Tháng 1 năm 1973, trên cơ sở phòng Thiết kế than Hòn Gai, Bộ Điện Than đã có Quyết định thành lập Phân viện Thiết kế than Hòn Gai trực thuộc Công ty than Hòn Gai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và thiết kế mỏ. Qua nhiều lần đổi tên, đến nay Phân viện là Xí nghiệp Thiết kế Than Hòn Gai trực thuộc Công ty CP Tư vấn mỏ và công nghiệp – Vinacomin. Chặng đường 40 năm xây dựng và trưởng thành của đơn vị có biết bao thăng trầm nhưng cũng đã để lại nhiều dấu ấn với những thành tích đáng tự hào.
Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ kết thúc, ngành Than cũng như các ngành kinh tế khác bị tàn phá nặng nề. Các công ty, xí nghiệp ở vùng mỏ khẩn trương bắt tay vào công cuộc khôi phục sản xuất, sớm đưa các mỏ than, nhà sàng, bến cảng trở lại hoạt động. Phân viện Thiết kế mới được thành lập, lực lượng cán bộ kỹ thuật chưa đông, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng cũng đã đáp ứng các yêu cầu của các mỏ than, xí nghiệp, nhà máy. Các công trình đầu tiên như: Thiết kế cải tạo, mở rộng mỏ than Hà Lầm, mỏ Thống Nhất với công suất từ 300 ÷ 400 nghìn tấn/năm; Nghiên cứu thiết kế cải tạo phục hồi các hạng mục của nhà máy tuyển than ở cả 2 khu vực Hòn Gai và Cẩm Phả.
Không dừng lại ở việc thiết kế khôi phục sản xuất, ngay từ những năm đầu, Phân viện đã bắt tay vào việc nghiên cứu thiết kế các khai trường, các mỏ mới phục vụ cho mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn than mà Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra cho giai đoạn 1976 – 1980. Các mỏ hầm lò Bắc Bàng Danh công suất 300.000 tấn/năm, mỏ Ngọc Kinh Quảng Nam Đà Nẵng; công trường lộ thiên các vỉa 10 và 10B mỏ than Hà Tu là sản phẩm thiết kế của Phân viện. Ngoài thiết kế mỏ Phân viện Thiết kế đã đề xuất và tiến hành thiết kế các Cảng Nội địa khu vực Cọc 5 (Hòn Gai), Cảng nội địa I và II khu vực Cửa Ông bằng hệ thống băng chuyền có công suất từ 800.000 đến 1 triệu tấn/năm. Đầu những năm 1980, Phân viện cùng tham gia với chuyên gia Liên Xô thiết kế mỏ than lộ thiên Núi Béo với công suất 1,2 ÷ 1,5 triệu tấn/năm.
Thời kỳ khởi nghiệp của Phân viện Thiết kế cũng là thời kỳ đất nước vừa đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp với muôn vàn khó khăn và thử thách. Buổi sơ khai ban đầu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, bản vẽ được các kỹ sư thiết kế vẽ bằng cây bút chì, tính toán bằng các bàn tính thủ công, in bản vẽ bằng ánh sáng…Vì vậy công trình bị hạn chế về quy mô, chất lượng cũng như về tiến độ. Song với tinh thần đoàn kết vượt mọi khó khăn đã phấn đấu hoàn thành nhiều công trình thiết kế đáp ứng yêu cầu của các đơn vị ngành Than giai đoạn 1973 – 1985.
Sau năm 1985, đất nước bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, ngành Than đứng trước những khó khăn và thử thách mới: thiếu vốn, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, lao động dôi dư, đời sống công nhân viên chức giảm sút. Trước những diễn biến phức tạp của cơ chế thị trường, các đơn vị ngành Than đã có sự điều chỉnh và sắp xếp lại. Các đơn vị Khảo sát thiết kế cũng gặp nhiều khó khăn nên đã được Bộ Năng lượng sắp xếp bố trí lại.
Năm 1986 đến năm 1993 thời kỳ Phân viện mang nhiều tên, thay đổi nhiều đơn vị quản lý. Cụ thể Phân viện thiết kế than trở về mô hình là phòng thiết kế tổng hợp trực thuộc Công ty khảo sát thiết kế than năm 1988; Phân viện đã mang tên Xí nghiệp thiết kế than 2 trực thuộc Công ty Khảo sát và Thiết kế than năm 1990; 1993 thành lập lại Xí nghiệp thiết kế than Hòn Gai trực thuộc Công ty than Hòn Gai; Năm 1995 cùng với sự phát triển của ngành than, Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập. Năm 1996 ba đơn vị tư vấn thuộc các công ty sản xuất than được điều chuyển về Công ty Khảo sát thiết kế mỏ quản lý gồm Xí nghiệp thiết kế than Hòn Gai, Trung tâm thiết kế than Cẩm Phả, Trung tâm thiết kế than Uông Bí theo quyết định số 267-TVN/TCCB của Tổng Công ty Than Việt Nam.
