Với tiêu chí “Từ nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”, những năm qua, Tập đoàn Vinacomin đã liên tục đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực các ngành nghề cho các đơn vị. Tuy nhiên công tác tuyển sinh và sử dụng lao động sau đào tạo vẫn còn nhiều điều cần bàn. Cần sự bứt phá là những nội dung được tham luận tại hội nghị tổng kết công tác đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 vừa qua.
Năm 2011, các trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm, Hữu Nghị, Việt Bắc đào tạo tổng số gần 6300 công nhân chủ yếu là ngành khai thác hầm lò. Dự án nâng cao năng lực ngành Than ở các nước sản xuất than đã chọn gần 1200 tu nghiệp sinh đi học tại Nhật Bản và gần 6500 công nhân, cán bộ và học sinh được các chuyên gia Nhật Bản đào tạo tại chỗ. Trường Quản trị Kinh doanh đã đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho hàng ngàn lượt cán bộ các cấp ở nhiều ngành nghề. Do vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành khai thác hầm lò nhưng lực lượng công nhân, cán bộ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sản xuất.
Năm 2012, theo kế hoạch, các trường đào tạo nghề mỏ sẽ tuyển sinh trên 8.600 học sinh, trong đó 6.500 học nghề khai thác. Trường Quản trị Kinh doanh sẽ phối hợp với Tập đoàn MIBRAG của CHLB Đức đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành môi trường cho cán bộ, giáo viên các trường và doanh nghiệp. Trường cũng sẽ liên kết với Trường Đại học Công nghệ Liêu Ninh, Trung Quốc đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật an toàn chuyên ngành hầm lò cho các cán bộ cao cấp các đơn vị và Tập đoàn. Về sử dụng lao động sau đào tạo, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị không tiếp nhận công nhân lò có trình độ sơ cấp nghề, chỉ tiếp nhận những công nhân đã được các đơn vị ký hợp đồng đào tạo mới với các trường thuộc Vinacomin để đảm bảo chất lượng lao động.
Cần sự bứt phá
Theo ông Doãn Văn Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần than Mông Dương, Tập đoàn cần có Trung tâm sát hạch tay nghề thống nhất tiêu chuẩn, chất lượng tay nghề học sinh mới ra trường cũng như công nhân nâng bậc thợ… Công tác sát hạch tay nghề cần phải số hóa tránh sự ước lượng, định tính như hiện nay. Việc sát hạch này, ngoài việc kiểm tra trình độ tay nghề công nhân để vào mỏ làm việc, còn để kiểm tra chất lượng đào tạo của các trường đào tạo nghề hiện nay. Cũng theo ông Quang, vấn đề sử dụng lao động sau đào tạo là một vấn đề lớn. Vì hiện nay, số lượng học sinh vào làm việc rồi lại nghỉ việc vẫn có tỷ lệ cao. Đào tạo nhiều đấy, nhưng số lượng lao động không tăng. Trong khi đó theo yêu cầu tăng trưởng sản lượng khai thác rất cần tăng về số lượng lao động. Tập đoàn cần tổ chức một hội thảo lớn ở nhiều cấp vào cuộc để đưa ra nhiều biện pháp nhằm sử dụng tốt nguồn nhân lực sau đào tạo.
Về công tác tuyển sinh học sinh học nghề khai thác, theo ông Lưu Văn Minh, phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm là một việc khó khăn hiện nay. Nhà trường đã phối hợp cùng với doanh nghiệp, ngoài việc tuyển sinh tại các vùng đồng bằng, còn lên các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa để tuyển dụng về đào tạo cả kiến thức văn hóa và nghề. Nhờ vậy, số lượng tuyển sinh của nhà trường khá cao. Năm 2011, Trường Hồng Cẩm tuyển sinh gần 4000 học sinh. Năm 2012, trường cũng đề ra mục tiêu tuyển sinh 4.200 học sinh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề mỏ Hữu Nghị thì tuyển dụng những học sinh từ vùng sâu chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ bỏ việc sau khi ra trường cao. Mặt khác, trong quá trình đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn với những học sinh này như trình độ văn hóa thấp, đường đi lại khó khăn, dẫn đến chi phí cho công tác đào tạo tăng lên v.v. “Tôi sẽ nói không với học sinh miền núi như Đồng Văn, Mèo Vạc. Thà đào tạo được học sinh nào chắn chắn còn hơn” Ông Sỹ nói.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng, trong đó ông Đức nhấn mạnh, cần có sự bứt phá. Ông Đức cho rằng, các đơn vị cần rà soát lại đội ngũ công nhân lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khai thác. Đây chính là sự gắn liền giữa sản xuất với đào tạo, gắn đào tạo với bồi dưỡng… Đồng thời phải củng cố các cơ sở đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, theo hướng chuyên nghiệp hóa, khách quan, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Mặt khác, các cơ quan chuyên môn, các đoàn thể cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp với người lao động, nhằm thu hút họ và ổn định đời sống cho họ, giúp họ mọi điều kiện về làm việc, ăn ở… nhằm khuyến khích họ làm việc lâu dài với doanh nghiệp. Tập đoàn khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có cơ chế nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội vào công tác đào tạo nguồn nhân lực v.v.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tuyen-sinh-va-su-dung-lao-dong-sau-dao-tao-can-su-but-pha-1394.htm” button=”Theo vinacomin”]