Thế rồi cái Tết cũng đi qua. Những cánh mai, đào rực rỡ màu vàng, màu đỏ nhường chỗ cho những cành lộc xanh biếc cứ lớn dần, như quy luật của đất trời. Thợ mỏ lại tiếp tục bước vào cuộc sống lao động sản xuất thường nhật đầy sôi động với bao nhiêu khát vọng, niềm tin và hy vọng trong năm mới 2017.
Trên chuyến xe trở lại vùng Mỏ làm việc, thợ lò trẻ Đoàn Văn Nhất vui vẻ chia sẻ về những dự định của mình. Nhất tâm sự, Nhất mới ra trường giữa năm 2016 sau khi học xong lớp trung cấp khai thác mỏ hầm lò tại Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam rồi về làm việc tại Phân xưởng Tân Lập thuộc Công ty than Hạ Long. Mới làm được chưa đầy 5 tháng và là thợ lò bậc 4/6 nhưng Nhất đã có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Điều Nhất tâm huyết là các chi phí như đi lại, ăn ở không phải lo vì đã được Công ty chăm lo hoàn toàn. Năm nay, Nhất mới 21 tuổi và phía trước còn bao nhiêu ước mơ, hoài bão. “Cháu cũng đã tính rồi, mặc dù công việc vất vả nhưng có thu nhập cao bù lại. Ngay trong năm nay cháu sẽ dành thời gian đi học nâng cao trình độ để gắn bó lâu dài với đất mỏ. Bố mẹ cháu rất vui vì dự định này…” – Nhất tâm sự. Câu chuyện làm tôi thấy vui lây niềm vui của Nhất. “Học xong cấp 3, Nhất không thi đại học?” – tôi hỏi. Nhất trả lời: “Cháu không, cháu đi học nghề mỏ ngay…”. Tôi chợt nghĩ, trong khi ngoài kia, bao nhiêu bạn trẻ cùng trang lứa thi nhau vào đại học, bố mẹ nuôi ăn học suốt mấy năm trời tốn kém, để rồi ra trường lại chạy vạy đi xin việc mà nào có dễ… thì Nhất đã chọn đi học nghề mỏ, được Công ty và Tập đoàn chi trả hoàn toàn mọi chi phí, ra trường có việc làm và thu nhập ngay. Và sau đó Nhất mới bắt đầu dành thời gian học đại học để gây dựng tương lai lâu dài trên đất mỏ. Sự lựa chọn phù hợp này giúp Nhất chủ động hoàn toàn, cha mẹ không phải lo lắng nhiều cho tương lai của Nhất.
Câu chuyện giữa chúng tôi dù rất nhỏ nhưng vẫn qua tai một bác già đang lim dim phía sau. “Thật là có hiếu” – bác mở đầu câu chuyện bằng một câu nói bâng quơ nhưng lại đầy ý nghĩa. Rồi bác cho biết, bác tên là Nguyễn Văn Chải, cũng làm thợ lò đã gần 30 năm nay ở Công ty than Thống Nhất và đạt kịch bậc thợ 6/6. Năm nay dự tính sẽ là năm làm việc cuối cùng của bác rồi về nghỉ hưu vì cũng đã ngoài 50 tuổi rồi. Bác Chải chia sẻ, ngày xưa, bác chỉ học nghề và cứ thế gắn bó làm thợ bao nhiêu năm nay. “Nhưng các cháu lại khác, bây giờ ngành mỏ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào khai thác. Trong lò toàn các hệ thống thuỷ lực, máy nén khí, rồi cơ giới hoá, tự động hoá nhiều khâu trong khai thác cũng như đào lò. Không như thời các bác toàn chống lò bằng gỗ. Đi làm chỉ có chặt gỗ, phồng cả tay. Do vậy các cháu phải học thêm. Mà phải học sớm không đến lúc có tuổi lại ngại học và “lỡ thì” như các bác…” – bác Chải nói.