Mấy lần hẹn, rồi lại lỡ vì Thuận hết dưới lò lại tham gia Đội bóng đá của Đoàn thanh niên Công ty than Hạ Long. Thế rồi, cuối cùng tôi đã gặp được chàng trai của xứ na dai nức tiếng của huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang sau khi vừa tan ca về…
Thuận cùng đồng đội trong một ca sản xuất dưới lò
Ngồi bên nhau nhấp nháp cốc bia Hạ Long với con mực khô, chàng công nhân Tống Văn Thuận (Phân xưởng Khai thác 3 – Công ty than Hạ Long) đã hé lộ cho tôi biết khá nhiều điều về quê hương, gia đình, cuộc sống và việc làm cũng như mơ ước của mình.
Thuận là con thứ 7 trong một gia đình thuần nông có 8 anh chị em. Vùng đồi trung du của xã Lục Sơn ấy nức tiếng về đặc sản na dai, song do gia đình đông con, ngoài 3 vụ lúa và một vụ na ra, cái nghèo lại vẫn hoàn nghèo. Các anh chị của Thuận lớn lên lần lượt xây dựng gia đình và ra ở riêng. Thương bố mẹ già và cậu em út đang học lớp 8, nên dù ham học và luôn nung nấu ước mơ vào đại học đến mấy, Thuận cũng đành phải từ bỏ khi mới học đến hết Cấp 2 để đi phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình và lo cho cậu em út học hành cho bằng bạn bè.
Thấy con trai đi phụ hồ vất vả, thu nhập lại èo uột, nhờ người quen làm việc ở vùng than Quảng Ninh mách nước, bố mẹ gọi Thuận về khuyên đi học nghề khai thác mỏ ở Quảng Ninh “Vừa không tốn học phí, học xong lại có việc làm ngay”. Nghe theo bố mẹ, thế là tháng 9/2009, Thuận quyết định ghi tên đăng ký học nghề Khai thác hầm lò tại Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin (nay là Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam).
Khi vào trường học, với sự cố gắng của bản thân, Thuận đã được các bạn và thầy cô tin tưởng giao cho làm lớp trưởng và làm Đội phó – Đội thanh niên tự quản của trường. Bên cạnh đó, Thuận còn tích cực tham gia các phong trào của Đoàn Thanh niên, và được Đoàn thanh niên Than Quảng Ninh khen thưởng. Nhờ những thành tích học tập và rèn luyện, năm 2012, Thuận đã vinh dự được Đảng ủy của trường kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Sau hơn 10 tháng học bổ túc văn hóa và 24 tháng học kiến thức chuyên môn, năm 2013, Thuận ra trường và được nhận về công tác tại Công ty than Hạ Long. Nhấp ngụm bia, Thuận bồi hồi nhớ lại: “Em nhớ như in cái cảm giác vui sướng khi được nhận tháng lương đầu tiên được 13.500.000 đồng ấy. Vì ở quê, chả bao giờ em được cầm trong tay món tiền to như thế! Hơn nữa, lúc đó, em mới ra trường và vẫn còn đang trong giai đoạn tập sự, nên số tiền ấy thực sự “choáng” với em. Khi báo tin về nhà, không chỉ bố mẹ, gia đình em mà cả hàng xóm còn thấy bất ngờ trước nguồn thu nhập đó. Mẹ em còn bảo “Có mà bằng mấy vụ lúa và na ở nhà ấy chứ!”. Thế là từ đó, Thuận đã chính thức gắn bó với nghề khai thác hầm lò và coi đây chính là con đường lập nghiệp của mình. Ở quê, bố mẹ và gia đình rất tự hào và yên tâm về nghề của Thuận.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chàng sinh viên năm nào nay đã trở thành thợ khai thác trực tiếp bậc 5/6. Thuận luôn nghĩ, công việc trong hầm lò tuy vất vả, song công việc và thu nhập lại rất ổn định. Bên cạnh đó, xung quanh lại có anh em đồng đội, lãnh đạo Phân xưởng, lãnh đạo Công ty quan tâm giúp đỡ, nên dù khó khăn mấy cũng cố gắng vượt qua.
Ngoài công tác chuyên môn, từ năm 2014 đến nay, Thuận còn làm Bí thư Chi đoàn Phân xưởng Khai thác 3. Nhờ có khiếu bóng đá và thổi sáo rất hay, nên Thận thường xuyên tham gia thi đấu các giải bóng đó do Đoàn Thanh niên Công ty tổ chức và tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ của Đoàn.
Trước lúc chia tay, nói về mơ ước của mình, Thuận đỏ mặt nói nhỏ: “Ước mơ lớn nhất sắp được toại nguyện của em là cuối năm nay sẽ xây dựng gia đình. Người yêu em sinh ra lớn nên ở vùng Mỏ này. Sau khi cưới, chúng em sẽ làm một căn nhà nho nhỏ, rồi sinh con đẻ cái và đón bố mẹ em xuống trông nom các cháu. Đây cũng chính là mục tiêu của cuộc đời em và cũng là động lực mạnh mẽ, vững chắc để em gắn bó với ngành nghề mà mình đã chọn anh ạ!”.
Vâng! Xin chúc ước mơ lớn nhất của Thuận sớm thành hiện thực trên vùng mỏ quí “vàng đen” của Tổ quốc!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/uoc-mo-cua-chang-trai-xu-na-dai-bac-giang-201911111639200559.htm” button=”Theo vinacomin”]