Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông Lê Quang Học, Phó phòng Tổ chức Hành chính Trường Cao đẳng Đào tạo nghề Hữu Nghị (Trường Hữu Nghị) vội vàng ra đường 18 chờ chuyến xe khách từ Thái Bình ngang qua để lấy 2 bộ hồ sơ học nghề hầm lò từ quê gửi theo xe. Ông Học giải thích với chúng tôi, công việc tuyển sinh nghề hầm lò bây giờ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường; tất cả mọi CBGV đến sinh viên trong trường đều vào cuộc.
Ông Trần Đức Long, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường Hữu Nghị cho biết, năm nay, Nhà trường được Tập đoàn giao tuyển sinh 3693 học sinh nghề hầm lò, trong đó 2773 học sinh nghề khai thác, xây dựng mỏ và 920 học sinh nghề cơ điện hầm lò. Đây là nhiệm vụ nặng nề hơn rất nhiều so với các năm trước. Năm ngoái, chỉ tiêu hơn 2000; năm 2010, chỉ tiêu hơn 1400.
Chỉ tiêu thì tăng vọt, nhưng công tác tuyển sinh thì ngày càng khó khăn. Trong những khó khăn của công tác này, khó nhất là sức hấp dẫn của nghề hầm lò kém khả năng cạnh tranh với các ngành nghề khác. Ông Long kể, trong đợt tư vấn mùa thi định hướng nghề nghiệp do tỉnh Đoàn và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức, mỗi trường THPT có khoảng 200 học sinh lớp 12 nhưng có tới 11 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh tới tư vấn định hướng nghề nghiệp, trong đó, nghề hầm lò của Trường Hữu Nghị và Trường Hồng Cẩm chẳng mấy học sinh quan tâm tới.
Nhà trường từng cử cán bộ lên tận Hòa Bình tham gia phiên giao dịch việc làm trong “Ngày hội thanh niên với nghề nghiệp và việc làm”; lên tận Hoành Mô (Quảng Ninh) tham gia tư vấn nghề nghiệp trong chương trình “Đồng hành cùng thanh niên hướng nghiệp, lập thân lập nghiệp” v.v. nhưng kết quả không cao…
Nhà nhà tuyển sinh – người người tuyển sinh
Xác định công tác tuyển sinh nghề hầm lò là nhiệm vụ trọng tâm nên từ đầu năm ngoái, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác tuyển sinh, phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu huy động cả hệ thống chính trị của Nhà trường tham gia công tác tuyển sinh; hàng quý có kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm. Bước đầu (2011), Nghị quyết trên đã làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng và hành động của mọi CBGV Nhà trường đối với công tác này.
Năm nay, Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết trên và Nghị quyết thực sự lan tỏa, đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu năm, BGH giao cho Phòng tuyển sinh xây dựng kế hoạch từng tháng, trong đó dự kiến số lượng tuyển, giao chỉ tiêu cho các đơn vị, đề xuất cơ chế chính sách, các chế độ thưởng phạt v.v. Trên cơ sở của kế hoạch tháng do phòng tham mưu đề xuất, BGH xem xét, duyệt kế hoạch, giao cho các đơn vị thực hiện và phân công các đồng chí trong BGH đặc trách từng lĩnh vực. Từ đó, các phòng, các khoa, ngoài hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời có trách nhiệm hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh Nhà trường giao. Chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị cũng gắn với các tiêu chuẩn thi đua hàng tháng, hàng quý và cả năm.
Khi “nhà nhà, người người” vào cuộc, công tác tuyển sinh của Nhà trường đã phát huy sức mạnh tập thể; nhiều cách làm mới, cách khai thác thị trường được mở ra, linh hoạt và hiệu quả. Nhiều khoa, thông qua sinh viên đã tư vấn, tuyên truyền quảng bá hình ảnh Nhà trường, các chính sách ưu việt của Tập đoàn đối với thợ lò v.v. nên đã vận động được nhiều thanh niên nông thôn theo học nghề hầm lò…
Ngoài huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo thợ hầm lò cùng tham gia tuyển sinh. Đến nay, Nhà trường đã ký hợp đồng đào tạo với 18 đơn vị hầm lò.
“Ba cùng” với đồng bào
Chúng tôi đến Trường vào lúc Quý 1 vừa kết thúc. Phòng Tuyển sinh – đơn vị chủ lực của Nhà trường về công tác này chỉ có 3 người làm việc trước từng chồng hồ sơ. Tìm hiểu mới biết, 12 cán bộ của phòng (trong đó có 2 phó phòng) cùng một số cán bộ các phòng khác đang tỏa đi các tỉnh, phối hợp với địa phương cùng tuyển sinh. Năm nay, Nhà trường mở rộng địa bàn tuyển sinh tới 15 tỉnh thành, từ Quảng Bình trở ra, trong đó có một số tỉnh vùng cao như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình v.v. Đến với các địa phương, cán bộ Nhà trường có thể phối hợp với Hội Cựu Chiến binh, hoặc Đoàn TN v.v. thậm chí phối hợp với cá nhân thông qua biên bản thỏa thuận trách nhiệm, quyền lợi giữa 2 bên và cán bộ tuyển sinh “ba cùng” với đồng bào để thực hiện. Đó là cùng ăn, cùng ở và cùng tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Nhà trường, của Tập đoàn và thực hiện nhiều công việc khác. Việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh về ngành Than và các thông tin về tuyển sinh được thực dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, tuyên truyền trong các hội nghị về khuyến học, về tư vấn việc làm v.v.
Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều phương pháp, nhiều nỗ lực nhưng quý 1 năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường còn đạt thấp, khoảng 10 % kế hoạch.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tuyen-sinh-nghe-ham-lo-o-truong-huu-nghi-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-1472.htm” button=”Theo vinacomin”]