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ và qua câu chuyện làm tôi nhớ lại khuôn mặt chai sạn và những vết than đen ngang dọc trên bàn tay ông trong một lần gặp mặt. Lần đó gặp ông là năm 2008, khi ông được cùng đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than lên gặp mặt Chủ tịch Nước tại Phủ Chủ tịch và báo công với Bác Hồ về những thành tích của Ngành. Ông à lên một tiếng: “Tôi nhìn chú rất quen…”. Thợ lò bậc 6/6 Nguyễn Văn Chải đã nhiều năm là Chiến sỹ Thi đua các cấp. Ông được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn tặng Bằng khen. Đặc biệt, ông cũng được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì những thành tích đặc biệt, góp phần vào sự nghiệp sản xuất than cho Tổ quốc. Mới đó mà đã gần một thập kỷ. Khuôn mặt ông đã xuất hiện những nếp nhăn trên trán, trên má như đánh dấu quãng thời gian lao động vất vả trong nghề mỏ. Ông tâm sự, một thời gian dài, thợ lò lao động phần lớn là thủ công, không được hiện đại như bây giờ. Vậy nhưng tinh thần lao động thì rất hăng say và trách nhiệm. Vì lao động thủ công nên trong khai thác, công việc vất vả nhất vẫn là chặt gỗ. Biết bao nhiêu là gỗ mới chống, chèn để cho ra được một tấn than. Thợ bậc cao, còn gọi là thợ chính là người đảm nhận công việc này. Nhưng thợ phụ cũng vất vả không kém vì phải vận chuyển gỗ đến tận các đường lò. Công việc thì nhiều nhưng sản lượng khai thác than lại không cao. Một ca, cả vài chục thợ mới khai thác được vài chục tấn than kéo ra. Do vậy thu nhập khi đó không cao, không có nhiều tích luỹ như thợ lò trẻ bây giờ. Còn trong đào lò, vất vả nhất vẫn là khâu bốc xúc đất đá. Vì thời đó, vận chuyển đất đá không có máy xúc. Thợ lò thường có câu: “Xúc bằng tay, quay bằng sườn” là như vậy. Nếu có một ước nguyện, ông chắc sẽ ước được là thợ trẻ để tiếp tục làm thợ nhưng là thợ lò hiện đại như ngày hôm nay. “Còn ước nguyện sau khi về hưu?” – tôi hỏi. Ông nói như một dự án đã được duyệt. Ông sẽ về quê và mở rộng mấy sào đất bãi ven đê để trồng chuối. Quê ông ở ven con sông Kinh Thầy, giờ không còn nhiều phù sa nhưng đất vẫn rất màu mỡ. Bây giờ các cụ ở nhà đang trồng vài cây chuối lưa thưa, thế mà đủ ăn quanh năm, thi thoảng vẫn bán để lấy tiền mua cá, mua thịt. Ông sẽ trồng mở rộng toàn bộ khu bãi. Chuối là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, được thu hoạch quanh năm và có giá trị cũng khá cao. Làm nghề thợ lò hoạt động suốt, nếu về nghỉ mà ngồi chỗ chắc sẽ “ngứa ngáy chân tay”. Biết là về quê sẽ buồn vì anh em đồng nghiệp bao nhiêu năm gắn bó ở cả ngoài đất mỏ. Nhưng thực ra, ông đã chuẩn bị sẵn cho mình hướng đi này rồi. Từ trước đến nay, gia đình, vợ con ông đều ở cả quê hương, còn ông “đi bộ đội”… Ông bảo “trẻ trồng na, già trồng chuối”, rồi cười khà khà.
Câu chuyện bập bõm trên chuyến xe đường dài giữa hai người là hai thế hệ thợ mỏ cùng trở lại đất mỏ làm việc sau kỳ nghỉ Tết làm cho không khí ngày Xuân như ấm hơn. Bản lĩnh và niềm tin trong trái tim của lớp lớp các thế hệ thợ mỏ nối tiếp nhau như cùng chung một nhịp đập. Đó là nguồn sức mạnh của mỗi cá nhân, nhưng sẽ trở thành sức mạnh của giai cấp đối với hàng vạn thợ mỏ. Nó không xa vời, không giáo điều mà hiện hữu quanh mỗi chúng ta như một thực tế ngay trước mặt. Rất có thể, nó cũng trở thành một ví dụ sinh động để mỗi chúng ta, những thợ mỏ trẻ hay những thợ mỏ đã có thâm niên cùng suy ngẫm, biết đâu lại áp dụng được cho mình một lối đi thích hợp…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/uoc-nguyen-cua-tho-tre-tho-gia-201703071725064042.htm” button=”Theo vinacomin”]