Trong điều kiện khó khăn về tiêu thụ than hiện nay, Tập đoàn đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để vượt qua như: Đẩy mạnh sản xuất và chế biến các loại than phù hợp với thị trường; áp dụng khoa học kỹ thuật trong cơ giới hóa, hiện đại hóa, tự động hóa, tin học hóa và công tác điều hành phù hợp để hạ giá thành khai thác, tăng cường sự cạnh tranh với thị trường… Tuy nhiên, vấn đề ổn định việc làm cho người lao động vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Ảnh Tư liệu
Khó khăn kép
Hiện nay, công tác sản xuất và tiêu thụ than của Tập đoàn đang gặp phải một số khó khăn kép. Thứ nhất, điều kiện khai thác các vỉa than ngày càng xuống sâu hơn khiến cho giá thành tăng cao. Các chi phí về đầu tư và duy trì sản xuất tăng. Trong đầu tư, suất đầu tư tăng cao. Trong chi phí thường xuyên cho sản xuất, các chi phí về công tác vận tải, thông gió, thoát nước, đi lại tăng cao, chưa kể đến các chi phí về nhân công, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động cũng vì thế mà tăng lên… Đa phần các mỏ khai thác than hầm lò hiện nay đã xuống -300m so với mặt nước biển. Trong khi đó, tỷ lệ than khai thác hầm lò đến nay đã tăng cao hơn lộ thiên, chiếm 50-60% tổng sản lượng khai thác toàn Ngành. Các mỏ than lộ thiên, hệ số bóc đất đá và cung độ vận chuyển cũng tăng lên, làm cho sức cạnh tranh yếu.
Thứ hai là thị trường tiêu thụ than diễn biến phức tạp. Thị trường than trên thế giới có thời điểm giảm sâu, trong khi đó, các chính sách điều hành về thuế, phí chưa theo kịp thị trường dẫn đến than tồn vẫn còn duy trì ở mức cao. Tiêu thụ than chậm, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận bị sụt giảm, kéo theo hệ lụy thiếu vốn để đầu tư các dự án mỏ mới. Để có được 1 mỏ mới cần ít nhất 5-7 năm thực hiện đầu tư, xây dựng. Nếu khó khăn về tiêu thụ vẫn tiếp tục kéo dài, các mỏ mới theo Quy hoạch không hoặc chậm được đầu tư, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn than cung cấp cho nhu cầu trong nước sau năm 2020, ảnh hưởng lớn đến chính sách phát triển năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị…
Ưu tiên ổn định việc làm cho người lao động
Mặc dù trước những khó khăn trên, có những thời điểm, sản xuất than không có lãi nhưng để đảm bảo việc làm và thu nhập cho thợ mỏ, Tập đoàn vẫn phải cân đối và duy trì sản xuất. Lãnh đạo Tập đoàn đang nỗ lực cao nhất trong điều hành để duy trì việc làm cho người lao động như pha trộn than hợp lý giữa các vùng theo nhu cầu than của thị trường, điều chỉnh sản lượng khai thác hợp lý theo từng chủng loại than cho từng đơn vị khai thác… Tại thị trường trong nước, loại than cám 6a1 Hòn Gai, Cẩm Phả đang được các nhà sử dụng lựa chọn và tiêu thụ nhiều. Trong khi đó, loại than khu vực Vàng Danh, Mạo Khê (miền Tây), thị trường nội địa lại ít có nhu cầu hơn do đặc tính lưu huỳnh cao hơn, chất bốc thấp nên bị tồn kho lớn. Vì thế, Tập đoàn đã phải điều hành vận chuyển than từ các đơn vị vùng Uông Bí, Mạo Khê về Hòn Gai, Cẩm Phả để chế biến, pha trộn với một số loại than khác, đáp ứng yêu cầu của thị trường cung cấp cho các hộ tiêu thụ nhằm giảm tồn kho ở khu vực miền Tây, ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội. Do vậy, chi phí cho công tác vận chuyển tiêu thụ cũng tăng lên.
Trên thực tế, trải qua nhiều thăng trầm, đây cũng không phải là lần đầu tiên ngành Than gặp khó khăn nhưng có lẽ đây là một trong những đợt khó khăn gay gắt và kéo dài nhất. Lãnh đạo Tập đoàn đã nỗ lực và linh hoạt trong điều hành sản xuất, quyết tâm không để thợ mỏ thiếu việc làm, phấn đấu ổn định việc làm và thu nhập cho thợ mỏ. Đây là Nghị quyết xuyên suốt của Đảng ủy Tập đoàn nhằm lãnh đạo các đơn vị đồng tâm, vững vàng vượt qua khó khăn trước mắt để tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò là Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, đảm trách tốt nhiệm vụ là trụ cột an ninh năng lượng quốc gia trong hiện tại cũng như những năm sau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/uu-tien-on-dinh-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-201712301842546473.htm” button=”Theo vinacomin”]