Ngay từ những ngày cách mạng nước ta còn trong trứng nước, đồng chí Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang) đã đến với phong trào công nhân mỏ và đã trở thành một trong những nhà cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Chiếc máy tiện được đồng chí Hoàng Quốc Việt sử dụng khi làm việc tại mỏ Mạo Khê
Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905, tại Đáp Cầu, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Khi tròn 20 tuổi, năm 1925, đồng chí đã tham gia Cách mạng. Những ngày học tại Trường Kỹ nghệ Thực hành ở Hải Phòng, đồng chí Hạ Bá Cang đã tham gia phong trào bãi khoá và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học vì tham gia bãi khoá, khoảng giữa năm 1925, đồng chí về Đông Triều làm thợ nguội ở mỏ than Mạo Khê.
Trong thời gian làm thợ này, cuộc sống cơ cực của người công nhân mỏ xứ thuộc địa đã giúp đồng chí Hoàng Quốc Việt hình thành ý thức đấu tranh chống áp bức, bất công. Năm 1927, đồng chí lãnh đạo khoảng 100 công nhân mỏ bãi công. Cuộc bãi công kéo dài 1 tuần thì thất bại vì diễn ra tự phát. Tuy nhiên, cuộc bãi công đã để lại bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá cho phong trào công nhân, đồng thời làm cho bọn cai ký, chủ mỏ phải dè chừng mà bớt hà khắc, đánh đập công nhân mỏ.
Năm 1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, đồng chí được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cách mạng bí mật. Năm 1930, trên đường ra Bắc họp hội nghị thực hiện việc hợp nhất các tổ chức Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt bị Pháp bắt và xử tù chung thân cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng…
Năm 1936, khi vừa được trả tự do, đồng chí Hoàng Quốc Việt trở về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, ông cùng một số đồng chí của mình khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ. Kể từ đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn tham gia Ban Chấp hành Trung ương của Đảng, từng giữ các chức vụ quan trọng như: Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 1992, đồng chí Hoàng Quốc Việt qua đời tại Hà Nội. Ghi nhớ công lao của đồng chí Hoàng Quốc Việt, không chỉ ở thủ đô đặt tên đồng chí cho một con đường nối từ đường Phạm Văn Đồng với đường Bưởi, mà tại Quảng Ninh, tên của đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng được đặt cho một trường THPT tại Thị xã Đông Triều, 1 con đường ở TP Hạ Long và 1 con đường tại TP Cẩm Phả. Sự trưởng thành, phát triển của đồng chí Hoàng Quốc Việt từ một người thợ mỏ đến một nhà cách mạng luôn gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của phong trào công nhân.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-nguoi-tho-mo-den-nha-cach-mang-201805031628577554.htm” button=”Theo vinacomin”]