Những dấu mốc quan trọng
Mỗi dịp tháng 10 về, những người đã và đang gắn bó với nghề địa chất đều trào dâng những cảm xúc đầy tự hào bởi có ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam (2/10). Ngược dòng lịch sử để cùng điểm lại những dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này với những người làm địa chất.
Ngày 2/10/1945, Chính phủ đã thành lập Nha kỹ nghệ trong cơ cấu của Bộ Quốc dân Kinh tế (sau này là Nha Khoáng chất – Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế và Bộ Công thương) đánh dấu sự ra đời của ngành Địa chất Việt Nam. Sau ngày hòa bình lập lại, ngày 28/3/1956, Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp đã được thành lập (sau đổi tên thành Cục Địa chất) nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu về lĩnh vực địa chất. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 18 về việc thành lập Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sự ra đời của Tổng cục Địa chất đã tạo ra một bước đột phá mới, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã hoàn thành, các mỏ cũ đã được điều tra, thăm dò mở rộng, nhiều mỏ mới đã được phát hiện, tạo cơ sở cho ngành khai khoáng hình thành và phát triển. Tiền thân của ngành Dầu khí cũng được bắt đầu từ đây.
Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập trên cơ sở Liên đoàn địa chất 36. Ngày 01/8/1987 thành lập Tổng cục Mỏ và Địa chất, ngoài các nhiệm vụ chuyên ngành về địa chất, Tổng cục còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành Mỏ và địa chất. Theo đó, công tác quản lý về khai thác, sử dụng khoáng sản đã được chú trọng. Có thể nói, đây là giai đoạn đỉnh cao trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Địa chất Việt Nam. Năm 1990 đã thành lập Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, sau này là Bộ Công nghiệp. Một số đơn vị địa chất cũng đã được tách ra để hình thành các doanh nghiệp Nhà nước như Công ty Địa chất, Tổng công ty Vàng và Đá quý Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Ngày 4/12/1996, Chính phủ đã có Nghị định số 79/CP về việc thành lập Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp.
Tháng 11/2002, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chuyển sang thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến năm 2008, một số đơn vị thuộc Cục được tổ chức lại như Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển được chuyển sang trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; các đơn vị địa chất thủy văn và địa chất công trình đã được chuyển sang Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Trắc địa được chuyển sang Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản và đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16/8/2010, trong đó đã quyết định thành lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 718 ngày 21/5/2010 về việc lấy ngày 02/10 hàng năm là ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam.
Như vậy, trong 74 năm xây dựng và phát triển, ngành Địa chất đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ và các nhà địa chất Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Rumani… và các nước Đông Nam Á. Đồng thời, trong mọi hoàn cảnh gian khổ, khó khăn, cán bộ công nhân viên ngành Địa chất đã nhận được sự đùm bọc thương yêu của chính quyền, đồng bào khắp mọi miền đất nước. Đó là những điều kiện và cũng là sự động viên vô giá của chính quyền và đồng bào trên mọi miền của đất nước, cùng các bạn bè quốc tế để ngành Địa chất Việt Nam phát triển và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc như ngày hôm nay. Các nhà địa chất Việt Nam đã tạo được hình ảnh đẹp đẽ về tính tích cực và trung thực trong khoa học, đoàn kết, phối hợp với nhau chặt chẽ, tạo nên mái nhà chung của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên địa chất trên toàn quốc.
Địa chất mỏ tiếp nối truyền thống, vững bước tương lai
Hoà chung vào niềm tự hào về truyền thống ngành Địa chất Việt Nam không thể thiếu những CBCNVLĐ Công ty CP Địa chất mỏ – TKV; luôn mang trong mình niềm tin, khí thế để tiếp nối truyền thống vẻ vang dẫu còn vô vàn khó khăn.
Công ty Cổ phần Địa chất mỏ – TKV tiền thân là Đoàn thăm dò than Hòn Gai lấy phiên hiệu là Đoàn thăm dò Địa chất 9 được thành lập ngày 01/9/1958 tại quyết định số 223 ngày 01/9/1958 của Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp nước Việt Nam DCCH. 61 năm qua, theo yêu cầu của cách mạng, Đoàn thăm dò Địa chất 9 đã từng bước xây dựng và trưởng thành. Lớp lớp những công nhân, cán bộ địa chất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cả trong thời bình cũng như thời chiến và trong sự nghiệp đổi mới Đất nước. Lớp lớp các thế hệ CBCNVLĐ của Công ty vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, khiêm tốn học hỏi, không ngừng học tập nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật nghiệp vụ, nâng cao trình độ quản lý, vững bước đi lên ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Trong những lúc khó khăn nhất, người Địa chất vẫn vững vàng, đoàn kết một lòng, đảm đương mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, xứng đáng với danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng lao động được Đảng và nhà nước trao tặng.
Trong hơn 60 năm qua, Công ty đã thi công, thành lập hơn 500 phương án, báo cáo địa chất các loại, nghiên cứu tìm kiếm thăm dò khoáng sản; với khối lượng trên 3,4 triệu mét khoan, đào trên 1,5 triệu mét hào thăm dò…. thành lập bản đồ Địa chất 1/50.000 – 1/25.000 và tỷ lệ 1/5000 đã được thành lập cho toàn bể than Quảng Ninh, bản đồ Địa chất tỷ lệ 1/2000 được thành lập cho hầu hết các khoáng sàng than hiện đang được khai thác. Đó là cơ sở tin cậy cho công tác thăm dò khai thác phục vụ thiết kế khai thác các mỏ than.
Trong những năm gần đây với yêu cầu nâng cao công suất các mỏ lộ thiên cũng như hầm lò, tài liệu địa chất của Công ty đã đáp ứng tin cậy để phục vụ cho thiết kế khai thác và nâng cao công suất của các mỏ. Với nhu cầu thăm dò trong các mỏ hầm lò cũng như khoan tháo nước, tháo khí và dự báo các nguy cơ tiềm ẩn trong khai thác than dưới hầm lò của các đơn vị sản xuất than trong Tập đoàn TKV, Công ty đã luôn đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật áp dụng thành công và đáp ứng được nhu cầu của các mỏ được các chủ đầu tư cũng như Tập đoàn TKV tin tưởng giao nhiệm vụ. Yêu đời, yêu cuộc sống xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh với các phong trào văn nghệ thể thao sôi nổi, Địa chất mỏ tham gia và thực hiện có chất lượng các cuộc vận động, các phong trào xã hội, xoá đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt… Tất cả đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn TKV.
Có được những thành tích như ngày hôm nay, tập thể CBCNVLĐ Công ty CP Địa chất mỏ không thể quên được những đóng góp, hy sinh của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, biết ơn và ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của Công ty. Kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh đi trước tập thể CBCNVLĐ Công ty Cổ phần Địa chất mỏ – TKV luôn đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn gian khổ, đặt trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng, tiếp tục xây dựng Công ty phát triển bền vững trong sự nghiệp đổi mới của đất nước cũng như của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-hao-truyen-thong-nganh-dia-chat-viet-nam-2019111116555876.htm” button=”Theo vinacomin”]