Theo TTXVN, tuần vừa qua đánh dấu chuỗi ngày đi lên không ngừng nghỉ của giá dầu thô, nhờ những tín hiệu “sáng” từ kinh tế Mỹ – quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới; những bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đe dọa tới nguồn cung dầu toàn cầu; cũng như sự khởi sắc ấn tượng của thị trường cổ phiếu.
Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị tại Angiêri và Ai Cập đang khiến nhiều người lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu trong thời gian tới, qua đó cũng góp phần hỗ trợ vào đà tăng của giá năng lượng. Một số nguồn tin còn cho hay Israel có thể sẽ mở cuộc tấn công nhằm vào Syria, trong khi tại Iraq tiếp tục xảy ra những cuộc xung đột giữa người Sunni và Shia.
Giới phân tích thị trường cho rằng, hầu hết các hợp đồng dầu thô ngắn hạn sẽ tập trung vào tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Một khi những nguy cơ này không được giải quyết mà còn có khả năng leo thang, thì giá “vàng đen” sẽ còn duy trì xu hướng tăng.
Trong hai phiên giao dịch liên tiếp sau đó (29 và 30/1), thị trường năng lượng Mỹ tiếp tục đi lên, nhờ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán sau một loạt báo cáo lợi nhuận lạc quan của các doanh nghiệp Mỹ, sự suy yếu của đồng USD, cũng như sự gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ.
Giá dầu thậm chí đã vươn lên sát ngưỡng 98 USD/thùng, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khép lại cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày với việc tái cam kết sẽ mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng nhằm hỗ trợ cho thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện. Điều này được xem là sự hỗ trợ tài chính dài hạn cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 31/1, đà tăng giá dầu đã bất ngờ bị chặn lại do báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho hay trong tuần kết thúc vào ngày 25/1 cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã bất ngờ tăng thêm 38.000 người lên 368.000 người, cao hơn khá nhiều so với con số 355.000 người được giới phân tích đưa ra trong cuộc điều tra của trang Market Watch. Số liệu này đã làm dấy lên những nghi ngại về tình hình thất nghiệp chung trong tháng 1/2013.
Trước đó, tâm lý của giới đầu tư cũng chịu tác động tiêu cực sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng trong quý IV/2012, nền kinh tế số một thế giới đã bất ngờ suy giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý suy giảm đầu tiên trong 13 quý liên tiếp. Con số này giảm mạnh so với mức tăng 3,1% trong quý 3/2012 và mức dự báo tăng trưởng 0,1% của giới phân tích.
Tưởng chừng các báo cáo đáng thất vọng về tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ khiến giá dầu tiếp tục chìm sâu, nhưng tới phiên giao dịch cuối tuần (ngày 1/2), thị trường năng lượng lại phục hồi mạnh mẽ cùng đà tăng của thị trường chứng khoán và các thị trường hàng hóa khác. Giá dầu ngọt nhẹ New York được thúc đẩy bởi các báo cáo cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ đang dần được cải thiện.
Cụ thể, trong tháng 1/2013, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm được 157.000 việc làm. Mặc dù số việc làm mới được tạo ra vẫn thấp hơn dự báo của giới phân tích và tỷ lệ thất nghiệp “nhích” lên 7,9%, song báo cáo điều chỉnh về các số liệu của thị trường việc làm năm 2012 cho thấy số việc làm mới được tạo ra ở Mỹ đạt mức trung bình 181.000 việc/tháng, vượt xa ước tính của Bộ Lao động Mỹ là 153.000 việc làm/tháng. Ngoài ra, giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ khi chỉ ra rằng chỉ số hoạt động của các nhà máy nước này trong tháng 1/2013 đã tăng lên mức 53,1.
Chốt phiên này, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3/2013 trên sàn hàng hóa New York tăng 28 xu, tương đương 0,3%, lên mức 97,77 USD/thùng. Tính cả tháng 1, giá dầu thô kỳ hạn giao sau loại này đã tăng hơn 6%, còn tính riêng trong tuần này thì mức tăng là 2%. Trong khi đó, tại thị trường Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2013 cũng tăng 1,21 USD, đóng cửa ở mức 116,76 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 5/2012.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc-hoat-dong/tuan-qua-vang-den-soi-dong-nho-suc-khoe-kinh-te-my-4144.htm” button=”Theo vinacomin”]