cấp công nhân Vùng mỏ chủ yếu được tri thức hóa từ giai cấp nông dân trên các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Ngày nay còn có nhiều người đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện qua môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, đã từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả, làm giàu cho bản thân và xã hội, trở thành giai cấp tiên phong của Đảng. Sự hội tụ của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên Vùng mỏ đã thực sự mang lại những nét văn hóa đặc sắc của Thợ mỏ, ngành Than và Vùng mỏ…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/van-hoa-vung-mo-su-giao-thoa-ky-dieu-201901311004210146.htm” button=”Theo vinacomin”]