Nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, thị trường tiêu thụ hàng hóa và nguyên nhiên liệu thô biến động khó lường, đặc biệt là dự báo về cầu của kinh tế toàn cầu bị chi phối bởi các yếu tố địa chính trị; hoạt động chế biến và kinh doanh than trên thị trường bị cạnh tranh rất gay gắt; thị trường tiêu thụ nguồn than ngoài TKV ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng; sự chênh lệch giá bán than lớn là điều kiện tất yếu thúc đẩy sự xuất hiện thị trường than nhập khẩu từ nước ngoài có giá rẻ, nhập khẩu về thị trường Việt Nam… là những khó khăn hiện hữu với bất cứ doanh nghiệp kinh doanh than nào, đặc biệt là những người kinh doanh than phương Nam.
Tuy nhiên, để không bị nhấn chìm giữa muôn trùng khó khăn đó, không có cách nào khác là vươn lên bằng chính nội lực. Xác định rõ đâu là điểm mạnh của mình, những người làm than nơi đây đã từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm cho mình hướng đi riêng.
“Là “con” của TKV, lại có bề dày kinh nghiệm trong công tác chế biến, pha trộn than nên chúng tôi ưu tiên tập trung cho công tác này”, ông Vĩnh Như – Giám đốc Công ty CP than miền Nam – chia sẻ.
Thực tế, mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 của Công ty là nhập khẩu than, phối trộn với than của TKV để đưa ra tiêu thụ trên thị trường, dần thay thế các chủng loại than mà Tập đoàn sẽ thiếu hụt trong thời gian tới, hướng đến đối tượng khách hàng là các hộ dùng than của công ty và các nhà máy nhiệt điện; bởi vậy, Công ty đã từng bước đa dạng hóa, đẩy mạnh khâu chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tập trung nghiên cứu các phương án chế biến pha trộn than từ nguồn than anthracite nhập khẩu (than từ Nga, Úc) với các chủng loại than của TKV để tạo ra chủng loại than phù hợp với thị trường, tận dụng cơ hội giá than rẻ trên thế giới, kết hợp lợi thế về quy mô của Tập đoàn để cạnh tranh giữ thị trường khu vực phía Nam.
Song song đó, Công ty cũng đã chủ động nghiên cứu và đề xuất với Tập đoàn tìm kiếm các nguồn than nhập khẩu phù hợp để xây dựng phương án chế biến, pha trộn than đạt hiệu quả cao, giao cho các nhà máy nhiệt điện do TKV ký hợp đồng và các nhà máy xi măng trên địa bàn được Tập đoàn phân công.
Ngay đầu năm, Công ty đã tập trung hoàn thiện hệ thống kho bãi tại cảng Thị Vải – Phú Mỹ, đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận tàu than nhập khẩu để chế biến pha trộn với than TKV giao than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải và bán ra thị trường nhiều chủng loại than mà khách hàng cần mà giá cả cạnh tranh để lấy lại thị phần đã mất. Cuối quý I, đầu quý II/2016, Công ty đã nhập khẩu 24.000 tấn than anthracite từ Nga để pha trộn chế biến thành than cám 6a.1 và các chủng loại than khác theo phương án đã được TKV phê duyệt để giao cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải và cung cấp cho các hộ sử dụng khác.
“Đồng thời, chúng tôi đang nghiên cứu kỹ khách hàng dùng than bitum từ Indonesia để nhập khẩu và tiêu thụ, tăng thêm thị phần của Công ty tại thị trường”, ông Vĩnh Như cho biết.
Theo tìm hiểu, than thành phẩm sau pha trộn, chế biến của Công ty đã cơ bản đáp ứng đúng các tiêu chuẩn về đo lường chất lượng. Ghi nhận phản hồi của khách hàng cũng cho thấy, hầu hết khách hàng đều hài lòng với chất lượng than. Hiệu quả kinh tế của công tác chế biến, pha trộn than nhập khẩu bước đầu cũng đã được khẳng định. Kết thúc quý II, Công ty đã bán được 403.000 tấn than, doanh thu 1.025.026 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động gần 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Sáu tháng cuối năm, xác định công tác pha trộn, chế biến than vẫn hết sức quan trọng nhằm tăng nguồn cung ứng than anthracite, tăng hiệu quả SXKD, Công ty vẫn dồn toàn tâm, toàn lực cho công tác này, coi đây là kim chỉ nam cho hướng phát triển của đơn vị. Phương châm “Bám sát thị trường, hướng tới khách hàng” với mục tiêu lớn nhất là ngày càng khẳng định và làm lan toả hơn nữa thương hiệu hòn than TKV nơi phương Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/uu-tien-tap-trung-cho-cong-tac-che-bien-pha-tron-than-201608291159302816.htm” button=”Theo vinacomin”]