Hoàn thành kế hoạch năm, lãnh đạo Công ty muốn tổ chức bữa liên hoan mừng công thắng lợi với toàn thể thợ lò xuất sắc. Nhân cuộc họp sản xuất, Giám đốc đưa việc này ra bàn, với yêu cầu đặt ra là thực đơn phải ngon và phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một ông quản đốc phân xưởng hầm lò nêu ý kiến:
Mọi người bật cười, cứ tưởng ông đùa. Ông nói tiếp:
– Tôi đề nghị nghiêm túc đấy. Bây giờ đang là mùa cưới, cỗ nhà hàng khách sạn ở đâu cũng bày ra mấy con tôm tẩm bột, đĩa mực xào trắng ởn, ăn nhạt hoét. Chi bằng, cứ món cổ truyền mà “quại” là nhất!
Ông vừa dứt lời, hàng loạt cánh tay các ông quản đốc lò giơ lên: Nhất trí! Nhất trí!
Trái với nguyện vọng của các ông quản đốc lò là ý kiến của đại diện ngành đời sống:
– Thưa các đồng chí, bây giờ đang dịch lợn tai xanh, lịch lở mồm long móng, đài báo nói ra rả, ăn những thứ ấy vào, nguy hiểm lắm. Với lại, cùng lúc lo cho gần nghìn suất ăn, ai mà phục vụ được ạ…
Cuối cùng, Giám đốc quyết định… “chiều” thợ lò! Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Giám đốc giao cho ông Phó Giám đốc làm tổng phụ trách, với thành phần là ngành đời sống, y tế, bảo vệ… Trong đó, ngành đời sống có trách nhiệm kiểm soát tận gốc nguồn thực phẩm; bộ phận y tế có trách nhiệm giám sát chất lượng thực phẩm, giám sát khâu vệ sinh trong quá trình chế biến.
Bữa liên hoan mừng công hôm đó như… đánh đụng lợn ở nông thôn ngày áp Tết vậy, đông vui chưa từng có. Cuộc vui kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ, uống hết gần…200 chai rượu mà không ai say.
Trên đây là chuyện xảy ra ở Công ty than Quang Hanh, cuối năm ngoái. Còn ở Xí nghiệp than Thành Công (Công ty than Hòn Gai) thì việc tổ chức mừng công được thể hiện rất rõ ràng, chi tiết bằng Quy chế thưởng hàng tháng. Theo đó, tổ sản xuất hầm lò nào hoàn thành xuất sắc kế hoạch tháng, đảm bảo an toàn, ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, còn được Xí nghiệp thưởng một con lợn Mán khoảng 25 kg và một thùng rượu Ba kích 12 chai, loại 75 ml. Quy chế ghi rõ như thế, ngoài ra còn quy định trách nhiệm của ngành đời sống trong trong việc tổ chức cấp phát hiện vật; quy định tổ chức liên hoan đảm bảo vui vẻ, không ảnh hưởng đến sản xuất…
Ngay trong tháng đầu tiên thực hiện Quy chế này, Than Thành Công đã có 2 tổ khai thác và 2 tổ đào lò hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được thưởng tiền mặt, lợn Mán và rượu Ba kích. Các tổ đã tổ chức liên hoan rất vui vẻ. Những tháng sau đó, tỷ lệ số tổ xuất sắc của Xí nghiệp càng cao. Thành Công là đơn vị sớm hoàn thành kế hoạch năm với sản lượng cao nhất trong các đơn vị hầm lò của Than Hòn Gai.
…Việc khen thưởng hoàn thành kế hoạch quý, kế hoạch năm, lâu nay các đơn vị vẫn duy trì và đã có tác dụng kích thích, thúc đẩy sản xuất. Nhưng thưởng cho công nhân bằng hình thức như 2 chuyện trên, kể cũng lạ. Sự lạ ở đây không phải là chuyện ăn uống và chúng tôi cũng không đề cao chuyện ăn uống, mà là đề cao sự quan tâm tới công nhân của lãnh đạo đơn vị, từ những chuyện rất nhỏ. Chúng tôi được biết, có ông giám đốc, đang đêm nhận được tin nhắn qua điện thoại phản ánh chất lượng phục vụ bữa ăn công nghiệp chưa tốt liền bật dậy “phi” vào công trường tìm hiểu căn nguyên rồi chỉ đạo bộ phận nhà ăn khắc phục. Thấu hiểu tình trạng công nhân đi ca ba về, ồn ào, nóng bức, khó ngủ, lãnh đạo đơn vị bố trí phòng riêng, gắn máy lạnh. Thậm chí, như Công ty than Hòn Gai, gắn máy lạnh cho toàn bộ các phòng tập thể công nhân; Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2, đào lò ở những nơi xa xôi như Khánh Hòa (Thái Nguyên), Đồng Rì (Bắc Giang)… nhưng nơi ở vẫn tươm tất, phòng ngủ ca 3 cũng gắn máy lạnh. Với thợ lò, có thể một số nơi thu nhập chưa cao, còn thiếu nhà ở, phải thuê trọ, nhưng nhìn chung, ở đâu thợ lò cũng được lãnh đạo đơn vị quan tâm nhất, từ cái ăn, nhà ở, đến lương, thưởng…
Trở lại hai câu chuyện kể trên, chúng tôi nhận thấy, đây không thuần túy là chuyện ăn uống, mà hơn thế, nó thể hiện sự sâu sát, sự thấu hiểu tâm lý công nhân của các nhà quản lý. Thợ lò quanh năm đi ca đi kíp, cùng tổ, cùng phân xưởng mà chẳng mấy khi anh em được ngồi với nhau đông đủ. Công việc trong hầm lò chật chội, nặng nhọc, dễ cáu bẳn, dễ to tiếng mà ít có cơ hội để dãi bày tâm tư. Bây giờ miếng ăn, kể cả miếng ngon, thợ lò không thiếu, nhưng thiếu cơ hội giao lưu. Những cuộc liên hoan mừng công kể trên là dịp để thợ lò ngồi với nhau, để cấp trên ngồi cùng chiếu với cấp dưới, bình đẳng cởi bỏ tâm tư tình cảm; cùng thông cảm sẻ chia nỗi vất vả của nghề lò; để những lăn tăn trong tâm tư được giải tỏa; để niềm vui, niềm tin yêu đồng đội, tin yêu cuộc sống được nâng lên. Và, thợ lò lại thanh thản bước vào năm mới với những nhiệm vụ mới và lập chiến công mới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-nhung-cuoc-mung-cong-la-787.htm” button=”Theo vinacomin”]