Cứ lúc nào tạm “gác” lại bộn bề công việc là ông lại tỷ mẩn, cẩn thận trả lời từng câu hỏi trong Bài thi viết tìm hiểu 80 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than. Điểm đặc biệt, không phải bài dự thi của ông thu thập được nhiều tài liệu, hình ảnh giá trị, nội dung sâu sắc hay trình bày công phu, sáng tạo mà ấn tượng ở chỗ, trong Tập đoàn, ông là Tổng Giám đốc ở cơ sở duy nhất tham gia và tâm huyết viết tay bài dự thi này. Ông là Nguyễn Văn Sáng – Tổng giám đốc Tổng Công ty Hóa chất mỏ (MICCO).
Có lẽ từ tinh thần của lãnh đạo Tổng Công ty như vậy nên khí thế hưởng ứng cuộc thi viết tìm hiểu 80 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than của cán bộ công nhân viên MICCO lại càng được dâng cao hơn bao giờ hết. Không chỉ đơn thuần bám sát vào phần gợi ý đáp án của Tập đoàn, bài dự thi của cán bộ công nhân viên, người lao động MICCO còn có những tìm tòi và liên hệ thiết thực gắn với công việc hàng ngày cũng như những đặc thù của ngành Hoá chất mỏ. Nhờ vậy, MICCO cũng là một trong những đơn vị tiêu biểu được biểu dương tại lễ tổng kết cuộc thi vừa qua với nhiều cá nhân đạt giải.
Từ câu chuyện về sự cẩn thận, tỉ mỷ không chỉ của TGĐ Nguyễn Văn Sáng mà của cả cán bộ công nhân viên trong từng bài dự thi khiến chúng tôi liên tưởng đến sự “chắt chiu” trong sản xuất kinh doanh của TCT CN Hoá chất mỏ những năm qua. Nói cách khác, đó là sự chủ động phát huy nội lực, tăng cường các giải pháp thiết thực của MICCO nên đã mở rộng được thị trường tiêu thụ không chỉ cho các sản phẩm của MICCO mà cho cả các sản phẩm của Tập đoàn, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả nói chung – đây thực sự là “cứu cánh” với MICCO nhất là trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ VLNCN giảm đáng kể, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Xuyên suốt theo phương châm lấy hoạt động VLNCN làm nòng cốt, MICCO đã đẩy mạnh mở rộng các hoạt động SXKD khác và các sản phẩm mới gia tăng từ sản phẩm cốt lõi. Với lợi thế của Tổng Công ty có 30 đầu mối nằm ở các vùng, khu vực trọng điểm của ngành kinh tế và một đội ngũ cán bộ kỹ thuật đông đảo có chuyên môn sâu, thạo việc cùng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hoá chất, MICCO tập trung kinh doanh các sản phẩm của Tập đoàn như alumin; những loại hoá chất mà Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu như xút, hạt nhựa… Đồng thời, nhận định sát tình hình thị trường, khi trong nước, nhu cầu VLNCN tăng không nhiều, Tổng Công ty đã từng bước mở thị trường xuất khẩu VLNCN sang Lào, Campuchia. Sự “chắt chiu” ấy còn thể hiện rõ nét khi MICCO tích cực nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị cơ khí trong Tập đoàn tự lắp đặt các thiết bị phục vụ sản xuất, thay thế dần nhập khẩu; chủ động tìm nguồn nguyên liệu có giá thấp hơn…
Có thể nói, vượt qua khó khăn, quyết tâm trụ vững, thương hiệu Hoá chất mỏ với chữ cái “M” đầu tiên mà mỗi cán bộ công nhân viên đeo trên ngực áo, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ: Thương hiệu Ngành sáng tỏ/Lấp lánh trên ngực ta/Sao “M” nở hoa/Mẫu mực và may mắn… (Tự sự – Thơ Vũ Quang Núi). Và đâu đó trong cuốn sách truyền thống của Tổng Công ty, tôi đọc được tâm sự của một công nhân nổ mìn: “Khi những tiếng mìn nổ vang lên, đất đá tơi vụn, đứng nhìn làn khói bụi mờ dần tan và giọt mồ hôi rơi trên bãi đá, chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm và nở một nụ cười hạnh phúc. Cho dù làn da và khuôn mặt của những người thợ Hoá chất mỏ chúng tôi có thể ngày càng sạm đen vì nắng, gió nhưng ánh mắt và nụ cười của chúng tôi vẫn luôn toả sáng vì tình yêu gắn bó với nghề nghiệp của mình. Bởi chúng tôi hiểu được ý nghĩa công việc mình đang làm – đó là khơi nguồn cho những dòng than tuôn chảy đến mọi miền đất nước” – Mộc mạc, giản dị nhưng đầy tâm huyết và trách nhiệm của những người thợ áo vàng – MICCO!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-mot-bai-thi-viet-tay-cua-tong-giam-doc-201611102334007644.htm” button=”Theo vinacomin”]