Thời kỳ 1986 – 1999 là giai đoạn khó khăn nhất của Xí nghiệp Thiết kế than Hòn Gai. Công nhân thiếu việc làm, lực lượng lao động phải tinh giảm xuống chỉ còn lại 50 người, các cán bộ kỹ sư có kinh nghiệm đã chuyển đổi hoặc được điều động đi đơn vị khác. Vượt qua khó khăn để duy trì và tồn tại đang là một thử thách phía trước đối với lãnh đạo và tập thể công nhân viên chức Xí nghiệp.
Bằng tinh thần đoàn kết và sức lao động sáng tạo, tập thể CBCNV Xí nghiệp đã vượt qua mọi thử thách phấn đấu hoàn thành nhiều công trình thiết kế. Có thể kể tới các công trình tư vấn: Mỏ than hầm lò Hà Khánh, tầng -40 công trường Cái Đá, Hà Lầm; các công trình hạ tầng đường ô tô và bến tiếp nhận Hoá chất mỏ Mông Dương, trạm điện 35/6KV và hệ thống cung cấp điện cho nhà máy cơ khí Vườn Cam – Cẩm Phả, xưởng bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị mỏ Công ty than Đèo Nai v.v.
Vươn lên khẳng định
Bước sang năm 2000, nền kinh tế của đất nước đã hoàn toàn chuyển sang cơ chế thị trường, ngành Than cũng đã giảm bớt khó khăn, các đơn vị thành viên dần thích ứng với cơ chế thị trường, các đơn vị Tư vấn thiết kế đã có cơ hội mới.
Xí nghiệp Thiết kế than Hòn Gai bước vào thời kỳ phát triển mới. Tuy lực lượng lao động không tăng thêm nhiều nhưng với một lực lượng cán bộ kỹ sư trẻ được tiếp thu kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, nhanh chóng tiếp cận các công nghệ tiên tiến hiện đại đã vươn lên vững vàng trong cơ chế thị trường. Truyền thống về mối quan hệ rất tốt đẹp giữa Xí nghiệp và các đơn vị thành viên của ngành Than ngày càng được củng cố và tăng cường cũng là một nhân tố quan trọng tiếp thêm thế và lực cho Xí nghiệp trong thời kỳ mới. Từ năm 2000, Xí nghiệp Thiết kế than Hòn Gai đã có bước tiến đáng kể trong việc áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tư vấn thiết kế. Các giải pháp tối ưu đã được áp dụng đối với các dự án đầu tư, các đề án thiết kế. Đối với các mỏ có quy mô lớn, công nghệ phức tạp tốc độ hoàn thành công trình đã tăng lên từ 1,5 ÷ 2 lần , chất lượng công trình được đảm bảo.
Các dự án đầu tư, đề án thiết kế tiêu biểu sau năm 2000 có thể kể tới:DAĐT và thiết kế khai thác hầm lò -50 khai trường Hà Khánh Xí nghiệp than Giáp Khẩu; mỏ Tây Nam Khe Tam, mỏ Hồ Thiên, mỏ Khe Chuối, khai trường vỉa 6 Đông Nam Mông Dương của Tổng Công ty Đông Bắc; Thiết kế bản vẽ thi công mỏ Bắc Cọc Sáu. Ngoài các công trình mỏ, Xí nghiệp Thiết kế than Hòn Gai còn lập dự án đầu tư, thiết kế nhiều công trình hạ tầng, điện, công trình xử lý nước thải môi trường và thực hiện thêm lĩnh vực giám sát thi công các công trình xây dựng vào những năm gần đây.
Trong 10 năm trở lại đây, một thế hệ đầu đàn của Phân viện đã hoàn thành nhiệm vụ, thế hệ tiếp theo đã phát huy truyền thống được tích luỹ 30 năm, chú trọng xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ tin học hiện đại phục vụ cho công tác tư vấn, tận dụng các cơ hội thuận lợi và từng bước đẩy lùi mọi khó khăn, tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ của cấp trên và các chủ đầu tư Xí nghiệp đã trở thành đơn vị năng động, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bình quân khoảng 20% mỗi năm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhà nước. Thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng tương ứng với doanh thu, bảo toàn và phát triển vốn sở hữu của doanh nghiệp.
Phấn khởi và tự hào về chặng đường 40 năm xây dựng và trưởng thành, CNCB Xí nghiệp Thiết kế than Hòn Gai hôm nay đang nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng ngành Than đạt mục tiêu sản xuất 60 đến 70 triệu tấn than/năm trong thập niên thứ 2 của thế kỷ 21.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-phan-vien-thiet-ke-den-xi-nghiep-thiet-ke-than-hon-gai-3699.htm” button=”Theo vinacomin”]